Tình trạng căng thẳng gia tăng tại khu vực Đông Á, mà nguyên nhân chủ yếu là sự trỗi dậy của Trung Quốc và nỗ lực vươn lên đứng đầu khu vực của Bắc Kinh với tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông cùng nhiều động thái quyết đoán nhằm củng cố cho tuyên bố này, đang gây quan ngại lớn về ổn định khu vực. Trong đó, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Philíppin là căng thẳng nhất. Manila đã phản ứng theo nhiều cách khác nhau để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có việc đưa tranh chấp với Bắc Kinh ra tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Theo trang mạng "The Diplomat", Philíppin đã đề nghị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Ôxtrâylia nhằm nâng cấp quan hệ song phương với ưu tiên hợp tác an ninh. Manila hi vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Tokyo và Canberra, đặc biệt trong quân sự và hàng hải. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có Nhật Bản nhất trí. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Philíppin và Nhật Bản được khởi đầu bằng quan hệ kinh tế. Năm 2011, hiệp định đối tác chiến lược giữa hai nước đã được chính thức hóa bằng tuyên bố chung giữa Tổng thống Philíppin Benigno Aquino III và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Theo đó, hai bên có lợi ích chiến lược chung là bảo vệ tuyến thông tin biển giữa hai nước, vốn được xác định là nền tảng cho mối quan hệ được củng cố này.

Manila trở thành điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Fumio Kishida khi ông gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Albert Del Rosario ngày 9/1/2013. Trong cuộc gặp sau đó tại Tokyo, hai ông nhất trí Nhật Bản sẽ cung cấp nhiều tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philíppin. Với giá 11 triệu USD/tàu, quá trình chuyển giao này sẽ được cấp ngân sách theo chương trình hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản và được hoàn tất trong thời gian 18 tháng. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến thăm Philíppin vào cuối tháng 6 vừa qua. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Voltaire Gazmin, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng các quy định quốc tế sẽ được sử dụng trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí hợp tác giúp Mỹ tối đa hóa sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Manila sẵn sàng để tàu Nhật Bản, cùng với Mỹ, được tiếp cận một số căn cứ hải quân của mình.

Philíppin cũng đề nghị nâng cấp quan hệ với Ôxtrâylia lên mức đối tác chiến lược. Tổng thống Aquino khẳng định rằng hiện là “đúng lúc” để hai nước vốn “chung văn hóa, nền tảng, sự ảnh hưởng” nâng cấp quan hệ. Mặc dù Ôxtrâylia vẫn chưa chính thức hồi đáp trước yêu cầu trên, nhưng mối quan hệ song phương hiện ở mức rất tốt khi cả hai là những đối tác lớn trong thương mại, phát triển, quản lý và an ninh của nhau.

Năm 2007, hai bên đã kí Hiệp định về quy chế lực lượng nước ngoài đến thăm viếng (SOFVA) và chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2012. Với SOFVA, hai nước đã thiết lập các cơ chế để trao đổi giao lưu quân đội, khi tạo ra khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của Ôxtrâylia tại Philíppin và ngược lại. Theo nhà phân tích Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, đề xuất đối tác chiến lược của Philíppin với Ôxtrâylia “chủ yếu mang tính biểu tượng” và là nỗ lực của Manila nhằm lôi kéo Canberra vào liên minh các nước ủng hộ lập trường của Philíppin rằng luật pháp quốc tế và quy định khu vực mang tính hòa bình sẽ được áp dụng trong việc xử lí tranh chấp trên Biển Đông.

Nhiều người sẽ coi nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược của Philíppin là nhằm tạo dựng đồng minh bảo vệ Manila trước sự xâm lấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc, song trên thực tế, bản chất của sự hợp tác này không đạt được mức độ này. Thay vào đó, như quan hệ với Nhật Bản cho thấy, Manila chủ yếu tìm cách tái khẳng định quan điểm của mình rằng trật tự khu vực ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á không nên bị ảnh hưởng bởi hành động đơn phương, mà phải là sản phẩm của sự tham vấn mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh của tất cả các nước trong khu vực. Ngoại trưởng Del Rosario cũng lưu ý rằng trật tự khu vực ở Đông Á “có thể được củng cố”, song điều này sẽ chỉ xảy ra khi các nước phê chuẩn “các quy tắc về cách hành xử tốt” mang lại lợi ích cho “toàn bộ người dân Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương”.

Mỹ vẫn là nhà bảo trợ chính cho an ninh Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực như Philíppin cũng cần sự bảo đảm về quy tắc và quy định để giải quyết tranh chấp khi đối mặt với một Trung Quốc ngày một hùng mạnh và quyết đoán. Nỗ lực của Philíppin có thể được diễn giải là nhằm đảm bảo rằng nguy cơ đối đầu quân sự được duy trì ở mức tối thiểu và khi đó các nước nhỏ hơn rõ ràng là ở thế bất lợi.

Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược không có những đảm bảo như trong liên minh an ninh song có thể góp phần củng cố khả năng phòng vệ của Philíppin. Ngoài ra, quan hệ đối tác chiến lược cũng tạo ra nền tảng mạnh mẽ cho hợp tác quốc phòng và an ninh. Bên cạnh lợi ích vật chất, về lí thuyết, quan hệ đối tác chiến lược cũng có chức năng răn đe gián tiếp. Với Philíppin, đối tác chiến lược đều có bản chất ban đầu là kinh tế. Tuy nhiên, do lo ngại về khả năng bị "bắt nạt" trong tương lai, Manila đã tìm cách cài vào yếu tố an ninh nhằm tìm kiếm sự bảo vệ mà ông Del Rosario gọi là “giá trị dân chủ cốt lõi”.

Philíppin đã nhấn mạnh rằng các nước chia sẻ những giá trị chung này đều phải tham gia vào cách thức giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông. Đối tác chiến lược cũng là dấu hiệu cho thấy một số nước sẵn sàng tham gia chống lại mối đe dọa trước mắt về trật tự khu vực. Hoạt động hợp tác này, được coi là nằm trong những giá trị chung, sẽ khiến các nước khác trong khu vực và bên ngoài dễ dàng can thiệp để ngăn chặn bất kì cường quốc nào định đảo ngược các quy định sẵn có. Và nỗ lực của Philíppin nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh với các nước khác trong khu vực để bổ sung cho mạng lưới quyền lực đang trỗi dậy ở Đông Nam Á chỉ là một trong nhiều khía cạnh đáng lưu tâm của môi trường an ninh khu vực hiện nay.

Julio Armdor III đang là nghiên cứu sinh về châu Á tại Trung tâm Đông – Tây, Washington. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)