Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Mukherjee đã đánh giá Việt Nam là một "trụ cột quan trọng" trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời bày tỏ hy vọng tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước trong chuyến thăm lần này. Theo trang mạng của báo "Deccan Herald" (Ấn Độ) ngày 14/9, Tổng thống Mukherjee đánh giá mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, theo ông, tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Cũng theo báo trên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận về dịch vụ hàng không giữa hãng Jet Airways và Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, công ty OVL - thuộc Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ - và Petro Vietnam sẽ ký kết một thỏa thuận quan trọng để thăm dò thêm hai lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm, bà Swaraj đã hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và khẳng định “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ phải trở thành “Chính sách Hành động phía Đông”. Hai bên đã thảo luận về việc thăm dò dầu khí tại Biển Đông và các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ quốc phòng. Việt Nam đã trao thêm cho Ấn Độ thăm dò 5 lô dầu tại Biển Đông. Ấn Độ phải quyết định cách thức thăm dò những lô dầu này, đồng thời giúp Việt Nam trong tự do hàng hải, an toàn hàng hải và an ninh trên Biển Đông. Trong chuyến thăm, bà Swaraj cũng chủ trì hội nghị những người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại các nước Đông Nam Á và Đông Á ở Hà Nội để đưa ra những sáng kiến mà chính phủ Ấn Độ có thể triển khai thực hiện trong khu vực quan trọng chiến lược này.

Quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ. Hai nước ký Bản ghi nhớ (MoU) về quốc phòng năm 1994, nghị định thư quốc phòng chính thức năm 2000 và Đối tác chiến lược năm 2007. Từ đó đến nay, hai nước triển khai cơ chế đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên ở cấp thứ trưởng. Với mối quan hệ ngày càng sâu sắc, việc nâng cấp cơ chế đối thoại này lên cấp bộ trưởng sẽ hữu ích hơn. 

Vịnh Cam Ranh được coi như một trong những tài sản quý giá của Việt Nam. Nếu lực lượng hải quân và không quân Ấn Độ được sử dụng những căn cứ tại đây sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và tạo điều kiện cho Ấn Độ triển khai hành động bảo vệ các tài sản ở Biển Đông. Tuy nhiên, những vấn đề này cực kỳ nhạy cảm và chưa bao giờ được bày tỏ công khai. 

Dựa trên nhu cầu của Việt Nam, Ấn Độ có thể cung cấp máy bay giám sát Dornier, máy bay không người lái loại nhỏ, xe tăng T-72 đã được nâng cấp, một số tàu hải quân đã qua sử dụng và thiết bị pháo do Ấn Độ sản xuất trong nước (một khi đã qua thử nghiệm). Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để có thể mua tàu tuần tra ngoài khơi (OPVs) của Công ty đóng tàu Goa. Việt Nam cũng muốn mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, có thể sử dụng trên đất liền và trên biển, đồng thời mong muốn các nhà khoa học của mình được đào tạo về công nghệ tên lửa. 

Trong khi lĩnh vực chiến lược rất quan trọng, một vấn đề khác cũng đáng chú ý là thăm dò dầu khí. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng thăm dò 2 lô dầu thêm một năm cho công ty ONGC. Năng lượng vẫn là mối lo lớn và Ấn Độ phải cân nhắc nghiêm túc đề nghị của Việt Nam, tiếp tục hoạt động thăm dò. 

Về các lĩnh vực khác, Việt Nam và Ấn Độ đã nỗ lực lớn để đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 8 tỷ USD. Hai bên cần phải nỗ lực để tăng kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài hoạt động kinh tế, Ấn Độ còn có quan hệ văn hóa rất gần gũi với Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác chiến lược mạnh mẽ và có sự hội tụ to lớn về những vấn đề tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bài viết của Thiếu tướng đã về hưu P.K. Chakravorty - cựu Tùy viên Quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam trên trang “Vifindia”.

Mỹ Anh (gt)