881151-Modi-1430816075-648-640x480.jpg

Quan hệ Ấn Độ-ASEAN đã đạt được những tiến triển ấn tượng trong vòng 25 năm qua, khởi đầu bằng mối quan hệ đối tác đối thoại theo ngành khá khiêm tốn vào năm 1992, tiếp đến là đối tác đối thoại toàn diện vào năm 1995, đối tác cấp cao vào năm 2002 và đối tác chiến lược năm 2012. Việc cả 10 lãnh đạo nhà nước/chính phủ ASEAN được làm khách mời quan trọng trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa lần thứ 68 của Ấn Độ sẽ là một cột mốc nữa cho thấy mối quan hệ được nâng cấp đáng kể. Sự hiện diện của tất cả 10 vị lãnh đạo ASEAN sẽ phản ánh tầm quan trọng mà họ dành cho mối quan hệ này. Ngược lại, tiền lệ chưa từng có về lời mời tập thể dành cho các lãnh đạo của một nhóm khu vực cũng phản ánh mong muốn của Ấn Độ dành sự ưu tiên hàng đầu cho các nước láng giềng Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất chấp thành tích này, có một điều cần ghi nhận là mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN đã không đạt mức như kỳ vọng. Vẫn tiếp tục tồn tại những sự bất cân xứng trong việc phát triển quan hệ.

Lý do thứ nhất là mối quan hệ chính trị đã vượt lên trên các mối quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa và con người. Thương mại Ấn Độ-ASEAN hiện chỉ đạt 71 tỷ USD và đang giảm dần sau khi cán mốc 80 tỷ USD vào năm 2011-2012. Ngược lại, kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc hiện là 450 tỷ USD. Khả năng là mục tiêu thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020 giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ không thể đạt được. Mặc dù hơn 22% tổng FDI nước ngoài của Ấn Độ đổ vào ASEAN và 2.000 công ty Ấn Độ hiện có mặt tại các nước ASEAN, vị trí của Ấn Độ vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2016, Ấn Độ đã đầu tư 1 tỷ USD vào ASEAN so với mức 10 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào khu vực này. Chỉ có Singapore là một nhà đầu tư lớn tại Ấn Độ với mức khoảng 30 tỷ USD, chiếm hơn 98% tổng đầu tư của ASEAN. Mặc dù Ấn Độ và ASEAN đã ký một Thỏa thuận về Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư, những mục tiêu đạt được vẫn rất khiêm tốn.

Ấn Độ miễn cưỡng ký vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được coi là một thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa các nước ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, chủ yếu là bởi New Delhi lo ngại Trung Quốc sẽ lấn át thị trường Ấn Độ. Sự thiếu kết nối mạnh mẽ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục là một hạn chế lớn, và ngay cả dự án hiếm hoi như Hành lang Vận tải Đa phương thức Kaladan xuyên qua tỉnh Rakhin của Myanmar và đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Thái Lan-Myanamar cũng đã bị đình trệ một cách bất thường. Điều này sẽ càng hạn chế những triển vọng mở rộng quan hệ thương mại và giao thương giữa Ấn Độ và ASEAN.

Thứ hai, mối quan hệ có lựa chọn với một số nước ASEAN như Singapore đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với các nước khác. Singapore, Malaysia và Thái Lan là những đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ trong khối và những nỗ lực nhằm đa dạng hóa thương mại với các nước khác đã không thực sự thành công. Một sự thiếu cân bằng đáng chú ý cũng tồn tại trên bình diện kết nối. Có tới hơn 400 chuyến bay mỗi tuần giữa các thành phố Ấn Độ và Singapore, 200 chuyến mỗi tuần với Malaysia và Thái Lan. Ngược lại, không có một đường bay trực tiếp nào giữa Ấn Độ với quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất của ASEAN là Indonesia. Tương tự, cũng có các tuyến tàu biển đều đặn giữa các cảng của Ấn Độ với Singapore và Klang (Malaysia) trong khi có rất ít hoặc thậm chí không có chuyến nào kết nối với tất cả các bến cảng khác trong khu vực. Bất chấp mối liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời, thân thiết giữa Ấn Độ và Đông Nam Á cùng những nỗ lực khôi phục lại chúng, mối quan hệ giữa người và người vẫn rất khiêm tốn dù sự hiện diện của điện ảnh Ấn Độ trên khắp khu vực đang rất mạnh mẽ.

Thứ ba, mối quan hệ an ninh, kể cả trong lĩnh vực hàng hải quan trọng, đã bị tụt lại phía sau quan hệ chính trị toàn diện. Sự hợp tác an ninh với một số ít các quốc gia ASEAN đang mạnh mẽ hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực. Các nước ASEAN sẽ khuyến khích một sự hiện diện hàng hải tăng cường của Ấn Độ ở Biển Đông như một hàng rào chống lại một Trung Quốc hung hăng và để giảm bớt những lo ngại về nguy cơ bổn phận an ninh của Mỹ ở khu vực bị suy yếu. Cùng lúc, ASEAN cũng không mong muốn vướng vào một cuộc xung đột Trung-Ấn do lo ngại những hậu quả của một cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ sẽ phải thực hiện những bước đi cẩn trọng ngay cả trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng an ninh của mình trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng với Ấn Độ sẽ là cân nhắc kỹ lưỡng cái mà họ coi là vai trò của ASEAN trong việc phát triển cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Hành lang Kinh tế Á-Phi, hai dự án đều đang được Ấn Độ và Nhật Bản xúc tiến với sự hỗ trợ của Mỹ và Úc. Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với sự hồi sinh của nhóm Tứ giác vốn hứa hẹn mối quan hệ an ninh cực kỳ chặt chẽ giữa Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ. Cả hai cơ chế này đều nhằm kiềm chế chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc. Mặc dù không muốn dính líu quá chặt chẽ với những sáng kiến này do lo ngại sẽ làm phật lòng Trung Quốc, các nước ASEAN vẫn có thể âm thầm ủng hộ. Vậy làm thế nào để sự âm thầm này trở nên thiết thực dù không được diễn đạt bằng những tuyên bố chính thức? Những diễn biến này cũng sẽ ảnh hưởng tới một nguyên tắc kiên định mà Ấn Độ đã theo đuổi kể từ khi công khai chính sách Hành động Hướng Đông của mình - có nghĩa là đặt trọng tâm vào ASEAN khi định hình việc phát triển cấu trúc an ninh và kinh tế trong khu vực. Vậy chính sách này liệu có còn thích đáng hay không? Một cuộc đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc về các vấn đề trên với các lãnh đạo ASEAN có mặt tại Delhi tới đây sẽ rất hữu ích. Hai bên cần có một sự nỗ lực mạnh mẽ nhằm giải quyết những bất cân xứng đã tồn tại dai dẳng trong mối quan hệ của mình, nếu không "chiếc cốc" sẽ mãi chỉ vơi một nửa…

Theo “Hindustan times

Hương Trà (gt)