Theo chuyên gia Simon Tay, tiến trình pháp lý do Philíppin khởi xướng chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ngạc nhiên cho khu vực, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ về một bãi mìn chính trị. Tòa án quốc tế được phép hoạt động theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, nhưng động thái của Philíppin đã làm tăng thêm tính cấp bách và những nhân tố mới cho một bối cảnh chính trị gay go như hiện nay. Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh những tuyên bố cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông đã trở nên căng thẳng trong năm qua, với việc các tàu thuyền bị yêu cầu tránh xa khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philíppin gọi là Panatag) trong nhiều tháng. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến sự đoàn kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm ngoái khi nước Chủ tịch ASEAN là Campuchia không thể tìm được sự thỏa hiệp với các nước trong khối về ngôn từ của một tuyên bố chính thức (Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN). Vậy động thái mới này báo hiệu điều gì? Đầu tiên, đó là một bước đi pháp lý, được ủng hộ bởi những lời kêu gọi khác nhau rằng các bên nên sử dụng luật pháp quốc tế thay vì dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc đã chấp nhận Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (VNCLOS) và giờ đây đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. 

Việc tìm kiếm sự phân xử của tòa án đối với cuộc tranh chấp biển đảo này là một sự bắt buộc. Thời điểm tiến hành sẽ được đưa ra trong những tuần tới, theo đó Tòa án quốc tế về Luật biển sẽ yêu cầu lựa chọn các quan tòa và đặt ra một kế hoạch tiến hành phân xử. Nếu Trung Quốc từ chối tham gia, tiến trình này vẫn có thể được tiến hành mà không cần có Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc tham gia, họ có thể thách thức những vấn đề có thể được giải quyết. Phạm vi xét xử trong phiên tòa đặc biệt này là hạn chế và không thể bao gồn những vấn đề như chủ quyền đối với những tảng đá trên biển. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc tham gia và thua kiện, họ vẫn có thể từ chối tuân thủ phán quyết của tòa án và sẽ không có án phạt hay “cảnh sát” nào để thực thi phán quyết. Tuy nhiên, ý kiến của công chúng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Động thái pháp lý của Manila do đó phải được xem xét trong một bối cảnh chính trị rộng lớn hơn. Một số người Trung Quốc sẽ nghi ngờ về một sự thông đồng hoặc phối hợp chống lại họ. Chiến dịch tái cân bằng ở khu vực châu Á của Mỹ diễn ra đúng vào thời điểm tái bùng phát những tranh chấp đã có từ lâu trên Biển Đông. Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã mời các lực lượng Mỹ xem xét những kế hoạch sắp xếp các chuyến thăm Philíppin. Điều này hoàn toàn trái ngược với thời chính quyền của Tổng thống Corazon Aquino trước đây, khi Philíppin ra lệnh đóng cửa các căn cứ Mỹ ở nước này. 

Vai trò của Nhật Bản cũng sẽ bị đặt câu hỏi. Đại diện cho chính quyền mới của tân Thủ tướng Shinzo Abe, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã chọn Manila làm nơi tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao đất nước Mặt Trời mọc. Tại đó, ông Kishida đã cam kết cung cấp cho Manila các tàu bảo vệ bờ biển và được Philíppin ủng hộ ý tưởng Nhật Bản nên tái vũ trang. Điều này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tôkyô và Bắc Kinh đang gia tăng xung quanh cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Một số người sẽ đặt câu hỏi về sự trùng hợp là tại sao động thái pháp lý của Manlia lại diễn ra sớm như vậy, chỉ ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Kishida. Một sự trùng hợp nữa là Tòa án quốc tế về Luật Biển có một người Nhật Bản làm Chánh án, đó là ông Shunji Yanai, mặc dù vị chánh án này không chịu sự điều khiển của Tôkyô. Do đó, điều tốt hơn nên làm là các bước đi để ổn định các mối quan hệ. Tân Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hợp tác để giải quyết một cách hiệu quả và phù hợp đối với các vấn đề “nhạy cảm.” Lời kêu gọi này được đưa ra gần đây khi Trung Quốc tiếp đón ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng Công Minh mới, một đối tác trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và là đặc phái viên của ông Abe. Phương hướng chung trong tương lai của các mối quan hệ Mỹ-Trung hiện khó đoán định hơn khi những sự bổ nhiệm chủ chốt cho các chức vụ nhà nước và các cơ quan quốc phòng vẫn đang bỏ ngỏ và các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai ưu tiên rõ ràng của Tổng thống Mỹ Barack Obama là tập trung vào các vấn đề trong nước. Hơn nữa, với việc loan báo về một thập kỷ chiến tranh đang kết thúc, ông Obama sẽ thận trọng với việc tham gia các cuộc xung đột tiềm tàng ở châu Á, ngay cả khi các đồng minh của Mỹ mong muốn như vậy. 

Trong khía cạnh này, ASEAN sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu duy trì sự trung lập của họ. Mặc dù Philíppin là một nước thành viên của khối này, nhưng các nước ASEAN khác đã không được tham vấn về động thái pháp lý đưa Trung Quốc ra tòa. Ví dụ, Chính phủ Xinhgapo đã nói rằng lần đầu tiên họ biết đến quyết định này của Manila là thông qua giới truyền thông. Quyết định của Philíppin cũng được thừa nhận là quyết định mang tính quốc gia của riêng họ. Tuy nhiên, sự trung lập của ASEAN không có nghĩa là không có hành động gì. Ngược lại, tân Chủ tịch ASEAN Brunây cần phải làm việc với các đối tác khác trong khối để tái xây dựng lòng tin nhằm mục đích bắt đầu các cuộc thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử đối với các hoạt động ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Tuyên bố được ASEAN đưa ra ngày 12/7/2012 Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông chỉ lặp lại những nguyên tắc cũ. Nếu Trung Quốc là một phần của các cuộc thương lượng này thì thật nguy hiểm, ASEAN sẽ không cảm thấy 10 quốc gia nhỏ hơn đang hợp thành một khối. Tiến trình pháp lý do Philíppin khởi xướng sẽ tiếp tục diễn ra, nhanh chóng và khá vững chắc.

Cần phải nhận thấy rằng Trung Quốc sẽ sử dụng ngón đòn kinh tế và các quân bài khác để thể hiện sự không hài lòng với Manila. Người Philíppin đang thử kiểm tra những ý định của Trung Quốc bằng luật pháp nhưng sự chịu đựng của họ sẽ bị thử thách bằng những ảnh hưởng kinh tế và chính trị. Theo chuyên gia Simon Tay, thách thức Trung Quốc dựa vào UNCLOS là một quyết định được Chính quyền Aquino đưa ra mà luật pháp quốc tế cho phép và không có quốc gia nào có thể ngăn chặn. Tuy nhiên, hiện nay không ai biết có thể làm gì và cần phải làm gì để giúp ngăn chặn tiến trình pháp lý này. Vụ kiện này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng từ bãi mìn chính trị hiện nay./. 

Tác giả Simon Tay là chủ tịch của Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Quốc tế của Singapore và phó giáo sư Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết đăng trên “Scmp” (ngày 29/1).

Mỹ Anh (gt)