Giữa những căng thẳng chính trị trong nước, các quan chức quân đội Trung Quốc lựa chọn giải pháp an toàn.

Đối với quân đội Trung Quốc,  đây là những thời điểm nhạy cảm. Vào ngày 2 tháng 6 tại Singapore, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Leon Panetta nói rằng 60% tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai tại châu Á vào năm 2020, tăng khoảng một nửa so với hiện nay. Các tướng lĩnh Trung Quốc xem nước này như là mục tiêu của sự tăng cường triển khai này, và họ lo lắng rằng các quốc gia châu Á khác sẽ đi theo Mỹ. Nhưng những vấn đề chính trị trong nước đang lại là mối quan tâm lớn hơn.

Tuyên bố của Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái về “tái cân bằng” trong chính sách ngoại giao đối với châu Á đã chọc tức phe diều hâu tại Trung Quốc. Họ bày tỏ sự tức giận trên những bài báo và cho rằng, Mỹ đang cố “bao vây” Trung Quốc và kìm hãm sức mạnh đang trỗi dậy của nước này. Ông Panetta đã bỏ ngoài tai những cáo buộc như vậy. “Nỗ lực làm mới và tăng cường sự can dự của chúng tôi tại châu Á là hoàn toàn thích hợp – hoàn toàn thích hợp – với sự phát triển và đi lên của Trung Quốc,” ông nói tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị bộ trưởng quốc phòng khu vực và các chuyên gia an ninh được tổ chức thường niên tại Singapore. Để mắt đến các động thái gần đây của Mỹ như việc triển khai hải quân tại phía bắc của  Úc vào tháng 4 và hiệp định với Singapore tuyên bố vào ngày 2 tháng 6 về việc triển khai các tàu chiến ven biển tại Singapre, các quan chức Trung Quốc đều nghi ngờ những động thái này của Mỹ.

Quyết định bay từ Singapore tới Vịnh Cam Ranh, Việt Nam, ông Panetta đã không làm điều gì để xoa dịu những nghi ngờ của họ.  Bộ trưởng quốc phòng Panetta là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới thăm cảng này kể từ chiến tranh Việt Nam, khi đó cảng Cam Ranh là cứ điểm căn cứ lớn của Mỹ. Lầu Năm Góc muốn sử dụng nó làm nơi ghé thăm cho tàu hải quân đi qua Biển Đông.

Biển Đông đang là khu vực với những căng thẳng giữa các bên yêu sách đối kháng nhau đối với nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Trung Quốc là một trong những bên yêu sách, và họ không bằng lòng về điều mà họ xem là Mỹ đang can thiệp vào Biển Đông. Vào ngày 4 tháng 6, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã miêu tả nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường các đối tác quân sự của Mỹ tại châu Á là “không đúng lúc”. Không hề nao núng, ông Panetta tiếp tục bay tới Delhi, một quốc gia châu Á khác cũng đang lo ngại Trung Quốc để tham dự hội đàm.

Tuy nhiên, thật là kỳ lạ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bỏ qua cơ hội để đối chọi lại với Mỹ bằng việc gia tăng ảnh hưởng quân sự cho chính mình. Không giống như Đối thoại năm ngoái, khi Trung Quốc phái bộ trưởng quốc phòng, ông Lương Quan Liệt tới tham dự, năm nay đại biểu cao cấp nhất phía Trung Quốc là quan chức nghiên cứu, Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền. Điều này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc giảm sự quan tâm của Trung Quốc đối với diến đàn, một diễn đàn đang trở thành hội nghị quan trọng trong việc trao đổi không chính thức giữa các quan chức đứng đầu quân đội tại châu Á – Thái Bình Dương (cũng như từ châu Âu) kể từ khi được tổ chức vào năm 2002.

John Chipman, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một think-tank của London đứng ra tổ chức, đã nói với đại biểu tham dự rằng các quan chức Trung Quốc đã thông báo cho ông vào tháng 3 là “lịch trình đi lại và các ưu tiên trong nước” đã gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc cử bộ trưởng tham dự Đối thoại lần này. Các vấn đề trong nước của Trung Quốc là lời giải thích có vẻ thích hợp hơn. Trong tháng chuẩn bị cho Đối thoại Shangri-La, Tướng Lương đã thăm Washington, DC (chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trong 9 năm qua) và tham dự một hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia. Tuy nhiên những hội nghị như thế này dễ dàng được dàn dựng hơn sovới diễn đàn tại Singapore, nơi mà hồi năm ngoái ông Lương đã bị chất vấn dồn dấp về quân đội Trung Quốc.

Do gần đến thời điểm thay đổi sâu rộng về nhân sự lãnh đạo dân sự và và quân sự của Trung Quốc vào mùa thu này, nên không có gì ngạc nhiên khi tướng Lương đã thay đổi né tránh hơn mức bình thường (phải mất 10 năm IISS mới có được sự có mặt của một bộ trưởng của phòng Trung Quốc tham dự Đối thoại, cho dù là quan chức cấp thấp hơn trong bộ máy quân sự Trung Quốc so với các quốc gia khác). Sự chuyển giao lãnh đạo bị ảnh hưởng bất thường kể từ chuyến bay của một quan chức khu vực tới tổng lãnh sự Mỹ vào tháng 2. Điều này đã dẫn đến việc bắt tạm giam vợ của một lãnh đạo tỉnh đầy quyền lực, Bạc Hy Lai, do nghi ngờ phạm tội mưu sát, và sự nghi ngờ của Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc đối với bản thân ông Bạc.

Các lãnh đạo Đảng lo ngại rằng việc của ông Bạc và sự bất ổn xung quanh quá trình chuyển giao lãnh đạo có thể tạo ra sự rối loạn chính trị trong lực lượng quân đội. Có những đồn đoán khẳng định rằng ông Bạc có những mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo quân đội (cha ông, Bạc Nhất Ba, từng là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông).

Tăng thêm những mối lo ngại của lãnh đạo Trung Quốc là những tin tức của truyền thông nước ngoài về vụ việc một gián điệp của Mỹ đang làm việc tại cơ quan đầu não cảu Bộ An ninh Quốc gia, cục phản gián và tính báo Trung Quốc. Nội gián bị cáo buộc này được cho là đang làm  thư ký cho một thứ trưởng. Trong một diễn biến được cho là có thể liên quan, việc hạn chế chặt chẽ hơn trong giao tiếp với người nước ngoài đã được ban hành áp dụng đối với các viện sĩ của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, một think tank thuộc bộ [An ninh Quôc gia] được biết đến với tên gọi là “Cục 8”. Các nhà nghiên cứu của Viện này thường tham gia vào các hội thảo quốc tế.

Lãnh đạo quân đội Trung Quốc dường như sẽ không quá bận tâm về việc bỏ nhỡ một hội nghị quốc tế trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)