Thời điểm đầy thách thức và nhạy cảm 

Một số ít người ở New Delhi biết rằng Thủ tướng Narendra Modi đã có kế hoạch bí mật đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, công du Ấn Độ hồi tháng 9/2014, về thăm thị trấn quê hương Vadnagar ở bang Gujarat, nơi định cư cổ đại với lịch sử trên 2.500 năm trước Công nguyên. 

Ý tưởng này đến với Modi một cách tự nhiên bởi vì Vadnagar, lịch sử cũ gọi là Anandapura, đã hai lần được học giả nổi tiếng người Trung Quốc ở thế kỷ 7 Huyền Trang viếng thăm trong tuyến đường đi vòng quanh đến trung tâm Ấn Độ (từ năm 627 đến 643). Ghi chép chi tiết của học giả này dành toàn bộ một chương về Anandapura, miêu tả khu vực đông dân thuộc vương quốc Malava dưới sự trị vì của Quốc vương Yadavas ở miền Trung Ấn Độ. Đây là mảnh đất của sản xuất, văn học, luật pháp, mười địa điểm tu hành của Phật giáo với hàng nghìn tu sỹ theo học tại trường Little Vehicle of the Sammatiya, nhiều chùa chiền…

Nhưng kế hoạch bí mật của Modi cũng phản ánh thế giới quan của ông, giàu biểu tượng chính trị và trong chừng mực nào đó nó thể hiện sự cống hiến của ông cho “Thế kỷ châu Á”. 

Xem xét Hội nghị thường niên Ấn Độ - Nga diễn ra gần đây tại New Delhi giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin thì điều cần chú ý ở đây, nổi bật rõ rệt nhất, là sự đồng cảm của nhà lãnh đạo Ấn Độ với tinh thần yêu nước yêu dân tộc của Nga. Những tuyên bố của Modi thể hiện sự ủng hộ vô điều kiện của ông đối với Nga nói chung và sự lãnh đạo quyết đoán của Putin dành cho nước Nga nói riêng. Trên thực tế, điều này đã được nêu rõ ở bối cảnh có nền tảng xu thế giống Chiến tranh Lạnh trong các vấn đề chính trị quốc tế và chiến lược mà phương Tây liên kết, phối hợp để cô lập Nga: 

“Tổng thống Putin là lãnh đạo của một dân tộc vĩ đại mà chúng ta có tình bạn hữu nghị. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược có một không hai về nội dung nghị sự… Đặc điểm chính trị và quan hệ quốc tế đang thay đổi. Tuy nhiên, tầm quan trọng của quan hệ và điểm độc đáo trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sẽ không thay đổi. Trên phương diện này, điều đó có ý nghĩa quan trọng rằng cả hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai… 

Tổng thống Putin và tôi đã nhất trí rằng đây là thời điểm khó khăn trên thế giới. Quan hệ đối tác và nhạy cảm lớn mà chúng ta luôn có về mối quan tâm đối với lợi ích của nhau sẽ là nguồn lợi sức mạnh cho cả hai nước…”. 

Có thể nói rằng các chính sách của Putin với mục đích xuyên suốt nhằm khôi phục uy tín, vị thế của Nga trên trường quốc tế, đã thu hút Modi một cách tự nhiên. Tổng thống Nga đã không chịu lùi bước khi đối mặt với áp lực lớn từ phương Tây và tìm kiếm đối tác khác trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với những nước như Trung Quốc, Ấn Độ.  Hiện tại, phương Tây đã xa lánh Modi trong hơn một thập kỷ qua và ông cũng có kinh nghiệm trên phương diện là một nhà dân tộc chủ nghĩa Hindu về sự bá chủ của văn hóa, chính trị phương Tây trong trật tự thế giới. Một điểm chung giữa Modi và Putin là sự nhận thức dễ dàng, khả năng xác định vấn đề, sự hiểu biết cá tính tuyệt vời giữa họ là những điều không cần phải giải thích thêm. Họ hiểu cách đánh giá nhìn nhận tình hình của nhau đối với đất nước mình và đối với trật tự thế giới. 

Trong thực tế, sự vô cảm “đáng sợ” từ những lời khuyên của Washington dành cho Modi là không làm ăn với Nga sẽ chỉ nhắc ông nhớ lại về sự xa lánh mới nhất vào giai đoạn 2002 - 2014 khi Modi bị Mỹ tẩy chay. Rõ ràng, Modi đánh giá khi Nga thoát khỏi khó khăn nước này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. 

Đồng thời, hai nước cũng chia sẻ nhiều điểm chung về các chính sách cơ hội của phương Tây khi Thủ tướng Modi tuyên bố “hiện đại hóa” Ấn Độ là nhiệm vụ của mình, từ đó đưa Ấn Độ vào thế kỷ 21 thông qua mở rộng quan hệ kinh tế với các đối tác nước ngoài. Thủ tướng Modi ý thức cao trên cương vị nguyên thủ quốc gia rằng ông không thể thất bại trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, sứ mệnh mới để lãnh đạo đất nước phụ thuộc rất lớn vào thành công của ông trong việc tạo công ăn việc làm cho thanh niên Ấn Độ với hàng trăm triệu người, nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy phát triển xã hội. Đồng thời, nâng cao vị thế quốc tế của Ấn Độ, đặc biệt tại châu Á, là một nội dung không thể thiếu trong chương trình hành động đối nội của ông. 

Đây chính là quốc gia nằm trong tìm kiếm đối tác mới của Nga trên trường quốc tế và cho sự nhiệt huyết, hăng hái của Nga nhằm tiếp thêm sinh lực cho quan hệ đối tác châu Á phù hợp với nhu cầu của Ấn Độ muốn có các quan hệ kinh tế cùng có lợi lâu dài không kèm theo điều kiện ràng buộc về chính trị. 

Nga thực sự được xếp vào một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong nhiệm kỳ của Modi. Lý do là: 

Thứ nhất, Nga không ra lệnh (không giống như Mỹ) và mức độ hài lòng, thỏa mái của Modi sẽ càng cao thêm trong tăng cường quan hệ đối tác với Nga. 

Thứ hai, không giống như Mỹ, vốn luôn tìm cách biến Ấn Độ là “nhân tố chủ chốt” trong chiến lược của Mỹ ở châu Á, Nga rất hài lòng nếu Ấn Độ duy trì “tự chủ chiến lược” của mình (điều như Nga cũng mong muốn) trên trường quốc tế, điều tự nó sẽ giúp thay đổi trật tự thế giới và hệ thống quốc tế hướng tới “chủ nghĩa đa phương, đa diện” và dân chủ hóa dựa trên chia sẻ lợi ích chung của tất cả các nước. 

Thứ ba, xuất phát từ vấn đề trên, chiến lược “Made in India” của Modi mở ra cánh cửa cho sự phát triển quan hệ đối tác Ấn Độ - Nga. Điều chắc chắn, Modi đã rất tự hào, hãnh diện rằng Nga hiểu và ủng hộ cho sự thúc đẩy thực hiện kế hoạch “Made in India” của ông. 

Cuối cùng, vấn đề nổi bật trong quan hệ Ấn - Nga là cả hai nước sẵn sàng chia sẻ giải quyết tình hình quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, vốn đòi hỏi cần sự điều chỉnh liên tục và cụ thể. 

Nhiều chuyên gia phân tích Ấn Độ nhấn mạnh về sự gia tăng ưu tiên quan hệ của Nga với Pakistan sau này và sự thân thiết chưa từng có tiền lệ của Moskva với Bắc Kinh trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh mới” là điều đáng lo ngại cho Ấn Độ. Một cựu quan chức cấp cao về hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã nhận định: “Từ nay trở đi việc Nga sẽ cần tính đến yếu tố lợi ích của Trung Quốc bao nhiêu trong xây dựng chính sách khu vực của mình là điều sẽ cần phải đánh giá cẩn thận… Ngoài mối lo ngại của Ấn Độ về thiết bị quốc phòng và công nghệ của Nga được cung cấp cho Trung Quốc để tìm đường vào Pakistan, chúng ta sẽ phải đối mặt với triển vọng của việc bán vũ khí trực tiếp cho Pakistan”. 

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc Modi đồng tình với bất kỳ phản ứng nông nổi kiểu như trên liên quan đến các động thái ngoại giao của Nga ở khu vực Nam Á hoặc châu Á-Thái Bình Dương. Nói rộng hơn, Ấn Độ và Nga đều không coi mô hình an ninh khu vực là điều kiện được mất ngang nhau khi Ấn Độ mở rộng quan hệ với Mỹ hay mức độ chưa từng có tiền lệ trong quan hệ hợp tác giữa Nga với Trung Quốc và sự nồng ấm trong quan hệ của nước này với Pakistan. 

Rõ ràng Modi xác định chủ nghĩa thực dụng là kim chỉ nam cho chính sách của mình. Điều này cũng tương đồng trong nhãn quan và tính cách trên cương vị một chính khách của Putin. Modi là người theo chủ nghĩa thực dụng xuất sắc, luôn kiên định tìm kiếm cơ hội tốt nhất để tận dụng, điều giúp ông có thể thoát khỏi quan hệ với phương Tây và phương Đông (kể cả với Nga và Trung Quốc). 

Những suy nghĩ rập khuôn trong giới phân tích Ấn Độ có thể mất thời gian để tiếp nhận quan điểm này trong khi dự báo rằng đây là những “thời điểm thử nghiệm” cho quan hệ Nga-Ấn. Tuy nhiên, tầm quan trọng trong chuyến thăm của Putin đã được phương Tây nhận định chính xác. Bài viết trên tạp chí Deutsche Welle (Đức) kết luận: “kết quả trong chuyến thăm của Putin là tín hiệu không tốt cho chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ vào thời gian tới. Phương Tây cần phải đứng bật dậy và chú ý. Quan hệ hồi sinh giữa New Delhi và Moskva, một liên minh của những người nghèo, có thể có tác động lớn về cái gọi là ‘Thế kỷ châu Á’ hơn nhiều người có thể từng nghĩ chỉ vài tháng trước đây”. 

Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ và chủ nghĩa đế quốc thế giới 

Dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Ấn Độ trong ngày Quốc khánh Ấn Độ vào 26/1/2015. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ mở rộng lời mời đến tổng thống Mỹ và điều này diễn ra trong cuộc gặp của Thủ tướng Modi với ông Obama tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2014. 

Các chuyên gia phân tích và truyền thông Ấn Độ đánh giá chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama là “cuộc đảo chính ngoại giao” của Chính phủ Modi. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama không nằm trong bất kỳ đề xuất nào đã được giới hoạch định chính sách đối ngoại lên kế hoạch. Sáng kiến này nảy sinh hoàn toàn trong toan tính riêng của Modi và ông dường như chọn cách này để bày tỏ bởi vì cuộc hội đàm với Obama đã diễn ra trong không khí cá nhân nồng ấm. Nói cách khác, đây là dấu hiệu trong quan hệ đối tác Ấn-Mỹ như phía Ấn Độ mong muốn. 

Phía Ấn Độ thường cảm thấy đủ hài lòng để giải quyết những trở ngại trong quan hệ với siêu cường Mỹ. Điểm nổi bật trong chuyến thăm Nhà Trắng của cựu Thủ tướng Manmohan Singh vào năm 2009 là Tổng thống Obama đã tổ chức yến tiệc nhà nước lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống lần hai của mình để chào đón Manmohan Singh. Điều mỉa mai là, mối quan hệ kiểu này bắt đầu phôi pha ngay khi người Mỹ bắt đầu mất đi sự quan tâm đến chính phủ ngày càng hoạt động không đúng chức năng của Ấn Độ. 

Điều thú vị là Obama gần đây đã ca ngợi Modi như một “con người của hành động”. Không rõ Modi sẽ cảm nhận đến mức độ nào sự lôi cuốn gây khó chịu của ngoại giao Mỹ. Ở chừng mực nào đó, ít nhất cho đến nay, chính phía Mỹ được đánh giá là tích cực xây dựng chương trình nghị sự cho chuyến thăm của Tổng thống Obama. Một đạo luật mới của Chính quyền Modi mở ra thị trường mới cho các công ty bảo hiểm Mỹ, sự linh hoạt trong lập trường của Ấn Độ về biến đổi khí hậu và “điều chỉnh” luật trách nhiệm hạt nhân của Ấn Độ để đáp ứng yêu cầu của các công ty Mỹ với hy vọng sẽ bán các lò phản ứng hạt nhân trị giá hàng chục tỷ USD cho Ấn Độ mà không tính đến trách nhiệm “sự cố hạt nhân” - những hạng mục tốn kém trong danh mục của Mỹ cho chuyến thăm Ấn Độ của Obama đã sẵn sàng bị đưa ra phán xét, mổ xẻ. 

Mặt khác, nếu phía Ấn Độ có một danh sách thỉnh cầu dành cho Obama thì điều đó đến nay chưa được công khai. Hy vọng là sẽ có “hiệu quả Modi” trong chuyến thăm của Obama và trong quan hệ Ấn-Mỹ. 

Về nguyên tắc, kết quả hữu ích trong sự tương tác của Modi đến nay với các đối tác của ông trong số các cường quốc Nhật Bản, Trung Quốc, Nga đặt ra rào cản về quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ thường khá cao mà Obama khó có thể vượt qua. 
Nhật Bản đã đề nghị với Modi về gói đầu tư trị giá 35 tỷ USD. Trung Quốc tuyên bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ và ước tính tổng giá trị các thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Vladimir Putin cũng trị giá hàng trăm tỷ USD. 

Giả sử chỉ một nửa trong số các thỏa thuận trị giá 100 tỷ USD với Nga sẽ được thực hiện thì điều đó cũng tạo lực đẩy cho bộ máy của Ấn Độ và Nga. Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn - Nga trong năm nay mang ý nghĩa về sự chín muồi trong quan hệ ngoại giao Ấn Độ dưới thời Modi. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề khối lượng giao dịch được giải quyết trong suốt chuyến thăm cấp cao mà cần phải chú ý đến bản chất của các giao dịch này là khá ấn tượng. Thực tế, phía Nga đánh giá kế hoạch “Made in India” của Modi một cách nghiêm túc. Thủ tướng Modi cảm thấy phấn chấn khi đề cập đến điều này trong bài phát biểu của mình với giới truyền thông. Ông đã chỉ ra đề nghị của Nga “Sản xuất toàn bộ” ở Ấn Độ đối với một trong những loại máy bay trực thăng hiện đại nhất; phản ứng tích cực của Putin trước đề nghị của New Delhi “xây dựng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ” về linh kiện, phụ tùng cho các thiết bị quốc phòng của Nga; và sản xuất tại Ấn Độ các thiết bị, linh kiện cho “ít nhất 10 hoặc nhiều hơn” các lò phản ứng hạt nhân được Nga cung cấp lắp đặt ở Ấn Độ. 

Trên thực tế, sự sẵn sàng của Nga tuân theo luật pháp về trách nhiệm pháp lý hạt nhân của Ấn Độ trong khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ là điều nổi bật, trái ngược hẳn với sự kiên quyết của Mỹ rằng luật pháp “được điều chỉnh” để bào chữa, biện hộ cho các công ty của Mỹ về trách nhiệm trong các trường hợp tai nạn hạt nhân. Tổng thống Obama sẽ khởi động kế hoạch “Made in India” của Modi trong bao lâu? Liệu ông sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể phù hợp với cái gọi là “Chương trình nghị sự phát triển” của Modi nhằm tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm triệu thanh niên thất nghiệp ở đất nước này? Đến nay không có câu trả lời rõ ràng. 

Thật kỳ lạ, có một chiến dịch ngầm đang được tiến hành bởi những lực lượng vận động hành lang hậu trường của Mỹ để hạ bệ kế hoạch “Made in India” của Modi. Sự thật đơn giản là trong hợp tác quốc phòng, Mỹ đã sử dụng lý do (cách này hay cách khác) để không chuyển giao công nghệ cao cho Ấn Độ. Thay vào đó, Washington tập trung bán các sản phẩm cho Ấn Độ, thúc ép đòi sự tiếp cận thị trường lớn hơn cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ. Vấn đề lớn đặt ra ở đây là liệu Modi sẽ thành công trong việc hướng lái Chính quyền Obama để phù hợp với các tham số của khái niệm “Made in India”của ông. 

Thực tế, Thủ tướng Modi không bị sa lầy trong hệ tư tưởng khi đề cập đến quan hệ của Ấn Độ với cộng đồng thế giới. Ông đánh giá trật tự thế giới gần như một cách riêng biệt thông qua lăng kính lợi ích của Ấn Độ. Đánh giá của Modi cho rằng tình hình thế giới hiện nay đặc trưng bởi các hành động đa phương sẽ tốt cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ông cũng hoàn toàn thoải mái với phương Tây, phương Đông và sẽ tìm kiếm lợi thế cho Ấn Độ. Thủ tướng Modi tuyên bố với các giới truyền thông sau cuộc hội đàm của ông với Putin: “Trong thế giới ngày nay, quan hệ kinh tế năng động tạo thành trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ”. 

Tuy nhiên, dù sao đây cũng là một cách nhìn đơn giản thậm chí đôi khi là ngây thơ. Là một quốc gia tư bản phát triển mà phụ thuộc vào nguồn vốn tài chính, dự trữ thì chủ nghĩa dân tộc sẽ không giúp ngăn ngừa được sự trừng phạt nếu Modi từ chối phục tùng những đế quốc lớn, bỏ qua con đường tái cơ cấu tân thuộc địa của trật tự thế giới do Mỹ đang tìm cách chi phối. 

Điều chắc chắn là Thủ tướng Modi không thể không hiểu về những nguyên tắc cơ bản của “chủ nghĩa tư bản tàn bạo”. Những tuyên bố thận trọng của ông trên các phương tiện truyền thông trước sự hiện diện của Tổng thống Nga Putin cho thấy một mặt Modi không trông cậy vào một con đường thách thức chiến lược, mặt khác Thủ tướng Ấn Độ ý thức sâu sắc rằng sự đầu hàng khúm núm sẽ chỉ tạo ra hàng loạt giai đoạn yêu sách của phương Tây. Kết quả cuối cùng sẽ là gây phương hại đến mục tiêu dân tộc của chính phủ và hệ thống bảo vệ mà nó thúc đẩy cho sự độc lập về kinh tế, văn hóa của Ấn Độ. 

Có thể nói rằng bối cảnh lịch sử trong đó Nga đang bị Phố Wall, đối tác châu Âu cô lập bằng việc cắt đứt quan hệ của nước này với các tổ chức tín dụng quốc tế là bài học sâu sắc cho chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ mặc dù giới lãnh đạo Ấn Độ dường như không chú ý lắm đến điều này./. 

 Theo Quỹ Văn hoá Chiến lược, Nga

Duy Anh (gt)