Về các hạn chế trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh mềm. 

Hiện Trung Quốc chưa cho phép các tổ chức xã hội dân sự có sự độc lập như ở các nước phương Tây. Đây chính là yếu tố hạn chế sức mạnh mềm của Trung Quốc. Rất nhiều quốc gia phát triển sức mạnh mềm không chỉ qua các nỗ lực của chình phủ mà từ các tổ chức xã hội dân sự, do sự tương tác trực tiếp của các tổ chức này đối với người dân là yếu tố tạo ra sức mạnh mềm.

Bên cạnh đó, việc làm dấy lên tinh thần dân tộc cũng hạn chế sức mạnh mềm của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc có thể thúc đẩy xây dựng Viện Khổng tử tại Việt Nam, sau đó quảng bá văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên sự kiện giàn khoan lại khiến tinh thần chống Trung Quốc trỗi dậy. Sự kiện này hàm ý rằng Trung Quốc sẽ rất khó phát triển được sức mạnh mềm nếu làm dấy lên tinh thần dân tộc tại các quốc gia khác cũng như chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc.

Về các giá trị mà Trung Quốc cần tập trung quảng bá ở nước ngoài.

Điều quan trọng là Trung Quốc cần tạo được ấn tượng với người nước ngoài rằng Trung Quốc là nền văn hóa phong phú, hấp dẫn, khiến dư luận nhìn nhận Trung Quốc theo hướng thân thiện hơn, ít tính đe dọa hơn sẽ giúp Trung Quốc triển khai chính sách đối ngoại thuận lợi hơn.

Về khả năng kết hợp sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.

Có những vấn đề quan trọng mà chỉ sử dụng sức mạnh mềm là chưa đủ. Do đó Trung Quốc cần khéo léo kết hợp cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để triển khai “chiến lược cường quốc thông minh”. Khi cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 năm 2007 về việc Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn vào sức mạnh mềm, đó là “chiến lược cường quốc thông minh”, vì khi đó sức mạnh cứng của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự đang tăng mạnh mẽ. Khi sức mạnh cứng của một quốc gia gia tăng sẽ tạo mối đe dọa với các nước láng giềng khiến các nước này hình thành liên minh đối chọi lại. Tuy nhiên, nếu cường quốc đó đồng thời cũng tăng cường sức mạnh mềm thì sẽ khiến hình ảnh của quốc gia trở nên thân thiện hơn, giảm khả năng các nước khác hình thành liên minh đối địch.

Hơn nữa, có lẽ sẽ sáng suốt hơn nếu Trung Quốc chấp nhận “Bộ quy tắc ứng xử” đa phương của ASEAN.

Cho đến nay, Trung Quốc còn chưa sẵn sàng vì muốn xử lý vấn đề với từng quốc gia một. tuy nhiên các quốc gia nhỏ hơn lại quan ngại trước sức mạnh khổng lồ của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tỏ ra thiện chí trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử này thì điều này có thể giúp Trung Quốc phát huy sức mạnh mềm, và đương nhiên Trung Quốc vẫn là cường quốc hùng mạnh nhất ở khu vực với quy mô to lớn của mình.

Về giải pháp xử lý căng thẳng Trung - Nhật ngày càng gia tăng. 

Có lẽ giải pháp phù hợp nhất đối với tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật là giải pháp mà các cựu lãnh đạo của Trung Quốc là Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đưa ra. Đó là tạm gác lại vấn đề trong thế hệ này, để thế hệ tiếp theo giải quyết. Việc cố gắng giải quyết vấn đề lãnh thổ trong thế hệ hiện nay chỉ làm xấu thêm quan hệ. Hiện nay, hai bên tốt nhất là coi các vùng đảo tranh chấp là các khu bảo tồn sinh thái trên biển, không có người sống, không sử dụng vào mục đích quân sự.

Quan điểm của phía Mỹ là xây dựng khuôn khổ mối quan hệ tay ba tốt đẹp ở Đông Á, đó là quan hệ hữu nghị Mỹ - Trung, Mỹ - Nhật và Trung - Nhật. Trong khuôn khổ này, sẽ có sự ràng buộc về lợi ích, giúp các nước tập trung vào tăng trưởng kinh tế, vả tất cả các bên sẽ đều chịu thiệt hại nếu để xung đột xảy ra.

Về sự cạnh tranh mô hình phát triển và ý thức hệ. 

Hiện có một số ý kiến cho rằng có sự cạnh tranh ý thức hệ như thời Chiến tranh lạnh. Quan điểm này có thể không chính xác do hiện không có nhiều nước có thể áp dụng “mô hình Bắc Kinh” với sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản kết hợp với các cơ chế thị trường. Ít có khả năng mô hình của Trung Quốc sẽ lan rộng ra thế giới, như Liên Xô đã cho rằng mô hình cộng sản của họ có thể tràn ra khắp thế giới. Hiện Trung Quốc tự phát triển mô hình riêng của mình, và chưa rõ trong tương lai hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng nào.

Mặt khác, thế giới cũng sẽ không hoàn toàn triển khai mô hình như của Mỹ. Hiện chỉ có một quy tắc phổ quát là khi mức thu nhập đầu người vượt quá ngưỡng 10.000 USD thì xã hội sẽ có nhu cầu ngày càng tăng về sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, mô hình tham gia của người dân như thế nào, theo mô hình dân chủ tự do hay mô hình khác còn là dấu hỏi. Vấn đề đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là khi mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tiến gần tới mức 10.000 USD thì giới lãnh đạo cần nghĩ tới các biện pháp giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về sự tham gia của người dân.

Theo Global Times

Trần Quang(gt)