Những gợi ý chính sách

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm tự do hàng hải, vận chuyển qua lại của các tàu thương mại không bị cản trở, và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Không phản ứng đối với sự cưỡng bức hay sử dụng vũ lực của Trung Quốc có thể gây tổn hại tới uy tín của Mỹ, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà cả ở Nhật Bản, đang ngày càng lo ngại về việc gia tăng các hoạt động của các lực lượng quân đội và bán quân sự của Trung Quốc. Xung đột ở Biển Đông sẽ gây rủi ro cho hơn 5 nghìn tỷ USD thương mại hàng năm đi qua vùng biển chiến lược này. Cũng bị đe dọa là mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc, bao gồm những nỗ lực của Washington để có sự hợp tác lớn hơn của Bắc Kinh về các vấn đề toàn cầu như việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, đối phó với dịch bệnh, đương đầu với biến đổi khí hậu, đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, và thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các khuyến nghị cụ thể

Mặc dù Trung Quốc bây giờ có thể đã làm nhẹ một số chiến thuật đe dọa của họ, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm sự kiểm soát nhiều hơn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông. Hơn nữa, nhiều nỗ lực khác nhau nhằm thuyết phục Trung Quốc cùng các bên tranh chấp khác dừng hành vi gây mất ổn định như cải tạo đất lấn biển đã không thành công. Bắc Kinh tiếp tục kéo dài các cuộc thương lượng về một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc (CoC) với ASEAN và đã bác bỏ nỗ lực của Manila nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Có thể không chấm dứt được các hoạt động cải tạo đất lấn biển của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ có thể gây áp lực buộc Trung Quốc phải minh bạch về các ý định của mình và thúc giục các quốc gia khác cũng làm như vậy. Tuy vẫn trung lập về các tranh chấp chủ quyền, Hoa Kỳ nên khuyến khích tất cả các bên để theo đuổi yêu sách của mình một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ cũng nên gây áp lực yêu cầu Trung Quốc phải chấp nhận những hạn chế về hành vi của mình trong một CoC và can gián Trung Quốc không có những hành động làm gia tăng nguy cơ xung đột. Một số khuyến nghị trong bản  phân tích năm 2012 của CFR về cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông vẫn cần được thực hiện; Đặc biệt, Hoa Kỳ cần phải phê chuẩn UNCLOS. Ngoài ra, Hoa Kỳ cần phải thực hiện các bước sau đây:

• Trong trường hợp không có sự tiến triển giữa Trung Quốc và ASEAN về một CoC ràng buộc để ngăn chặn khủng hoảng ở Biển Đông, Hoa Kỳ nên khuyến khích ASEAN xây dựng dự thảo COC của riêng mình có chứa các biện pháp làm giảm nguy cơ và mộtcơ chế giải quyết tranh chấp. Sau đó, Hoa Kỳ nên hợp tác với ASEAN để thuyết phục Bắc Kinh ký kết và thực hiện nó.

• Hoa Kỳ cần tiếp tục giúp Philippines và Việt Nam tăng cường các khả năng an ninh và duy trì trật tự hàng hải của họ, ví dụ thông qua các hệ thống giám sát tốt hơn, để họ có thể răn đe và đối phó với việc Trung Quốc xâm nhập vào vùng nước và vùng trời trong vùng EEZ của họ mà không bị trừng phạt. Trợ giúp tương tự nên được mở rộng đến Malaysia nếu có yêu cầu.

• Hoa Kỳ cần phải được chuẩn bị để đối phó với các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc trong tương lai bao gồm việc sử dụng các lực lượng hải quân Mỹ để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng tàu bán quân sự "vỏ trắng". Các phản ứng khác, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty năng lượng của Trung Quốc nếu chúng khoan trong các vùng biển tranh chấp, cũng có thể tính tới nhưng không nên nêu cụ thể trước.

• Hoa Kỳ cần nêu rõ ràng và công khai rằng một tuyên bố về một ADIZ của Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ gây mất ổn định và sẽ không được Washington công nhận.

• Để tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc, quân đội hai nước cần thực hiện các cam kết chung là sẽ ký kết một thỏa thuận về các cuộc chạm trán không-đối-không vào cuối năm nay.

Theo CFR

Trần Quang (gt)