Đầu tháng 7, qua nhiều chỉnh sửa và tranh luận, Nhật Bản đã xóa bỏ giới hạn quyền phòng vệ tập thể (PVTT) bằng văn bản mang tên “Quyết định của Nội các về Phát triển Luật an ninh liền mạch để đảm bảo sự tồn tại của Nhật Bản và bảo vệ người dân.” Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã khẳng định đây là hành độngđi chệch hướng phát triển hòa bình” và báo giới công nước này cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề lãnh đạo Nhật Bản vì đã “thách thức trật tự thế giới.” Tuy nhiên, liệu quyết định của Nhật có thực sự sẽ đem lại những hậu quả nặng nề như Trung Quốc vẫn nói?

Nhu cầu tất yếu và những điều kiện đi kèm

Rõ ràng, với Nhật, việc thay đổi chính sách phòng thủ là một nhu cầu ngày càng rõ rệt. Quyết định của Nhật, ngày từ những dòng đầu, đã khẳng định rằng môi trường an ninh quanh Nhật Bản đã thay đổi rõ rệt từ năm 1947 trước những yếu tố như tranh chấp lãnh thổ, ảnh hưởng nước lớn, đột phá trong công nghệ quân sự… Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng trỗi dậy và thể hiện rõ tham vọng thiết lập một trật tự mới tại Châu Á – Thái Bình Dương, đe dọa đến an ninh của Nhật. Do vậy, nhu cầu của Nhật nhằm thích nghi bản thân mình, điều chỉnh chính sách an ninh trước một môi trường đầy biến động và phức tạp như vậy là điều không khó hiểu.

Bên cạnh nhu cầu cấp thiết, Nhật đã tự đặt ra ba điều kiện để nước này có thể thi hành quyền PVTT. Theo đó, Nhật chỉ có thể tiến hành hoạt động PVTT “ở mức tối thiểu” khi vụ tấn công nhằm vào quốc gia có quan hệ gần gũi với Nhật “gây ra mối nguy hại rõ ràng với sự tồn vong của Nhật cũng như với quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của công dân Nhật”.  “Mức tối thiểu” có thể được hiểu đơn giải là tự bảo vệ cho bản thân mình – quyền được ghi nhận với mỗi quốc gia trong chính Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ba điều kiện, có phần “giới hạn" (restrictive) theo như nhận định của học giả Michael Green và Jeffrey Hornyng (CSIS), cần phải xảy ra đồng thời.

Thách thức hay góp phần bảo vệ trật tự thế giới thời hậu chiến?

PVTT cho phép Nhật bảo vệ công dân của mình ở quốc gia có quan hệ gần gũi với Nhật khi chiến sự xảy ra với nước này. Một ví dụ cụ thể hơn, Nhật có thể hỗ trợ cho Mỹ, đồng minh của mình, trong trường hợp bị Bắc Triều Tiên tấn công. Nhìn nhận chính sách khó đoán của Bắc Triều thì Nhật Bản, quốc gia với lợi thế về công nghệ và vị trí địa lý, khi có PVTT, có thể ngăn chặn Bình Nhưỡng mở một cuộc tấn công hạt nhân, góp phần bảo vệ môi trường an ninh ổn định khu vực.

Bên cạnh đó, PVTT không cho phép Nhật Bản từ bỏ cam kết chủ hòa của mình vì PVTT không đồng nghĩa với việc sửa đổi Hiến pháp như nhiều người nghĩ. Để sửa đổi Hiến pháp, chính phủ Nhật cần đạt được 2/3 đồng thuận từ cả Hạ viện lẫn Nghị viện cũng như từ số đông dân chúng trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc. Đây là điều dường như bất khả, kể cả trong tương lai dài hạn, bởi nỗi ám ảnh chiến tranh tại Nhật vẫn còn rất lớn.

Không nên quên rằng, PVTT của Nhật sẽ giúp tăng cường mối liên kết an ninh Mỹ - Nhật – mắt xích quan trọng trong trật tự an ninh khu vực. Sự tăng cường này sẽ ở mức vừa phải bởi vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), theo văn bản mới này, không thay đổi đáng kể. Khi hỗ trợ Mỹ, lực lượng này chủ yếu sẽ trợ giúp về mặt hậu cần (logistical) và kĩ thuật hơn là cùng tham chiến với Mỹ ngoài mặt trận. Ngoài ra, văn bản cũng cho phép SDF hoạt động tích cực hơn trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc  – điều có thể coi là đóng góp cho hòa bình thế giới.

Cũng cần lưu ý, bản thân ông Abe cũng đã cẩn thận nhấn mạnh rất nhiều lần rằng Nhật sẽ không bao giờ gây chiến hay tham gia các chiến dịch quân sự như chiến tranh Iraq, dù với PVTT.

Còn ai khác phản đối ngoài Trung Quốc?

Mặc dù khảo sát của tờ Mainichi cho thấy 70% lo sợ Abe sẽ đưa đất nước vào con đường chiến tranh, chỉ 50% phản đối thực thi PVTT. Phần đông quần chúng Nhật vẫn ủng hộ việc củng cố liên kết Nhật – Mỹ về quốc phòng – điều PVTT có thể làm. Theo khảo sát chính thức của Bộ Quốc phòng Nhật, số người ủng hộ hoạt động của Lực lượng SDF qua các năm ngày một tăng.  

Các nước cũng đã lên tiếng hộ Nhật mở rộng vai trò an ninh. Hàn Quốc, dù ám ảnh với quá khứ quân phiệt Nhật, trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao, cũng chỉ coi chính sách của Nhật là một động thái an ninh quan trọng cần xem xét kĩ, khẳng định Nhật chỉ được thực thi PVTT trên lãnh thổ nước mình khi được cho phép chứ không chỉ trích hay bác bỏ. Park Hwee Rhak, giáo sư chính trị học của Đại học Kookmin, cho rằng Hàn Quốc không nên có cái nhìn mà ông gọi là “cảm tính” đối với quyết định của Nhật, cho rằng với PVTT, Nhật có thể giúp Hàn Quốc kiềm chế Bắc Triều Tiên. Nhiều quốc gia khác, điển hình là Mỹ, Úc, New Zealand và thậm chí là các nước Đông Nam Á từng bị quân Nhật chiếm đóng (Campuchia và Philippines) đều lên tiếng ủng hộ quyết định của Nhật.  

Tóm lại, PVTT là điều chỉnh có thể lý giải được của Nhật trước môi trường an ninh biến động nhưng không phá vỡ cam kết “chủ hòa” của Nhật. Do vậy, các cáo buộc của Trung Quốc trước động thái này dường như quá báo động.

Theo International Policy Digest

Hoàng Đỗ