TNS Webb đã chỉ trích điều mà ông cho là thái độ quá yếu ớt của Mỹ đối với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh có những hành động khiêu khích và gây hấn ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ông cũng nói sẽ đưa ra Thượng Viện thông qua bản nghị quyết về thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông. Nghị quyết sẽ lên án hành động sử dụng sức mạnh của Trung Quốc, đồng thời xác định rằng lực lượng quân sự Mỹ sẽ cương quyết bảo vệ quyền tự do giao thông tại Biển Đông. Ông không đòi hỏi Mỹ phải có lập trường ủng hộ bên nào trong cuộc tranh chấp về chủ quyền ở nơi này, nhưng nói rằng Mỹ không những phải gửi ra một tín hiệu rõ ràng, mà còn phải can dự như một lực lượng đối trọng để đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận đa phương. Ông Webb nói rằng việc Mỹ đứng ra để cho thấy khả năng lãnh đạo của mình và đưa vấn đề ra quốc tế bàn thảo là điều hết sức quan trọng.

Ngay sau buổi thuyết trình của TNS Jim Webb, Trung Quốc đã lên tiếng ngụ ý chỉ trích quan điểm giải quyết theo đường lối đa phương do TNS Webb đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng Trung Quốc hy vọng những quốc gia không liên quan đến cuộc tranh cãi về Biển Đông sẽ tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trực tiếp liên quan trong việc giải quyết vấn đề qua đường lối thương lượng trực tiếp. Lời tuyên bố này có những ngụ ý khá rõ. Trước hết, Trung Quốc muốn nói những ai không liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, đích danh là Mỹ, thì hãy đứng ngoài và Bắc Kinh còn có ý nhấn mạnh chủ trương đàm phán song phương với từng quốc gia có liên quan đến Biển Đông, thay vì thương lượng với toàn thể khối ASEAN hay thương lượng với một nhóm năm nước ASEAN liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc tách vấn đề tự do giao thông và khai thác tài nguyên ra khỏi vấn đề chủ quyền, muốn Mỹ không đem hai vấn đề vào làm một, khi nghị sĩ Webb nói là Mỹ phải can dự, mà theo ông “không những vì vấn đề chủ quyền mà còn vấn đề giao thương, kinh tế”. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng hai việc có liên quan mật thiết với nhau. Một khi chủ quyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc như họ áp đặt Đường Lưỡi Bò, thì còn đâu quyền tự do giao thông và khai thác tài nguyên cho nước khác? Vấn đề này từng gây mâu thuẫn và đụng chạm nhiều lần trên không cũng như trên mặt biển giữa Mỹ với Trung Quốc trong những năm qua.

Giáo sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) giảng dạy tại Claremont McKenna College, Mỹ, cho rằng: “Vụ bùng nổ tranh chấp về lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông từ tháng 5/2011 không chỉ đẩy căng thẳng trong vùng lên cao và tăng nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước tranh chấp, mà còn đặt Mỹ, nước đóng vai trò đảm bảo hòa bình ở Đông Á, vào một thế khó xử. Về bề mặt, các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh việc nước nào có chủ quyền về nguồn lợi tự nhiên trong vùng cả hai cùng nói là của mình. Nhưng về cơ bản, cuộc tranh chấp tại vùng biển này còn xoay quanh một chủ đề lớn hơn: đó là liệu một nước Trung Quốc đang trỗi dậy có cần phải tuân theo các luật pháp quốc tế hay không. Phản ứng chính thức từ Washington trước sự kiện căng thẳng leo thang trong vùng biển Đông đã hết sức trung lập. Nhưng để thái độ kiểu ngoại giao đó sang một bên, nước Mỹ đang đối mặt với một bước đi cân bằng rất khó trong vụ tranh chấp biển này. Mỹ thực ra có ba mối lo ngại hàng đầu:

Thứ nhất, Washington muốn thấy các luật quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển dù Mỹ chưa ký, được nêu cao trong việc dàn xếp tranh chấp. Nước Mỹ sẽ chống lại việc dùng vũ lực của bất cứ bên nào. Quan điểm này có lợi hơn cả cho các nước như Philippines và Malaysia vốn có những tuyên bố chủ quyền vững nhất về mặt pháp lý, nhưng không có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam, hai nước vốn có lý lẽ yếu hơn.

Thứ hai, vì biển Đông là một tuyến hải lộ trọng yếu, Washington muốn đảm bảo rằng không có nước nào dùng tuyên bố chủ quyền của họ để ngăn cản quyền tự do hải hành.

Quan điểm này ngầm thách thức cách diễn giải bành trướng của Trung Quốc về quyền của họ trong vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý (EEZ). Chính phủ Trung Quốc đã phản đối hoạt động khảo sát của hải quân Mỹ ở Biển Đông với lý do những hoạt động này gây hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Còn từ góc độ của Mỹ, việc cho phép Trung Quốc hay nước nào khác đòi chủ quyền quốc gia trên toàn bộ vùng biển tranh chấp, dù trên cơ sở dẫn chứng lịch sử rất mù mờ, mà không phải theo căn bản pháp lý, sẽ gây nguy hiểm về cơ bản cho nguyên tắc Tự do Hàng hải.

Thứ ba, sự vươn dậy của Trung Quốc không nên làm vỡ thế cân bằng quyền lực tại Đông Á hay trung hòa ảnh hưởng của Mỹ. Bằng cách đem uy tín ngoại giao và sức mạnh quân sự ra chống đỡ cho các nước ĐNÁ vốn quá yếu hoặc quá sợ để có thể đối chọi với Trung Quốc, Mỹ có thể giúp duy trì cán cân quyền lực trong vùng.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược này, Mỹ cần tỏ ra tế nhị. Một mặt Mỹ không muốn thấy Trung Quốc lấn lướt các nước láng giềng yếu hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông, Mỹ cũng không muốn đối mặt trực tiếp với Trung Quốc, nhân danh các nước kia. Mỹ cũng không nên cho các nước kia hy vọng hão rằng Mỹ sẽ ủng hộ cho các tuyên bố chủ quyền của họ một cách vô điều kiện. Kiềm chế Trung Quốc không nhất thiết phải gây ra bất hòa hiện là băn khoăn của Washington.

Cho tới nay, Mỹ đã tỏ ra đủ khả năng duy trì cách tiếp cận cân bằng trước cuộc tranh chấp. Mỹ đã tránh không đứng về bên nào và nhấn mạnh đến giải pháp hòa bình. Thái độ khá kiềm chế của Trung Quốc sau khi Việt Nam cho tập bắn đạn thật có thể đến từ chỗ Bắc Kinh ý thức được rằng Washington đang theo dõi Trung Quốc rất kỹ.

Tiến Anh (gt)