Theo ông Millan, hai tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) sẽ tham gia tập trận với một tàu Philippines sau khi cập bến tại Philippines trong tháng 5 này. Ông nói: "Đây là điểm cập bến thường xuyên của hải quân Nhật Bản và trong khi họ đang dừng chân ở đây, sẽ là hoàn toàn hợp lý nếu chúng tôi luyện tập về ứng phó với tình huống bất ngờ trên biển".

Ông Millan cho biết cuộc tập trận này sẽ diễn ra bên ngoài căn cứ hải quân Subic của Mỹ trước đây và cách xa bờ Tây của Philippines. Hải quân Nhật Bản và Philippines sẽ có cơ hội "trao đổi" trong suốt cuộc tập trận, song nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này không liên quan đến tranh chấp biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền phần lớn Biển Đông.

Philippines đang tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh nước này nhận thấy ý đồ xâm lược của Trung Quốc khi đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền. Cường quốc khu vực này đang có các tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn vùng biển giàu tài nguyên này, thậm chí cả các rạn san hô, bãi cạn và đảo nhỏ gần bờ biển các láng giềng. Ông Millan cho rằng việc tập luyện với JMSDF sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Philippines - vốn trang bị yếu kém và là một trong số các lực lượng yếu nhất khu vực.

Trung Quốc và Nhật Bản cũng có các tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền quần đảo mà phía Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hiện thường xuyên xảy ra các cuộc đối đầu trên biển và trên không xung quanh vùng lãnh thổ tranh chấp.

Đầu tháng 5/2015, các lực lượng tuần duyên Nhật Bản và Philippines đã tổ chức diễn tập chống cướp biển tại Philippines - cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước sau thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng nơi này hồi Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Ngày 8/5, các quan chức Mỹ cho biết diện tích bồi đắp đảo của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này đã lên tới 800 hecta. Báo cáo của Mỹ cho biết tại 4 điểm cải tạo đất đá, Trung Quốc đã chuyển từ công tác nạo vét sang "xây dựng cơ sở hạ tầng" mà có thể bao gồm bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc và giám sát, hỗ trợ hậu cần và "ít nhất một sân bay".

Quân đội Philippines cũng nhắc lại việc Trung Quốc xua đuổi máy bay Philippines khỏi một hòn đảo đang tranh chấp mà quân đội Manila đang đồn trú - diễn biến làm dấy lên cuộc đối đầu nghiêm trọng. Nhật Bản sau đó đã kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp trên Biển Đông. Trước đó, Nhật Bản đã hứa hẹn giúp hiện đại hóa các trang thiết bị của hải quân Philippines.

Theo “Defensenews

Mỹ Anh (gt)