Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật đang làm tăng khả năng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe, hai chính phủ đã công bố "Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng" mới giữa Nhật Bản và Mỹ. Văn kiện này rõ ràng đặt Mỹ vào vị trí chống Trung Quốc, lý do như sau:

Thứ nhất, văn bản mới nhất này là nhằm vào Trung Quốc. Quan ngại an ninh lớn nhất của Nhật Bản là tranh chấp quần đảo Sankaku/Điếu Ngư, và Tokyo đang tích cực thúc ép đòi Mỹ phải đưa ra đảm bảo đối với nhóm đảo đá nhỏ không có người ở này. Điều có khả năng đẩy Mỹ vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Thứ hai, bản hướng dẫn mới khẳng định rằng "Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường bảo vệ Nhật Bản bằng mọi khả năng, kể cả lực lượng hạt nhân của Mỹ". Washington cũng sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng sẵn sàng chiến đấu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tăng cường khả năng triển khai các lực lượng này một cách nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tăng thêm vũ khí và vũ khí sẽ tối tân hơn. Ủy ban Tư vấn An ninh đã khẳng định tầm quan trọng chiến lược của việc triển khai những vũ khí hiện đại và tối tân nhất của Mỹ tại Nhật Bản, đồng thời hoan nghênh việc triển khai các loại máy bay, máy bay không người lái, tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Thứ ba, trong nhiều năm qua, chi phí quân sự của Nhật Bản không tăng. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản có kế hoạch dành thêm các nguồn lực cho sự "đóng góp tích cực vào hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế". Điều đó sẽ khiến ngân sách dành cho việc chống lại nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc sẽ giảm đi. Washington được hy vọng sẽ bù vào số tiền bị giảm đi này.

Thứ tư, các quy định mới được đưa ra trong bản hướng dẫn nói trên cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bảo vệ tuyên bố chủ quyền tranh chấp của Nhật Bản, quan trọng nhất là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Obama từng tuyên bố rằng "cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản là tuyệt đối". Các lực lượng Mỹ sẽ bị lôi kéo vào việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo văn kiện mới, trong trường hợp cần thiết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thực hiện các chiến dịch tái chiếm đảo và họ hy vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Chính quyền Mỹ và Nhật Bản cũng đang thảo luận việc tăng cường tuần tra chung trên không tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tokyo không có các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, nhưng đang phối hợp với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại đó như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Vì thế, một máy bay Mỹ có thể đối đầu với máy bay Trung Quốc nếu Mỹ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của một nước thứ ba ở Biển Đông. Mạng tin "chinausfocus" cho rằng điều này hầu như không có lợi cho Mỹ, nhất là khi việc bảo vệ những tuyên bố lãnh thổ gây tranh cãi của Tokyo có thể khuyến khích chính phủ Nhật Bản trở nên khiêu khích và liều lĩnh.

Mặc dù Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng "chúng tôi không nghĩ liên minh Mỹ-Nhật hùng mạnh là một sự khiêu khích", nhưng theo mạng tin "chinausfocus", nếu liên minh này có ý định chống lại Trung Quốc thì đó chính là một sự khiêu khích. Và bản hướng dẫn mới nói trên có thể làm tăng khả năng buộc Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc vì lợi ích của nước khác, chứ không phải lợi ích của Mỹ.

Theo "Chinausfocus" (ngày 5/5)

Nhật Linh (gt)