Tranh cãi bắt đầu hôm 3/5 khi Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) thông báo dàn khoan Haiyang Shiyou 981, do Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sở hữu, sẽ tiến hành hoạt động khoan dầu ở Biển Đông. MSA còn tuyên bố áp đặt vùng cấm xung quanh dàn khoan đối với bất kỳ tàu thuyền nào không phận sự. 

Không ngạc nhiên là Việt Nam đã phản ứng quyết liệt, cử một hạm đội tàu kiểm ngư tới ngăn chặn việc đặt cố định dàn khoan tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một hạm đội tới 80 tàu của Trung Quốc (bao gồm cả tàu hải quân) đã canh chừng dàn khoan và sự va chạm đã xảy ra. Có ít nhất 3 nhân tố liên quan tới sự vụ này cần phải được cân nhắc thận trọng.

Thứ nhất, có khả năng sự căng thẳng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng (hoặc lâu hơn). Vụ việc này nghiêm trọng hơn những vụ trước đây. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc định khoan dầu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không giống tàu hải giám và đánh cá, các dàn khoan đặt ở một vị trí cố định trong thời gian lâu hơn, dù chúng có thể di chuyển. Trên thực tế, thông báo của MSA nói rằng việc khoan dầu sẽ tiếp tục ở cùng địa điểm cho tới ngày 15/8. Nếu CNOOC đã đặt xong dàn khoan, thông báo của MSA có nghĩa là dàn khoan sẽ không được chuyển đi trước thời hạn đó. Trong trường hợp này, việc di chuyển dàn khoan có thể được hiểu là việc khoan dầu đã hoàn tất. Tất nhiên không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ di chuyển dàn khoan vào thời điểm đó. 

Về ngắn hạn, đây sẽ là một tình huống nước đôi. CNOOC có thể để dàn khoan trị giá hàng tỷ USD trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, hoặc có thể không. Việc di dời dàn khoan trong tháng 8 có thể được Hà Nội chấp nhận, nhưng không có cách gì giúp Việt Nam đảm bảo dàn khoan sẽ được di chuyển vào thời điểm đó. Vì vậy, có thể trò chơi “mèo đuổi chuột” sẽ diễn ra trong vùng biển gần dàn khoan với thực tế là hải lực của Trung Quốc mạnh hơn nhiều. 

Thứ hai, mặc dù quyết định đưa dàn khoan này vào địa điểm trên không tự nhiên diễn ra sau chuyến thăm châu Á mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, song hai động thái này không nhất thiết phải có sự liên hệ. Chuyến thăm châu Á của ông Obama không có tên Hà Nội, và những nước Obama tới thăm vẫn chưa có phản ứng dữ dội tương tự. Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung tại biển Hoa Đông, động thái được coi là một phản ứng đối với chuyến thăm Nhật Bản của ông Obama. Nhưng cũng có những tín hiệu tích cực cho quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc trước và sau chuyến thăm của ông Obama. 

Cuối cùng, CNOOC có lịch sử khai thác nguồn tài nguyên tại Biển Đông cùng với những tranh cãi về chủ quyền. Các doanh nghiệp như CNOOC là những kẻ hùng mạnh ở Bắc Kinh, và CNOOC có thể là một trong những kẻ đứng đằng sau quyết định đưa dàn khoan ra vùng biển này. Ít nhất, họ sẽ tích cực ủng hộ việc dùng dàn khoan như một công cụ trong tranh cãi chủ quyền. 

CNOOC có một kỷ lục về liên đới trong các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2012, công ty này lập ra 9 vùng khí đốt và dầu mỏ cấm các công ty nước ngoài khai thác, tại một khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. CNOOC cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về lượng hydrocarbon ở Biển Đông. Có thể nói đây là nỗ lực để giành sự hỗ trợ tài chính và ưu tiên từ chính quyền trung ương Trung Quốc. Dàn khoan này được lắp đặt năm 2012, giúp CNOOC có khả năng khoan sâu 3.000m, mở rộng các khu vực khai thác ở Biển Đông mà không cần sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài. Chủ tịch Wang Yilin đã từng tuyên bố “các dàn khoan nước sâu lớn là lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc”.

Theo  "Lowyinterpreter"

Vũ Hiền (gt)