Phát biểu tại hội nghị ngày 3/4, Tổng thống Benigno Aquinno nói: "Chỉ khi nào COC được hoàn tất bởi các nước ASEAN, lúc đó các thành viên ASEAN mới gặp Trung Quốc”. Trong khi đó, Campuchia - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN - trong ngày họp này đã thúc giục sớm có sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình soạn thảo COC. Campuchia và Philíppin đã bất đồng về vai trò của Trung Quốc trong việc soạn thảo COC, vốn được chờ đợi từ lâu, để chi phối một giải pháp cho sự tranh chấp trên Biển Đông. Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Philíppin Albert del Roario nói: "Tôi cho rằng sự thất vọng lớn nhất tại buổi sáng của ngày họp đầu tiên là tuyên bố của Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, trong đó nói rằng Trung Quốc có thể được mời để trở thành một nhân tố trong việc soạn thảo COC. Chúng tôi giữ quan điểm cho rằng đây phải là vấn đề nội bộ (của ASEAN)". Ngoại trưởng Philíppin cũng nói thẳng rằng Campuchia là nước duy nhất tìm cách để Trung Quốc liên quan đến việc soạn thảo COC. Ông khẳng định: "Tôi chưa từng nghe các nước khác (trong ASEAN) nói như Campuchia”. Mặc dù Campuchia từng nói rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông không có trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này, nhưng Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalewa cho rằng nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự trong cuộc họp ngày 4/4. Tuy nhiên, Kao Kim Hourn - Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Campuchia - đã bác bỏ việc này khi nói: "Các nhà lãnh đạo không dành thời gian để thảo luận vấn đề này bởi một số quan chức và bộ trưởng đã thảo luận vấn đề này ngày 1/4. Vấn đề này sẽ chỉ được đề cập trong một tuyên bố". 

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã hội đàm tại Phnôm Pênh, trong đó bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ ký kết COC với Trung Quốc trước cuối năm nay. Tuy nhiên, về vấn đề ký kết COC, mọi việc cũng không hoàn toàn rõ ràng ngay cả trong nội bộ ASEAN. Ví dụ, một số nước cho rằng ban đầu phải thống nhất với nhau về dự thảo COC, sau đó mới đề xuất Trung Quốc ký kết. Những nước ủng hộ quan điểm này có Việt Nam, Philíppin và Brunây - các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong khi đó, một nhóm các nước khác cho rằng nên lắng nghe quan điểm của Trung Quốc, rồi căn cứ cả vào đó để soạn thảo tài liệu. Nhóm này gồm những nước không tham gia trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông và có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, như Mianma, Lào, Thái Lan và Campuchia.Trung Quốc quan tâm đến Biển Đông không chỉ vì đây là một khu vực giàu tài nguyên. Điểm chính ở đây là Trung Quốc coi trọng vùng biển như một bàn đạp cho Hạm đội Thái Bình Dương của họ trong tương lai. Đó cũng là lý do tại sao Biển Đông thu hút cả sự chú ý của Mỹ - nước luôn điều động tàu của họ hiện diện trong khu vực. Để bảo vệ lợi ích và an ninh của mình tại đây, các nước ASEAN phải cân đối giữa hai nhân tố hàng đầu trên vũ đài chính trị thế giới. Vì vậy, trong tương lai gần không mong đợi sự ra đời của COC. Điều này còn được chứng minh bởi thực tế sau: từ "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC, ra đời năm 2002) cho tới sự xuất hiện của các nguyên tắc cần thiết để hình thành cơ sở của COC đã phải "tốn mất" gần 10 năm.

Lê Sơn (gt)