Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần và được chào đón nồng nhiệt tại Oasinhtơn, Iowa và Los Angeles. Vị Phó Chủ tịch nước 58 tuổi này đã thể hiện một phong cách hoàn toàn khác với phong cách cứng nhắc điển hình của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình dường như rất có cảm tình với người Mỹ khi ông nhớ lại những người ông đã từng gặp năm 1985, thời điểm ông tới thăm và làm việc tại bang Iowa. Ông cũng ca ngợi bầu không khí trong lành của vùng trung tây nước Mỹ. Ông Tập Cận Bình còn nhắc tới hai bộ phim "Bố già" và "Nhiệm vụ bất khả thi". Ông kết thúc chuyến thăm Mỹ hôm 17/2 bằng việc chơi bóng rổ với đội Lakers tại Los Angeles. Phái đoàn của ông cam kết sẽ mua hàng tỷ USD đỗ tương của Mỹ và đầu tư nhiều hơn vào các bộ phim của Hollywood. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng tới thăm Trung Quốc hồi cuối năm ngoài và có lời mời ông Tập Cận Bình sang thăm Mỹ, nói rằng hai người đã dành khoảng 20 giờ để nói chuyện và tìm hiểu về nhau, thảo luận về nhiều chủ đề, "từ Khổng Tử tới Công giáo". Ông Biden nói: "Tôi tin rằng việc đối thoại thẳng thắn và liên tục giữa hai bên trong tuần qua có thể và chắc chắn sẽ xây dựng nên một mối quan hệ chặt chẽ hơn, mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân hai nước. Tôi nghĩ rằng Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đồng quan điểm với tôi".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng hầu như không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông Tập Cận Bình sẽ đưa ra những thay đổi khi ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Dan Blumenthal, làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - một tổ chức tư vấn chính sách theo đường lối bảo thủ - nói: "Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của chúng ta (nước Mỹ) đã rất quan tâm tìm kiếm những điều mới mẻ (từ ông Tập Cận Bình) vì họ thực sự đã trải qua một thời gian khó khăn với những nhà lãnh đạo cũ của Trung Quốc. Chúng ta đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào một người đàn ông mà chúng ta chưa hề biết gì về ông ta. Thực tế là ông ta có thể ít cứng nhắc và khôi hài hơn, nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà đột nhiên kết luận rằng chúng ta có thể hợp tác với người đàn ông này". Trước đây, một số chuyên gia Mỹ cũng từng hy vọng về mối quan hệ suôn sẻ hơn với Trung Quốc khi ông Hồ Cẩm Đào trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2003. Tuy nhiên, một thập kỷ sau đó, quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương này vẫn chẳng dễ dàng gì. Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã chỉ trích cách Tổng thống Barack Obama chào đón ông Tập Cận Bình, đồng thời gọi Trung Quốc là "chế độ chuyên chế thịnh vượng". Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong một thập kỷ tới. Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với ảnh hưởng ngày càng mở rộng. Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương (ở Hawaii) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho rằng mối quan hệ cá nhân nồng ấm hơn giữa ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Mỹ chỉ là một điểm tích cực nhỏ. Cossa nói: "Điều này cũng sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ và sau đó sẽ giúp một vị tổng thống dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với Trung Quốc mà không bị buộc tội là khuất phục trước Trung Quốc". Tuy nhiên, Trung Quốc - so với Mỹ - có một hệ thống chính trị ít bị ảnh hưởng bởi các cá nhân. Các chuyên gia phân tích cho rằng hiện vẫn chưa chắc chắn về quyền lực mà ông Tập Cận Bình sẽ nắm giữ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nơi đưa ra các quyết định mang tính tập thể. Nhà phân tích Cossa nói: "Ông Tập Cận Bình có thể là người đứng đầu, song ông ta sẽ không có toàn quyền". 

 Theo Abs-cbnnews (19/2)

Mỹ Anh (gt)