Tổng thống Aquino nhận định rằng hai bên còn có sự khác biệt khá lớn về thể chế chính trị, giữa hai bên cũng còn thiếu sự hiểu biết nhưng hiện nay đã có tiến triển tích cực. Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Aquino nói cả Trung Quốc và Philippines cần căn cứ trên luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại hòa bình, hai bên trong khi duy trì lợi ích quốc gia cũng phải hiểu rõ lợi ích của mỗi bên tại đây, cho rằng hai nước đều mong muốn tìm ra con đường giải quyết vấn đề này. Tổng thống Aquino cũng khẳng định quan hệ Trung Quốc – Philippines sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề, khi xảy ra xung đột tại đây sẽ không phù hợp với bất kỳ lợi ích của bên nào.

Ngày 30/8, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ bắt đầu chuyến công du Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ kinh tế, trong bối cảnh có căng thẳng giữa hai nước do các tranh chấp về chủ quyền tại vùng quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông. Các cố vấn của Tổng thống Aquino cho biết là trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, nguyên thủ Philippines sẽ nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền, rất nhạy cảm trong quan hệ song phương. Thế nhưng, trọng tâm chuyến công du này vẫn là thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Cristina Ortega nói với các phóng viên là hai bên dự kiến ký kết một kế hoạch hợp tác kinh tế trong vòng 5 năm, đưa kim ngạch thương mại song phương lên tới 60 tỷ USD vào năm 2016, cao gấp 6 lần so với mức của năm 2010. Đồng thời, hai nước sẽ ký một dự án liên quan đến việc một tập đoàn chế tạo xe hơi của Trung Quốc đầu tư 1,5 tỷ USD vào Philippines.

Trung Quốc, hiện đang nhòm ngó nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Philippines, cũng lên tiếng khẳng định là không nên để cho các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Aquino sẽ có lợi cho cả hai bên và Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy cho nền kinh tế Philippines hiện đang vươn lên, phát triển mạnh hơn nữa.

Trong khi đó, Philippines cũng rất cần đến các đầu tư của Trung Quốc trong các dự án hạ tầng cơ sở như đường bộ, đường sắt, sân bay, trường học. Mặt khác, Tổng thống Aquino cũng muốn thúc đẩy các doanh nghiệp Philippines hiện diện đông đảo và khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Do vậy, có khoảng 200 doanh nhân Philippines tháp tùng tổng thống Aquino trong chuyến viếng thăm này. Theo nhiều nguồn tin, để thu hút khách du lịch Trung Quốc, phái đoàn của Tổng thống Aquino có thể còn thúc ép Trung Quốc tuyên bố 2013 là “ Năm du lịch Philippines” .

Nếu như Philippines rất cần phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì đồng thời, nước này cũng tỏ ra cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Trong thời gian qua, trước thái độ gây hấn, hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, chính phủ Manila quyết định đổi tên vùng biển thuộc chủ quyền nước này thành Biển Tây Philippines, công khai kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ, cử Ngoại trưởng sang Mỹ đặt vấn đề giúp đỡ hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là hải quân. Tổng thống Aquino đã tuyên bố trước Quốc hội là Philippines sẵn sàng dùng các biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không bao giờ đặt các ưu tiên kinh tế lên trên những đòi hỏi về chủ quyền quốc gia ở vùng quần đảo Trường Sa và Biển Tây Philippines. Trong tháng 8/2011, Tổng thống Aquino đã khẳng định lại với người dân Philippines, “ liên quan đến chủ quyền của chúng ta, không một ai có thể đòi hỏi chủ quyền đối với các hòn đảo của chúng ta. Chúng ta sẽ không lùi bước trước một nước lớn”./.

Ánh Nguyệt (gt)