Quan hệ song phương giữa Philippines và Việt Nam đã không ngừng được củng cố kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sau Chiến tranh Việt Nam năm 1976.

Tháng 5/2014, Tổng thống Philippines Bengino S. Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã cùng bày tỏ nguyện vọng nói trên. Tháng 11/2014, bên lề hội nghị Các Nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng thống Aquino và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã nhất trí thành lập Ủy ban Công tác Chung để bắt đầu lộ trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Nhân tố Trung Quốc?

Ý tưởng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa Philippines và Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Philippines là quốc gia duy nhất trong số các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã đệ đơn kiện các yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này lên tòa án quốc tế. Tháng 12/2014, Việt Nam cũng khẳng định rõ với tòa án quốc tế quan điểm của mình về vụ kiện này. Có thể nói, bối cảnh địa chính trị không ngừng biến động đã đưa Philippines và Việt Nam xích lại gần nhau hơn vì những lợi ích chung, mở đường cho tiến trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Những lựa chọn chính sách quyền lực “cứng” và “mềm” hiện tại của Việt Nam

Để đối phó với những vấn đề nổi cộm trong khu vực, Việt Nam đã sử dụng cả quyền lực "cứng" và "mềm". Việt Nam đã không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự và phi quân sự tại những vùng biển tranh chấp. Điều này có thể thấy được qua việc Việt Nam thiết lập các đơn vị quân đội thường trú, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế và trang thiết bị tại Vịnh Cam Ranh - nơi có cảng biển lớn nhất và gần quần đảo Trường Sa nhất - cũng như triển khai quân đội và đưa người dân ra sinh sống tại các vùng chủ quyền. Mới đây, Hà Nội cũng đã mua các tàu ngầm lớp Kilo của Nga để hiện đại hóa hơn nữa năng lực hải quân của mình.

Có thể Việt Nam đã nhận thức được rằng chỉ dựa vào sức mạnh quân sự thì khó có thể ngăn cản được những tham vọng của Trung Quốc. Việt Nam đã lựa chọn giải pháp ngoại giao tích cực, quốc tế hóa vấn đề tranh chấp để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác. Nâng tầm và củng cố quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược cũng là một giải pháp mà Việt Nam đang cân nhắc theo đuổi. Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất tích cực trong các diễn đàn khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), các cuộc gặp của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề đáng lo ngại trên vùng Biển Đông.

Xây dựng Quan hệ Đối tác Chiến lược Philippines - Việt Nam

Khái niệm quan hệ đối tác chiến lược phần lớn thường bị đánh đồng với thỏa thuận an ninh giữa hai quốc gia. Trên thực tế, việc nâng cấp quan hệ song phương sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy các cơ chế đối thoại chiến lược được tiến hành ở cấp bộ trưởng. Đây có thể coi là một sự hợp tác về kinh tế, văn hóa xã hội và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Trong bối cảnh Philippines và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích tương đồng, các cuộc thảo luận bước đầu về xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đã được tổ chức một tháng sau khi Ngoại trưởng hai nước tuyên bố siết chặt quan hệ song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và người đồng cấp Philippines Del Rosario đã đồng chủ tọa cuộc họp của Ủy ban Công tác Chung nhằm vạch ra lộ trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, được tổ chức trong hai ngày 29-30/1 vừa qua. Hai bên đã nhất trí theo đuổi một tiến trình dựa trên cơ sở tình hữu nghị, công bằng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Có thể nói, những sự kiện diễn ra vào đầu năm 2015 là dấu mốc quan trọng hứa hẹn một tương lai tích cực cho quan hệ song phương Philippines-Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ ngày càng bền chặt trong các vấn đề như chính trị, thương mại và đầu tư, đánh bắt thủy hải sản, các vấn đề trên biển và đại dương, cũng như trong các khía cạnh quốc phòng và an ninh.

Philippines mong muốn điều gì ở đối tác chiến lược?

Trả lời câu hỏi vì sao Philippines lại muốn Việt Nam trở thành một đối tác chiến lược, Ngoại trưởng del Rosario khẳng định: "Cũng giống như Mỹ và Nhật Bản, giữa Philippines và Việt Nam có một mối liên hệ đặc biệt". Song trước khi thực sự triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, hai chính quyền cần phải có một thỏa thuận chung có nền tảng và phù hợp với các giá trị và mục tiêu của cả hai nước. Việt Nam được coi là một đối tác đầy hứa hẹn không phải chỉ bởi những lợi ích kinh tế chung mà hai bên có thể đạt được, mà còn bởi Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần trung tâm và thống nhất của khối ASEAN trong cấu trúc khu vực không ngừng biến động hiện nay. 

Việt Nam là quốc gia rất tích cực trong việc củng cố quan hệ hàng hải, nhấn mạnh những giải pháp phù hợp luật pháp quốc tế là điều quan trọng để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực. Philippines và Việt Nam cùng cam kết duy trì hòa bình trong khu vực, có những biện pháp ôn hòa giải quyết tranh chấp nhằm đảm bảo người dân tại Đông Nam Á được sinh sống trong một môi trường hòa bình và thịnh vượng. Quan trọng hơn, cả hai nước đều hết sức tích cực thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, với tư cách là đối tác chiến lược của nhau, trong tương lai hai nước sẽ cần phải hợp tác hiệu quả trong các vấn đề văn hóa, kinh tế, chính trị và nhất là chia sẻ thông tin tình báo và chuyên môn, nhằm biến các nhược điểm thành nguồn sức mạnh to lớn.

Những lĩnh vực có thể hợp tác trong mối quan hệ đối tác chiến lược?

Việc nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược sẽ giúp Philippines và Việt Nam phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn nữa trong nhiều khía cạnh như nông nghiệp, triển khai tìm kiếm và cứu trợ, bảo vệ môi trường biển và xử lý tai nạn tràn dầu. Không chỉ vậy, với một mối quan hệ sâu sắc, hai nước sẽ giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề khu vực và hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quân sự và hàng hải. Có thể nói, mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất của việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa Philippines và Việt Nam chính là củng cố quan hệ toàn diện và nâng cao chất lượng đời sống người dân, chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác về chính trị, quốc phòng và an ninh.

Nâng cấp quan hệ ngoại giao cũng đồng nghĩa với những trách nhiệm to lớn hơn mà cả Philippines và Việt Nam cần gánh vác. Hai nước cần phải phối hợp với nhau trong việc xây dựng và triển khai thỏa thuận đối tác chiến lược, bởi cả hai có những lợi ích chung trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức vô cùng quan trọng trước khi quan hệ giữa hai nước thực sự được nâng cấp. Quan điểm của Philippines về đối tác chiến lược không chỉ đơn thuần là sự thống nhất trong các vấn đề chiến lược mà còn phải là sự chia sẻ những giá trị và nguyên tắc, đồng nghĩa với việc mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ không thể tồn tại nếu có sự tư lợi cá nhân.

Việt Nam và Philippines cần tích cực đẩy mạnh xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nếu không mục tiêu này có thể sẽ phai nhạt hoặc bị hủy hoại khi làn gió ngoại giao đổi chiều.

Theo Viện Nghiên cứu Đối ngoại, Philippines

Trần Quang (gt)