asean_development.jpg 

Khi Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu chính sách tiếp cận mới của mình với các quốc gia thành viên ASEAN tại Bandar Seri Begawan tháng 10/2013 trong khuôn khổ hợp tác “Hai cộng Bảy”, không ai có thể dự đoán rằng chính sách này sau đó đã bị lãng quên. Chỉ vài tháng gần đây, ASEAN mới xem xét lại một cách tổng thể các sáng kiến của Trung Quốc cũng như đánh giá lại quan hệ hai bên kể từ khi Trung Quốc có cuộc đầu tiên với ASEAN tại Kuala Lumpur năm 1991.

Ngày 7/9 tới, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ gặp nhau lần thứ 19. Tại dịp này, hai bên cần có một sản phẩm có ý nghĩa và thực chất tạo tiền đề thúc đẩy mối quan hệ ngày càng phức tạp hiện nay. Đáng tiếc là sáng kiến về khuôn khổ hợp tác nêu năm 2013 đã bị lu mờ trước những diễn biến căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông. Trọng tâm của cách tiếp cận mới hiện nay là “hai điểm đồng thuận”, bao gồm: (i) “niềm tin chiến lược mạnh mẽ hơn và quan hệ láng giềng tốt” và (ii) “tăng cường phát triển kinh tế và mở rộng lợi ích chung”. Hai nguyên tắc bao quát này đang và sẽ đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, đã được đề cập trong đề xuất “Bảy điểm” và bắt đầu có kết quả, ví dụ như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng ASEAN.

Trong 25 năm qua, quan hệ ASEAN - Trung Quốc rất đa chiều, từ lĩnh vực chính trị, an ninh cho tới văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện thành công lại tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Rõ ràng, mọi thống kê về thương mại và đầu tư cho thấy sự tiến triển vượt bậc và đầy tiềm năng. Năm 1991, thương mại song phương chỉ đạt 7.96 tỷ USD nhưng từ đó đến nay đã tăng trưởng một cách chóng mặt. Năm ngoái, thương mại song phương đạt 472.16 tỷ USD, tăng gần 60 lần hoặc 18.5% hàng năm. Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn, từ chỉ 500 triệu USD vào năm 1991 nay đã đạt 160 tỷ USD vào năm 2015. Rõ ràng, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN tiếp tục là nền tảng trong tổng thể quan hệ hữu nghị. Mặc dù vậy, trong tương lai gần, quan hệ hai bên sẽ có tính chiến lược hơn, tích hợp cả môi trường đối nội, khu vực với các chương trình hợp tác. Việc cải thiện quản trị và quy trình thủ tục sẽ được chú trọng hơn. Giả dụ, hai bên sẽ tập trung hợp tác về các vấn đề liên quan năng lực sản xuất, kết nối, phát triển bền vững và cấu trúc tài chính khu vực.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc phải thể hiện sự lãnh đạo của mình trong quá trình hoàn thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong lúc tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa rõ ràng, đây sẽ là cơ hội tốt để thành viên RCEP thúc đẩy đàm phán nhằm bảo đảm RCEP hoàn thiện vào năm sau. Bắc Kinh cũng phải thể hiện ý chí chính trị nhằm khuyến khích các đối tác thương mại khác trong Đông Á và Châu Đại dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, làm điều tương tự.

Trung Quốc đã tỏ thất vọng khi các quốc gia thành viên ASEAN còn hờ hững trước cơ hội mang lại từ các sáng kiến Con đường, Vành đai và tài chính khác (Quỹ Hợp tác Đầu tư Châu Á, Quỹ Hợp tác Biển Trung Quốc - ASEAN và Quỹ Con đường Tơ lụa). Thực ra, Trung Quốc vẫn cần tiếp tục hợp tác với ASEAN khi biết rằng tổ chức này sẽ trình Hội nghị Cấp cao ASEAN tới thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN đến năm 2025. Việc tham vấn sâu rộng hơn là hết sức cần thiết. Bắc Kinh thì muốn thấy tất cả các sáng kiến của mình (hơn 100 sáng kiến) được đưa vào trong tuyên bố chung sắp tới trong khi ASEAN muốn bảo đảm hợp tác trong tương lai với Trung Quốc sẽ cân bằng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Về hợp tác chính trị, an ninh, Trung Quốc và ASEAN cùng chia sẻ những giá trị chung như sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hay tầm quan trọng của ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, hai bên có thể có những khác biệt về cách thức tốt nhất để đạt được các mục tiêu đó. Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã cam kết ủng hộ một cơ chế do ASEAN dẫn dắt là một phần của cấu trúc an ninh khu vực, Trung Quốc cũng đề xuất với ASEAN “Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác” năm 2013. Cho đến nay, ASEAN chưa thực sự nghiêm túc nghiên cứu ý tưởng này do lo ngại đề xuất của Trung Quốc sẽ làm yếu quy tắc ứng xử của mình. ASEAN và Trung Quốc cũng đang phối hợp xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, dự kiến ​​sẽ được hoàn thiện vào giữa năm 2017.

Tại Viêng Chăn, các phát biểu của Thái Lan và Indonesia đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước ASEAN khác. Thái Lan khẳng định lại giá trị và tầm quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 1976, thúc đẩy các cường quốc bên ngoài tôn trọng các chuẩn mực và nguyên tắc của ASEAN trong TAC, là kim chỉ nam của ASEAN trong gần năm thập kỷ qua. Phát biểu của Indonesia về duy trì hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực một lần nữa củng cố quan điểm của ASEAN về an ninh khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Ngoài những tranh chấp về hàng hải, Trung Quốc hầu như đã tham gia tất cả các sáng kiến an ninh có liên quan đến ASEAN như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), bao gồm họp song phương về quốc phòng, thực thi pháp luật và an ninh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thoả thuận hợp tác an ninh với các quốc gia dọc sông Cửu Long là Myanamr, Thái Lan và Lào. Việc có thêm các hợp tác an ninh mới với ASEAN trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi nếu các hợp tác này tôn trọng các chuẩn mực và nguyên tắc được nêu trong Thông cáo Chung lần thứ 49 của ASEAN.

Điểm yếu trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN là kết nối văn hoá và sự trao đổi giữa con người với con người. Trung Quốc nhận thức được điều này và đang tìm cách thúc đẩy hiểu biết và quan hệ hữu nghị tốt hơn với 625 triệu người dân của Cộng đồng ASEAN. Ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đi đến các nước ASEAN, điều quan trọng là nâng cao nhận thức về sự đa dạng văn hoá trong ASEAN cũng như ở nhiều nơi ở Trung Quốc. Về vấn đề này, Bắc Kinh đã đưa ra một ý tưởng thành lập các trung tâm văn hoá tại một số Thủ đô ASEAN, giống như trung tâm được thành lập tại Bangkok năm 2007. Năm 2016 có chủ đề năm giao lưu Giáo dục Trung Quốc - ASEAN. Bắc kinh đã cam kết cung cấp học bổng nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới và có ít nhất 60.000 học sinh sinh viên từ các nước ASEAN đang học tại Trung Quốc. Khoảng 1.100 suất học bổng sẽ được bổ sung cho giai đoạn 2016 - 2018. Trong thời gian tới, giao lữu giữa cộng động thanh niên và học giả cũng sẽ được tăng cường.

Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19, được đưa ra vào ngày 7/9, sẽ là định hướng cho quan hệ hai bên trong tương lai. Với Trung Quốc, rõ ràng việc lấy được niềm tin chiến lược của ASEAN và tăng cường, mở rộng hợp tác kinh tế ra phạm vi ngoài khu vực sẽ là hai ưu tiên hàng đầu. Với ASEAN, quan hệ trong tương lai phải là cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng luật pháp và tiến trình ngoại giao./.

Theo “The Straitstimes” (ngày 29/8)

Vũ Hiền (gt)