13689541045428.jpg

Theo một số tờ báo phát hành ở New Delhi, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ đã đưa ra "đề nghị đánh đổi" giữa việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp biên giới dai dẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc với việc New Delhi ủng hộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông dựa trên tuyên bố về "quyền lịch sử". Tờ “Deccan Chronicle” số mới đây cũng có bài viết của cựu Phó Đô đốc AK Singh cho biết đề nghị này của Bắc Kinh được đưa ra vào ngày 19/4 khi một số học giả Ấn Độ được mời tham dự hội thảo về Biển Đông tại New Delhi. Điều này cũng được Tiến sĩ Subhash Kapila xác nhận trong bài viết đăng trên trang “Nhóm các nhà phân tích Nam Á” khi đưa ra cảnh báo rằng Ấn Độ cần tăng cường bảo vệ quần đảo Andaman và Nicobar vốn có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phòng thủ hàng hải của Ấn Độ.

Sau khi người Anh rút khỏi Ấn Độ, quần đảo Andaman và Nicobar trở thành một phần của Ấn Độ vào năm 1950 và hình thành vùng lãnh thổ liên minh vào năm 1956. Điều ngạc nhiên là Trung Quốc có thể gợi lên tranh chấp trong tương lai đối với quần đảo Andaman-Nicobar trong khi chưa hề có bất kỳ nghi ngờ về quyền sở hữu các quần đảo này và trong lịch sử Trung Quốc cũng không có sự hiện diện tại đây. Do đó, sự khiêu khích của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả mà chỉ thể hiện mưu đồ của Bắc Kinh trong quan hệ với các nước láng giềng. Trung Quốc quan tâm đến những tổn hại khi thương mại qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương bị giám sát chặt chẽ bởi Bộ Tư lệnh 3 binh chủng Hải-Lục-Không quân tại cảng Blair - có thể theo dõi mọi di biến động của các tàu buôn và tàu chiến Trung Quốc khi qua lại các tuyến hàng hải truyền thống (SLOCs).

Với mối quan tâm về sự an toàn của SLOC và an ninh năng lượng, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại quần đảo Andaman-Nicobar. Thậm chí, Bắc Kinh còn cho rằng với lợi thế địa lý quan trọng, Ấn Độ như một cái gai đối với tham vọng Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Rõ ràng Ấn Độ được hưởng lợi thế về địa lý ở Ấn Độ Dương do sở hữu các đảo ở cả vịnh Bengal và biển Arập. Bằng cách liên hệ vấn đề Biển Đông với khả năng giải quyết tranh chấp biên giới, Trung Quốc đã cố gắng cung cấp một số gợi ý để Ấn Độ đứng về phía họ. Rõ ràng, Trung Quốc đã thử nghiệm và đánh giá tâm trạng của các học giả có ảnh hưởng về đề nghị không xứng đáng này. Nhưng liệu Trung Quốc có tiếp cận Ấn Độ chính thức về vấn đề này?

Ngoài việc hỗ trợ các quy định của UNCLOS năm 1982, Ấn Độ nên mạnh mẽ bác bỏ giả thiết cho rằng “một ngày nào đó trong tương lai có thể xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Andaman-Nicobar”. Ấn Độ cần xem đây là lời cảnh tỉnh về sự chuẩn bị cần có của mình ở quần đảo Andaman-Nicobar. Việc bảo vệ các quần đảo này thực sự là một ưu tiên hàng đầu hiện nay của Ấn Độ cùng với sự tăng cường khả năng tấn công cần thiết. Ấn Độ nên xem xét nghiêm túc về sự cần thiết phải thiết lập cơ sở tàu ngầm tại quần đảo Andaman-Nicobar. Hơn nữa, Ấn Độ cũng cần phải tham gia hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia ASEAN nói chung và Thái Lan, Myanmar và Indonesia nói riêng (do có vị trí địa lý gần với Andaman-Nicobar) để kết hợp những nỗ lực hành động ở biển Andaman và eo biển Malacca, cả trong thời bình và thời chiến.

Tóm lại, rõ ràng Trung Quốc hiện đang bị cô lập sau phán quyết của Tòa Trọng tài và phải đối mặt với nguy cơ bị cho là "kẻ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế". Phán quyết được đưa ra vào thời điểm Biển Đông gia tăng căng thẳng nên sự ủng hộ của các nước đối với quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Trung Quốc không có cơ sở để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình và thậm chí còn tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ bằng cách đánh đổi việc giải quyết tranh chấp biên giới lấy sự ủng hộ của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông.

Tác giả R.S Vasan là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an ninh và chiến lược châu Á thuộc Trung tâm Chennai (CCCS). Bài viết đăng trên “South asia analysis”.

Hùng Sơn (gt)