Các viên chức của Bộ Ngoại giao Philíppin cho biết, Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển, mà cả Trung Quốc và Philíppin đều đã ký kết, cho phép Manila yêu cầu tòa án phân xử mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc. Trợ lý Ngoại trưởng Philíppin đặc trách vấn đề hải dương, ông Gilberto Asuque, nói rằng sự trọng tài quốc tế dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển là có tính chất bắt buộc. Ông Asuque nói: “Tiến trình đã bắt đầu. Tiến trình này không thể bị cản trở. Những hành động của Trung Quốc không thể cản trở sự hoàn tất của tiến trình này vì không có điều khoản nào trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nói rằng chúng ta có thể gây cản trở hoặc can thiệp vào tiến trình này”.

Đơn kiện đòi trọng tài của Philíppin cho rằng Trung Quốc vi phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Công ước Liên hợp quốc đã qui định. Văn kiện này cũng nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.

Ngày 19/2, Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Mã Khắc Khanh, đã trả lại công hàm về vụ kiện cho Philíppin. Trong một cuộc họp báo sau đó ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, nói rằng đơn kiện của Philíppin “sai lầm về lịch sử và pháp lý”.

Ông Hồng Lỗi cũng nói rằng hành động của Manila đi ngược với thỏa thuận không có tính chất cưỡng hành mà Trung Quốc đã đạt được với ASEAN gồm 10 nước thành viên là giải quyết các vụ tranh chấp biển đảo thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. Hồng Lỗi cũng cho biết Trung Quốc không thể chấp nhận sự chỉ trích sai lầm của Philíppin. Trung Quốc kiên quyết nhắc lại quan điểm lâu nay rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi ở Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn được Trung Quốc phát họa từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Philíppin khẳng định phản ứng của Trung Quốc không ảnh hưởng tới tiến trình kiện tụng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Philíppin nói cho dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc, hội đồng phân xử của tòa quốc tế gồm 5 thành viên cũng sẽ được hình thành.

Phụ tá của Tổng thống Philíppin, ông Rene Almendras cho biết, Philíppin dứt khoát theo đuổi vụ kiện bất kể thái độ của Trung Quốc như thế nào đi chăng nữa. Ông cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tòa án quốc tế sẽ có quyết định và hành động ủng hộ Manila. Ông Almendras nhấn mạnh đưa vụ kiện ra tòa quốc tế là biện pháp ôn hòa nhất, chứ không phải là một hành động thách thức Bắc Kinh.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc, Philíppin và Việt Nam có ký kết, Manila giờ đây có 2 tuần để yêu cầu tòa quốc tế về Luật biển chỉ định một người đại diện cho Trung Quốc trong hội đồng phân xử. Một khi hội đồng triệu tập, phán quyết đầu tiên của họ sẽ là ra quyết định xem có thụ lý vụ kiện hay không.

Giáo sư Myron Norquist, Phó Giám đốc Trung tâm Luật pháp và Chính sách Hải dương của Đại học Virginia, cho rằng vụ kiện này “khá bất thường” vì chỉ có sự tham gia của một bên trong vụ tranh chấp. Ông Norquist cho biết: “Có một điều cần nói tới là vụ kiện chắc chắn sẽ thất bại. Bởi vì nếu một bên không tán đồng thủ tục trọng tài thì kết quả trọng tài sẽ không thể chấp hành. Làm thế nào mà chúng ta có thể trông đợi một nước vốn dĩ đã không muốn vụ tranh chấp được giải quyết bởi một bên thứ ba lại cảm thấy bị ràng buộc bởi một quyết định của một tiến trình mà họ không hề tham gia”.

Tuy nhiên, giáo sư Norquist cũng cho rằng vụ kiện này không phải là hoàn toàn vô ích, đặc biệt là vì Việt Nam, Đài Loan, Malaixia và Brunây cũng có đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển nhiều tài nguyên này. Ông Norquist nói: “Vụ kiện sẽ giúp Philíppin đạt được một trong các mục tiêu của họ là thu hút sự chú ý đối với vấn đề này và về mặt chính trị, nó giúp cho chính phủ Philíppin có thể tuyên bố một cách mạnh mẽ là “Này nhé, chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhưng các ông lại không chịu như vậy”.

Trong vài năm gần đây, chính phủ Philíppin đã nhiều lần kháng nghị với Trung Quốc điều mà họ cho là những vụ xâm nhập ngày càng nhiều vào khu vực đặc quyền kinh tế của họ. Đồng thời, họ cũng ra sức tăng cường các mối quan hệ đồng minh trên trường ngoại giao khu vực để củng cố vị thế của họ trong vụ tranh chấp. Ngoài ra, quốc gia tương đối yếu về mặt quân sự này cũng thiết lập lại các mối liên hệ với Mỹ - nước đã ký Hiệp ước Phòng thủ chung với Philíppin và đang theo dõi sát những diễn tiến trong khu vực.

Theo VOA

Thuỳ Anh (gt)