Có thể thấy quyết định của Trung Quốc sử dụng các loại tên lửa đạn đạo trong cuộc chiến chống hạm là điều bất thường khi xem xét thực tế rằng việc nhằm vào các tàu chiến đang di chuyển bằng một quả tên lửa đạn đạo là điều khó hơn và đòi hỏi sự điều khiển trên không phức tạp hơn so với các tên lửa hành trình. Quyết định của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lựa chọn tên lửa đạn đạo để chống tàu chiến phản ánh sự ngày càng tự tin và sự tinh vi trong lĩnh vực công nghệ quân sự của họ. 

Các chuyên gia phân tích đang bị chia rẽ về những tác động của hệ thống mới đối với quân đội Mỹ. Một số chuyên gia tuyên bố rằng đó là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi và là mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ trong khu vực. Các chuyên gia khác nhận xét quân đội Mỹ có một số biện pháp để đánh bại tên lửa đạn đạo chống hạm, chẳng hạn như sử dụng “chim mồi” và bằng cách nhằm mục tiêu vào các hệ thống hỗ trợ và thông tin của quân đội Trung Quốc. Mặc dù hai bên của cuộc tranh luận này đều đưa ra những quan điểm hợp lý, nhưng có một điều là không nên xem xét tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc một cách riêng biệt, mà nên xem xét nó là một phần của tiến trình hiện đại hóa quân đội lớn hơn và một sự thay đổi trong học thuyết quân sự của PLA. 

Các chuyên gia chiến lược quân sự Trung Quốc lâu nay đã quan tâm tới các chiến lược chiến tranh bất đối xứng. Trung Quốc biết mình thua kém Mỹ về quân sự và biết rằng tình trạng này chắc chắn sẽ còn diễn ra trong ít nhất hai thập kỷ nữa. Như vậy, PLA đã và đang phát triển một chiến lược chiến tranh bất đối xứng để ngăn chặn Mỹ cho đến khi quân đội Trung Quốc đạt được sự trưởng thành như quân đội Mỹ. 

Nhận thức được sự phụ thuộc của Mỹ vào không gian và các thông tin vệ tinh để tiến hành các hoạt động quân sự, thậm chí là cả các hoạt động quân sự cơ bản nhất, PLA trong thập kỷ qua đã đầu tư những khoản tiền đáng kể vào việc phát triển các vũ khí chống vệ tinh. Tháng 1/2007, Trung Quốc đã bắn quả tên lửa chống vệ tinh đầu tiên của họ, phá hủy một trong những vệ tinh cũ của nước này. 

Chiến lược chiến tranh bất đối xứng của PLA không chỉ trong lĩnh vực vũ trụ mà còn được mở rộng trên bộ, trên biển và trên mạng. Ví dụ, ở trên biển, hải quân PLA không tập trung vào việc đối chọi với Mỹ bằng cách dùng tàu sân bay đấu với tàu sân bay hoặc tàu chiến đấu tàu chiến như một số người có thể dự đoán. Ngoài các tàu ngầm, hải quân Trung Quốc đang triển khai hàng nghìn quả tên lửa trên mặt đất, bao gồm cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hải quân PLA cũng đang phát triển hàng loạt khẩu đội tên lửa tấn công nhanh và các tàu hộ tống như các tàu thuộc lớp Hồ Bắc. Ở những vùng biển chật chội và gần bờ, những tàu chiến này có thể đối phó khá hiệu quả với các tàu chiến lớn hơn. 

Ngược lại, quân đội Mỹ lại thờ ơ với hình thức chiến tranh bất đối xứng và các hình thức chiến tranh không thông thường khác. Cái gọi là chiến tranh kiểu Mỹ tập trung vào hỏa lực tấn công và có xu hướng phớt lờ những yếu tố phòng thủ. Vấn đề không phải là liệu Mỹ có đủ khả năng chống lại một hệ thống đặc biệt hay không, mà là liệu họ có đủ khả năng đánh giá đúng bản chất của chiến lược chiến tranh bất đối xứng trên tất cả các mặt trận hay không. 

Mặc dù quân đội Mỹ vẫn sẽ duy trì được ưu thế về quân sự trong một tương lai có thể dự đoán được, nhưng chiến lược chiến tranh bất đối xứng của Trung Quốc có thể làm giảm lợi thế này của Mỹ. 

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (ngày 5/11)

Mỹ Anh (gt)