Trọng tài sẽ tiếp tục được tiến hành theo Công ước bất luận Trung Quốc có tham gia hay không. Ủy ban Trọng tài 5 người sẽ vẫn được thành lập. Trọng tài mà Philippines chỉ định là chuyên gia luật quốc tế người Đức, nguyên Thẩm phán Tòa án luật biển quốc tế. Ngoài ra, Philippines còn mời đoàn luật sư, trưởng đoàn luật sư từ Viện các vấn đề luật sư Washington.

Theo chuyên gia Trung Quốc, theo trình tự trọng tài của Công ước luật biển, Philippines có thể tiếp tục đơn phương theo đuổi trình tự trọng tài và Trung Quốc sẽ tỏ rõ lập trường và lý do không tham gia bằng các phương thức khác nhau. Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Ngô Huệ nói với Thời báo Hoàn cầu, việc Philippines yêu cầu trọng tài cưỡng chế là không có chỗ đứng về pháp lý. Quan điểm trong công hàm và thông báo của Philippines không chỉ sai lầm mà còn lạm dụng quy định của Công ước. Trước hết, tranh chấp giữa Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông xét cho cùng là tranh chấp về quy thuộc các đảo và phân định các vùng biển, nhưng Philippines cố ý tránh việc quy thuộc lãnh thổ và phân định, chỉ nói đường 9 đoạn của Trung Quốc không có căn cứ theo Công ước, cũng không phù hợp với logic. Đường 9 đoạn của Trung Quốc không giống như Philippines nói là được đưa ra từ năm 2009. Trung Quốc có nhiều chứng cứ lịch sử chứng minh Trung Quốc thông qua việc chiếm dụng trước để giành được chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông. Đường 9 đoạn được chính thức đưa ra vào năm 1948, mà Công ước luật biển năm 1982 mới được thông qua.

Bình luận về vấn đề này, ngày 20/2, ông Rene Almendras, một cố vấn của TTh/Philippines Aquino, tuyên bố Philippines “ hành động đúng  khi kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế về bản đồ “đường lưỡi bò” áp đặt chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Ông cho biết Manila đã dự kiến Bắc Kinh sẽ bác bỏ yêu cầu của Philippines.

Về việc Trung Quốc không chấp nhận đơn kiện của Philippines ra Tòa án Trọng tài Luật Biển, ngày 19/2, NFN/BNG Mỹ cho biết: Mỹ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao và hòa bình khác để quản lý và giải quyết các loại bất đồng như vậy, trong đó có việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý khác. Công ước LHQ về Luật Biển có những quy định về quy trình các nước có thể tìm kiếm việc giải quyết tranh chấp qua bên thứ ba liên quan đến những tranh chấp cụ thể đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước. Mỹ tiếp tục khuyến khích ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng có những tiến triển trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa. Mỹ cho rằng việc theo đuổi các thủ tục giải quyết tranh chấp được nêu trong Công ước LHQ về Luật Biển không cản trở quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử. Mỹ cho rằng cả hai biện pháp này đều hữu ích.

Nhật báo Kinh tế Australia ngày 19/2 bình luận rằng so với vấn đề Triều Tiên, xung đột tại khu vực biển phía Đông và Nam của Trung Quốc phức tạp hơn. Đài tiếng nói nước Nga cho rằng 2 vùng biển nói trên đang dần trở thành đấu trường đối kháng gay gắt, hiện tất cả đều đang diễn biến theo phiên bản chiến tranh lạnh, các bên đều đang tăng cường lập trường và đang tích cực tìm kiếm đồng minh. CNN ngày 19/2 bình luận giải quyết tranh chấp Trung Quốc - Philippines rất lâu dài, việc kiện Trung Quốc ra LHQ cũng kéo dài vài năm. Nhận thức chung mà các bên tranh chấp tại Biển Đông đạt được là “không có nhận thức chung”, tuy vậy xung đột sẽ không tiếp tục leo thang trong vài năm tới. RFI thì bình luận “nếu LHQ ra phán quyết cho rằng bản đồ “ đường lưỡi bò ” là phi pháp, đây sẽ là một vố đau về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc”.

 

 

Thuỳ Anh tổng hợp