Ngày 30/1, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Manila và hai Bộ trưởng đã đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban công tác chung về đối tác chiến lược. Theo thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí “trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác... để nâng cao cấp độ và cường độ trao đổi song phương giữa hai nước”. 

Phần lớn Tuyên bố chung tập trung vào vấn đề Biển Đông, trong đó bày tỏ quan ngại về “các hoạt động cải tạo đất hàng loạt đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như cuộc sống của người dân sinh sống ở các quốc gia ven biển”. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí rằng “các bên có liên quan” nên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kiềm chế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. 

Nhiều khả năng Hiệp định đối tác chiến lược sẽ đạt được trong năm nay. Ông Del Rosario lưu ý rằng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ là mối quan hệ quan trọng thứ ba của Philippines sau Mỹ và Nhật Bản. 

Philippines và Mỹ trở thành đồng minh hiệp ước năm 1951. Năm 2011, Philippines và Nhật Bản nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược. Cuối năm 2014, Philippines và Hàn Quốc bắt đầu thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. 

Việt Nam đã có 13 hiệp định đối tác chiến lược. Hiệp định đầu tiên của Việt Nam là với Liên bang Nga năm 2001. Tiếp sau đó là với Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010) và Đức ( 2011). Trong năm 2013, Việt Nam đã đàm phán thêm 5 đối tác chiến lược với Italy, Pháp, Indonesia, Singapore và Thái Lan. Các cuộc đàm phán đối tác chiến lược tiếp diễn của Việt Nam với Philippines cho thấy Việt Nam quyết tâm củng cố quan hệ với tất cả các nước thành viên ASEAN. 

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và bắt đầu trao đổi các chuyến thăm cấp cao hai năm sau đó. Ba Thủ tướng Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tấn Dũng) và hai Chủ tịch nước (Lê Đức Anh và Trần Đức Lương) đã đến thăm Philippines từ năm 1978 đến năm 2007. Bốn Tổng thống Philippines (Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Aquino) đã đến thăm Việt Nam trong các năm 1994, 1998, 2002 và 2010. 

Năm 1994, hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, khoa học, công nghệ và đây được xem là khuôn khổ ban đầu cho mối quan hệ song phương. Nó được phát triển lên thành Ủy ban hợp tác song phương mà cuộc họp thứ bảy được tổ chức tại Manila vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2013. Cuộc họp thứ tám dự kiến được tổ chức tại Hà Nội năm 2015. 
Năm 2002 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Arroyo, hai bên đã thông qua một khuổn khổ hợp tác song phương. Quan hệ song phương đã được đặt trong khuôn khổ của Kế hoạch hành động 5 năm được thông qua tháng 11/2002. 

Hành động quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây đã dẫn đến một sự hội tụ về lợi ích chiến lược giữa Manila và Hà Nội. Ví dụ, trong tháng 10/2010, Việt Nam và Philippines đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Trong năm 2011, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm chính thức tới Philippines. Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Aquino đã nhất trí tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa hải quân hai nước và thiết lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển hai nước. Kế hoạch hành động Philippines-Việt Nam lần thứ hai giai đoạn 2011-2016 đã được thông qua với 13 lĩnh vực hợp tác. 

Trong năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên thăm Manila. Tháng 3/2014, hai nước đã tổ chức cuộc đàm phán hải quân đầu tiên và nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo, công nghệ hàng hải và đào tạo. Tháng 6/2014, thủy thủ Việt Nam đã tổ chức “các hoạt động thiện chí” với các thủy thủ Philippines trên đảo Song Tử Tây, và trong tháng 10 hai tàu khu trục hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên ghé thăm cảng của Manila. 

Tháng 12/2014, Việt Nam đã tuyên bố bảo vệ lợi ích với Tòa trọng tài ngầm ủng hộ lập trường của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. “Nhân tố Trung Quốc” cũng được đề cập trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 5/2014. Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Hai bên quyết tâm phản đối các vi phạm của Trung Quốc (ở Biển Đông) và kêu gọi các quốc gia, cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các vi phạm và tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc pháp luật quốc tế.” 

Lãnh đạo hai nước tái khẳng định hợp tác hàng hải là một trụ cột trong quan hệ song phương. Do đó, hai bên đã đồng ý tiếp tục trao đổi thường xuyên thông qua Ủy ban chung về hợp tác biển và Nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề hàng hải. Hai nhà lãnh đạo nhắc lại cam kết của mình, thực hiện các hiệp định hiện tại về quốc phòng, an ninh và tăng cường hợp tác giữa các dịch vụ hậu cần và công nghiệp quốc phòng; đồng thời nhất trí thúc đẩy đàm phán về Hiệp định dẫn độ. 

Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, bao gồm thương mại, tài chính, ngân hàng và dịch vụ, thủy sản, nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường biển, y tế, khoa học và công nghệ, du lịch, văn hóa, giáo dục, và giao lưu nhân dân. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập một Ủy ban làm việc chung chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình cho quan hệ đối tác chiến lược. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước được giao đồng chủ trì ủy ban này. 

Tháng 11/2014, Tổng thống Aquino và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí triệu tập cuộc họp đầu tiên của Ủy ban công tác chung về đối tác chiến lược. 

Công việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines hiện nay đang tiến triển. Theo báo cáo, cả hai bên đang cố gắng để đạt được tiếng nói chung về những phần được đưa vào hiệp định đối tác chiến lược. 

Theo các chuyên viên tại Viện Ngoại giao của Philippines: “Thuật ngữ đối tác chiến lược đôi khi là một khái niệm dễ bị hiểu lầm vì nó tương đương với một thỏa thuận an ninh có định hướng giữa hai nước, trực tiếp nhằm vào các bên hoặc các quốc gia nhất định. Thực tế, nó là sự tăng cường trao đổi song phương giữa hai quốc gia, tạo ra khoảng trống cho các cơ chế đối thoại chiến lược song phương được tiến hành ở cấp bộ trưởng. Nó là sự hợp tác toàn diện, bao gồm cả về kinh tế, văn hóa và xã hội”. 

Các chuyên viên này đưa ra lưu ý trong kết luận của mình: “Cơ sở cho đối tác chiến lược của Philippines không đơn thuần là những quan điểm chung về các vấn đề chiến lược mà còn chia sẻ các giá trị và nguyên tắc, có nghĩa là một quan hệ đối tác chiến lược không thể đạt được trên cơ sở động cơ cá nhân. Việt Nam và Philippines cần phải tiếp tục khai thông vấn đề này hoặc vấn đề quan hệ đối tác chiến lược được đưa ra sẽ là nông cạn và không thể thực hiện được khi có những thay đổi về ngoại giao”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose trong cuộc họp báo ngày 3/2 cho rằng hiệp định đối tác chiến lược rất quan trọng bởi vì Philippines và Việt Nam “chia sẻ mối quan tâm chung ở khu vực này, đặc biệt khi nói đến vấn đề Biển Đông”. Jose xác định mối quan tâm chung là “một trong những động lực” để thúc đẩy đối tác chiến lược. 

Tuy nhiên, cả hai bên muốn mở rộng hợp tác để tránh biểu hiện cho rằng quan hệ đối tác chiến lược này còn có một tên gọi khác là hiệp ước an ninh. Del Rosario tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược sẽ tăng cường hợp tác một cách toàn diện”. Các lĩnh vực hợp tác trong hiệp định đối tác chiến lược này có thể bao gồm: nông nghiệp, văn hóa, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, tài chính, đầu tư, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển, thăm dò dầu khí, giao lưu nhân dân, các vấn đề chính trị, an ninh, tìm kiếm và cứu hộ, du lịch và thương mại. 

Hiện nay quan hệ song phương chưa đi vào chiều sâu. Ví dụ, năm 2009, đầu tư nước ngoài đến từ Philippines trong 43 dự án đạt 300 triệu USD, đứng thứ 26 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Năm 2001, chỉ có 500 sinh viên Việt Nam du học tại Philippines. 

Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trưởng khá ấn tượng từ mức thấp 541 triệu USD năm 2000 lên 2,2 tỷ USD năm 2008. Xuất khẩu gạo của Việt Nam, khoảng 1,5-2 triệu tấn một năm, là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ thương mại song phương. Nhưng từ năm 2008 đến năm 2014, thương mại song phương chỉ tăng 2,8 tỷ USD. Tháng 1/2015, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã nhất trí tái khởi động một Tiểu ban hợp tác thương mại song phương nhằm đưa ra các biện pháp tăng thương mại hai chiều lên mức khiêm tốn 3 tỷ USD vào năm 2016. 

Các hiệp định đối tác chiến lược của Việt Nam bao gồm một điều khoản về hợp tác quốc phòng và an ninh. Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines rất có khả năng sẽ có một điều khoản về quốc phòng, an ninh với các quy định về các chuyến thăm quốc phòng cấp cao, trao đổi nhân sự, thăm cảng, chia sẻ thông tin và liên kết đào tạo, tập trận và tuần tra hải quân. 

Một sĩ quan hải quân Philippines nói với Reuters: “Chúng tôi đã có các cuộc tập trận, đào tạo chung hàng năm với quân đội Mỹ và chúng tôi đang mong chờ tổ chức các cuộc tập trận với hải quân Việt Nam”. 

Theo Michaela Del Callar, khi Philippines và Việt Nam đạt được hiệp định quan hệ đối tác chiến lược, điều đó sẽ gửi “một tín hiệu rằng các nước yêu sách nhỏ có thể liên kết với nhau để tăng cường sức mạnh tập thể trong việc đối phó sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông”. 

Michael Mazza, một thành viên nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines sẽ làm tăng hai mối lo ngại ở Bắc Kinh. Thứ nhất, hiệp định đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines sẽ đề nghị các bên tranh chấp khác ở Biển Đông rằng “họ thực sự có thể tìm ra một thỏa thuận nếu không vì tính hiếu chiến của Trung Quốc. Nếu Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp lãnh hải, có thể thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung, khi đó các lực lượng hải quân đối thủ không có lí do gì để gây mâu thuẫn”. 

Thứ hai, “một chế độ quản lý chung giữa Việt Nam và Philippines có thể hạn chế tự do hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”. Manila và Hà Nội có thể chia sẻ thông tin do thám và giám sát hàng hải để chuẩn bị tốt hơn cho các hành động khiêu khích của Trung Quốc, và có lẽ là ngăn chặn Trung Quốc bằng cách tạo ra yếu tố bất ngờ’.

Hợp tác quốc phòng và an ninh chặt chẽ hơn giữa Philippines và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, có thể khuyến khích Mỹ tham gia các cuộc tập trận ba bên. Việt Nam có thể tìm cách tận dụng lợi thế của các chuyến bay do thám có định hướng của Mỹ từ Philippines. 

Nếu Nhật Bản quyết định thực hiện chuyến bay do thám trên Biển Đông, hợp tác tứ giác trong lĩnh vực hàng hải và an ninh có thể xảy ra. 

Một quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines trong tương lai có thể được coi như là cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải đa phương ở khu vực Biển Đông.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)