Trung Quốc phải làm rõ ý đồ chiến lược của Nga tại biển Đông. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, Nga chưa bao giờ từ bỏ chú ý khỏi khu vực này và luôn khai thác để đạt được lợi ích tại khu vực. Việt Nam đã từng là đồng minh của Liên bang Xô Viết trước đây. Những lợi ích của Nga tại khu vực biển Đông hầu như đều liên quan tới Việt Nam. Khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin gặp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2009 đã nhấn mạnh quan hệ song phương Nga – Việt có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt. Cảng Cam Ranh đã từng là một trong những căn cứ trước đây của Liên Bang Xô Viết thời kỳ chiến tranh Lạnh và đã có trên 10.000 binh lính cùng các thành viên gia đình họ đồn trú tại Cảng Cam Ranh trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước Nga - Việt thân thiết nhất. Việc mở rộng quân sự sẽ đi kèm theo các lợi ích kinh tế. Đầu những năm 1980, Vietsovpetro, công ty liên doanh của Liên Bang Xô Viết cũ và Việt Nam, đã bắt đầu khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Trong chừng mực nào đó, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã phát triển do sự ủng hộ của Liên Bang Xô Viết cũ. Năm 2010, ông Bùi Đình Dĩnh, Đại Sứ Việt Nam tại Nga đã ca ngợi sự khai thác dầu giữa Nga và Việt Nam là lĩnh vực hợp tác hiệu quả và hứa hẹn nhất. Kể từ khi Việt Nam thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn vào ngành dầu khí, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nga tham gia khai thác dầu khí với Việt Nam. Bên cạnh việc hợp tác dầu khí, chính phủ Nga đã cung cấp khoản vay 8 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Trong khi đó, Nga cũng là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều vũ khí tiên tiến từ Nga và Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 đối với Nga.

Tuy nhiên, thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ đạt 2,45 tỷ USD trong năm 2011. Tất cả các hợp tác cho dù là khai thác dầu hay xây dựng nhà máy điện hạt nhân hoặc nhập khẩu vũ khí đều vượt xa các lợi ích kinh tế và chủ yếu liên quan tới những quan ngại về an ninh và chính trị. Và đó cũng chính là những cân nhắc quan trọng của Nga khi phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Tầm quan trọng của biển Đông phụ thuộc không chỉ vào sự dồi dào nguồn tài nguyên mà còn bởi tầm quan trọng chiến lược của vùng biển này nơi mà Nga có tầm nhìn xa chiến lược tại khu vực. Với sự phục hồi về kinh tế và cải cách quân sự ngày càng tiến bộ, Nga bắt đầu hướng về phía Đông và chắc chắn Nga không bỏ qua khu vực phía Nam. Việt Nam chắc chắn nằm trong vành đai đó. Trợ lý TTh Nga Sergei Prikhodko đã từng nói Nga không nhất thiết phải khôi phục căn cứ quân sự tại Cảng cam Ranh nhưng sẽ là lô-gic khi sử dụng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại khu vực này. Thực chất, Nga đang đứng sau Việt Nam cũng không khác gì Mỹ đang muốn tận dụng Biển Đông khi đứng đằng sau Philippines. Tuy nhiên, Nga chưa có đủ sức mạnh quân sự triển khai quốc tế như trước và đang có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc do đó Nga không thể quá nóng vội trong vấn đề biển Đông. Nga có thể tự tin tuyên bố rằng việc khai thác dầu với Việt Nam không liên quan tới khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam nhưng khi lợi ích của Nga tại biển Đông càng lớn với nhiều chương trình hợp tác chung với Việt Nam thì nguy cơ các hoạt động có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc càng cao. Đây không chỉ đơn thuần là chính trị quốc tế vì lợi ích mà buộc các nước mâu thuẫn nhau. Trung Quốc phải tăng cường sức mạnh và tìm kiếm lợi ích chung càng nhiều càng tốt với Nga. Sức mạnh quốc gia là nền tảng và là sự bảo đảm quan hệ tôn trọng lẫn nhau cũng như sự kiềm chế vì lợi ích chung, do đó Nga cần cẩn trọng trong các quyết định liên quan tới Trung Quốc./.

Theo Thời báo Hoàn cầu (ngày 12/4)

Trần Sáng