Trung Quốc bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội trong thập niên 90 của thế kỷ trước, sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Trong những năm sau đó, Bắc Kinh càng nhận thấy mình cần đổi mới quân đội, đặc biệt sau vụ Đại sứ quán Trung Quốc ở Bêôgrát bị ném bom năm 1999 và vụ các máy bay PLA đụng độ với một máy bay do thám Mỹ năm 2001. Qiao Liang, Giáo sư Học viện Không quân PLA, bình luận: “Trung Quốc nhận ra sức mạnh quân sự của mình là chưa đủ và nước này có thể bị bắt nạt”.

Từ đó, Trung Quốc tiến hành một loạt cải cách trong quân đội, trong đó có việc nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh số hóa, thu hút sinh viên tốt nghiệp nhập ngũ đồng thời giảm quy mô để giữ tính tinh nhuệ. Yang Chengjun, một nhà chiến lược quân sự, cho biết các sĩ quan, đại diện các đơn vị trong PLA thường được cử đến các nhà máy chế tạo khí tài, tham gia tiến trình nghiên cứu, sản xuất vũ khí, máy móc mới. Điều này nhằm bảo đảm một khi quân đội nhận được khí tài mới, họ có thể sử dụng ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo Gary Li, một nhà phân tích về PLA tại hãng tư vấn an ninh "Exclusive Analysis" (trụ sở tại Anh), PLA đã tiến bộ trong việc nâng cao trình độ của binh sỹ và sỹ quan song “dường như vẫn không đáp ứng được kỳ vọng”. Chuyên gia này cho rằng dù PLA đang thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp nhập ngũ, song một phần không nhỏ tân binh vẫn từ các vùng nông thôn, có tri thức không cao. Ngoài ra, trong quân đội vẫn chú trọng việc tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, nên không khuyến khích tính sáng tạo, nghĩ ra những chiến lược mới áp dụng cho khí tài tiên tiến. Tính phối hợp cũng là một vấn đề. Gary Li cho rằng chiến tranh hiện đại đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị và để làm được, các đơn vị cần có tính chuyên nghiệp như nhau. Cả chiến dịch sẽ bị ảnh hưởng nếu chỉ một đơn vị tỏ ra thiếu chuyên nghiệp hơn. Sự phối hợp cũng đòi hỏi những thay đổi trong ý thức của các binh sĩ PLA mà theo Gary Li, đây không phải là một việc dễ dàng. 

PLA đã cải cách mạnh mẽ công tác huấn luyện, chú ý hơn tới khả năng tác chiến phối hợp. Các sỹ quan bộ binh, hải quân và không quân cùng nhau nghiên cứu các chiến lược chung, chia sẻ thông tin. Giới phân tích cho rằng điều này có thể giúp tạo nên các quan hệ giữa những đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của “Nhật báo PLA”, một số cuộc huấn luyện chung thiếu các tiêu chuẩn khoa học để đánh giá tính hiệu quả. Giáo sư Qiao Liang của PLA bình luận: “Cần một tiến trình dài để có thể quen với việc vận dụng các khí tài mới, nhất là trong giao chiến. Quân đội Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu khái niệm chiến tranh hiện đại. Đôi khi cần thay đổi nhận thức. Nếu vẫn bám vào quan niệm cũ cho rằng có thể chiến thắng bằng số lượng binh sĩ áp đảo, thì sẽ rất khó để vận dụng các khí tài mới”.

Theo vị Giáo sư này, PLA có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động huấn luyện, tập trận chung với những nước khác, ví dụ như với các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. 

Theo SCMP (Hồng Công)

 Mỹ Anh (gt)