Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) làm giảm đáng kể trữ lượng cá, phá hủy hệ sinh thái biển và không công bằng đối với các ngư dân đang đánh bắt hợp pháp. Cộng đồng quốc tế nhận thức được những mối đe dọa và đã tích cực ngăn chặn và loại bỏ IUU. Văn kiện quốc tế về IUU bao gồm Chương trình hành động (IPOA) năm 2001 của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), Kế hoạch hành động khu vực (RPOA) năm 2007 ở Đông Nam Á và các thỏa thuận năm 2009 về các biện pháp nhà nước ngăn chặn và loại bỏ IUU (Hiệp định năm 2009). Tuy nhiên, các IPOA chỉ đưa ra các khuyến nghị mang tính tự nguyện mà không có sự ràng buộc pháp lý.

Trớ trêu thay, Indonesia thuộc về các nước chưa phê chuẩn Hiệp định năm 2009. Thực tế này tạo ra cớ cho các phản ứng đơn phương, đặc biệt là từ các quốc gia ven biển. Ví dụ như Lệnh cấm nhập khẩu cá của Liên minh châu Âu (EU) (cơ chế thẻ đỏ) từ các quốc gia thất bại trong việc chống lại IUU hay chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài của Indonesia ở vùng biển của mình. Về bản chất, mâu thuẫn trong vấn đề IUU vẫn tiếp tục tuy mức độ, hình thức được chấp nhận đến đâu vẫn còn chưa rõ ràng, và nó có thể tạo ra những căng thẳng giữa các quốc gia, đe dọa hòa bình và ổn định. 

Đối với một đất nước là nơi diễn ra 30% số vụ đánh bắt cá bất hợp pháp trên thế giới, tình hình này đặt ra nhiều thử thách. Một mặt, quốc đảo đang phải đối diện với các vấn đề trong nước như chủ quyền lãnh thổ, cạn kiệt nguồn cá, trong khi có nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Indonesia luôn có thể lập luận rằng chính sách đánh chìm tàu cá chỉ là vấn đề thực thi pháp luật và không để ý đến phản ứng của các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng các quốc gia bị ảnh hưởng có thể kiện chính sách này ra toà án quốc tế như các vụ việc trong quá khứ. Nguyên đơn không nhất thiết phải là một nhà nước, mà có thể là các tổ chức độc lập. 

Chính sách đánh chìm tàu cá sau khi gây ra những ảnh hưởng tới cấp chính phủ, đã bắt đầu cho thấy tác động đến dân chúng. Việc cho rằng chính sách đánh chìm tàu cá chỉ là hoạt động thực thi pháp luật trong nước, không ảnh hưởng đến quan hệ song phương là ngây thơ, nếu không muốn nói là không chính xác về mặt chính trị. Nếu quốc gia “vạn đảo” tiếp tục cuộc chiến chống đánh bắt cá bằng chính sách đánh chìm tàu cá thì cần một nỗ lực lớn hơn.

Một trong những nỗ lực được đề cập tới là khép tội đánh bắt cá trái phép vào loại tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức. Có ít nhất ba lý do để ủng hộ quan điểm này xét trên khía cạnh chính trị, pháp lý và thực tiễn. Xếp hành vi đánh cá bất hợp pháp vào khung tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức sẽ thể hiện cam kết nghiêm túc của chính phủ Indonesia. Nếu Canada và EU nổi tiếng với những cam kết để thiết lập FAO-IPOA, Indonesia có thể tiên phong thúc đẩy chương trình nghị sự quốc tế công nhận đánh bắt cá trái phép là tội phạm xuyên quốc gia. Khép hành vi đánh cá bất hợp pháp vào tội danh tội phạm xuyên quốc gia sẽ tạo cơ chế ràng buộc, điều mà cộng đồng quốc tế hiện nay còn thiếu. Các cơ chế ràng buộc không chỉ kiềm chế các phản ứng đơn phương mà còn giúp đưa ra cơ chế pháp lý cần thiết để chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Thực tế, việc xem xét hành động nào là phạm tội xuyên quốc gia dựa vào Công ước Liên hợp quốc năm 2000 về tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức (UNTOC), điều khiến cho việc khép hành vi đánh cá bất hợp pháp là phạm tội xuyên quốc gia khó khả thi hơn. Trên thực tiễn, có lẽ là phần khó nhất bởi phải có một sự tương đồng giữa hoạt động đánh bắt cá với phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia hiện nay. Nghiên cứu sơ bộ Điều 2 và Điều 3 của UNTOC cho thấy hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp hội đủ một số thành tố cơ bản, chẳng hạn như đây rõ ràng là hành động xuyên quốc gia, liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức. Hành vi đánh bắt cá trái phép là phạm tội xuyên quốc gia bởi nó được tiến hành tại quốc gia này trong khi việc lập kế hoạch, chỉ đạo, kiểm soát diễn ra ở quốc gia khác. Hơn nữa, hoạt động đánh bắt cá trái phép được thực hiện bởi một nhóm hơn ba người, diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến lợi ích vật chất hay tài chính. Hoạt động đánh bắt cá trái phép cũng ngay lập tức tác động đến ngành khai thác cá hợp pháp hay gây cạn kiệt nguồn cá. 

Cho dù hoạt động đánh bắt cá trái phép có được công nhận là loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về mặt lý thuyết hay không, trên thực tế các nỗ lực này nhạy cảm và phức tạp. Indonesia một lần nữa phải dựa vào các nhà ngoại giao xuất sắc để làm cho điều này trở thành hiện thực, giống như đã từng một lần thành công với quy chế quốc gia quần đảo. 

Bài viết của tác giả Sunan J. Rustam và Rayyanul M. Sangadji công tác tại Bộ Ngoại giao Indonesia đăng trên The Jakart Post

Duy Anh (gt)