Động thái của Nga tham gia các cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc ở Biển Đông là lời cảnh báo ngang nhiên đối với cả Mỹ và Canada. 

Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đang cùng nhau chống lại địa chính trị phương Tây, đã thông báo kế hoạch tập trận hải quân chỉ 3 tuần sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Đây rõ ràng là động thái dọn đường của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho việc "nhòm ngó" chủ quyền của Canada ở Bắc Cực trong tương lai. 

Trong phán quyết được công bố ngày 12/7, Tòa Trọng tài, được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã lên án những hành động xây dựng trái phép ồ ạt của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi nước này cho xây hệ thống căn cứ quân sự và sân bay tại các rạn san hô bồi lấp và một vài hòn đảo cách xa bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm. Theo UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia, về cơ bản vấn đề này sẽ không có gì phải thương lượng. Những vùng tranh chấp thuần túy là các vùng biển quốc tế, và không một quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền hợp pháp. 

Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài cũng phản ánh sự đồng thuận quốc tế. Canada đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết này mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc. Nhật Bản, Mỹ và Úc thậm chí còn ra tuyên bố mạnh mẽ hơn khi cảnh báo sẽ chống lại việc Bắc Kinh "sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực" trong bảo vệ những yêu sách phi pháp ở Biển Đông. 

Đang có nguy cơ hiện hữu về một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng ở Biển Đông nếu như Trung Quốc kiên quyết khẳng định tuyên bố chủ quyền bằng việc ban hành lệnh cấm các tàu thuyền và máy bay quốc tế qua lại ở những vùng biển tranh chấp. Làm thế nào để đối phó với thái độ hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với các nước phương Tây? Hãy cứ thử nhìn vào việc Trung Quốc đã trắng trợn bắt giam nhà truyền giáo Kevin Garratt của Canada như thế nào sau khi Ottawa lên án Bắc Kinh tấn công các máy chủ của Chính phủ Canada, hay gần đây là việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra tức giận với phóng viên Canada về một câu hỏi liên quan đến nhà truyền giáo này. 

Việc Trung Quốc gây bất ổn trên Biển Đông còn cho thấy một vấn đề sâu xa hơn trong cốt lõi do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Khi được thành lập năm 1949, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông đã tuyên bố: "Chúng ta sẽ không còn là một quốc gia bị khinh miệt và sỉ nhục. Chúng ta phải đứng lên". Ẩn ý của logic này là Trung Quốc có nền văn minh lâu đời và rực rỡ. Trung Quốc đã bị chèn ép và là nạn nhân của các thế lực thù địch phương Tây. Trung Quốc sẽ phải vùng lên và giành lại lẽ phải. 

Sau khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Mỹ và Trung Quốc nên thiết lập "quan hệ nước lớn kiểu mới". Ông nói rằng Mỹ nên công nhận Trung Quốc là một cường quốc ngang hàng và rút khỏi Đông Á để Trung Quốc có thể tái khẳng định vai trò truyền thống của họ là quyền lực thống trị duy nhất trong khu vực. Đề xuất của ông Tập Cận Bình đã nhận được sự tán dương mạnh mẽ ở trong nước, vì nó sẽ cho phép Bắc Kinh hoàn thành tâm nguyện của Mao Trạch Đông. Nhưng việc Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương cự tuyệt đề xuất của ông Tập Cận Bình đã làm tổn thương lòng tự hào dân tộc của Trung Quốc. 

Vì thế, Bắc Kinh đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho những sáng kiến "quyền lực mềm" nhằm xây dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực tế lại đang tạo ra một hình ảnh khác: một chế độ giận dữ, phẫn uất, nghi ngờ các nước và các thể chế đa phương, đang tìm cách tận dụng mọi lợi thế vươn lên nhưng lại tự hủy lòng tin trong xây dựng quan hệ quốc tế. 

Thông qua bài học từ Trung Quốc, Canada cần phải hết sức cảnh giác trước các mối quan hệ với những cường quốc ở phía Bắc (Nga), phía Nam (Mỹ) và phải giữ được lợi ích ở phía Đông (châu Âu) trong cuộc khủng hoảng Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) hiện nay. Trong chuyến thăm Trung Quốc tới đây của Thủ tướng Justin Trudeau, Ottawa cũng sẽ phải hướng về phía Tây (khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc thống trị) để tìm kiếm sự thịnh vượng và tái định hình định hướng chính sách đối ngoại của Canada. 

Tất nhiên, việc can dự với Trung Quốc sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, chứ không đơn giản chỉ là việc vượt qua những khác biệt về văn hóa và chính trị. Vấn đề mấu chốt nhất đặt ra hiện nay là làm sao đảm bảo quan hệ song phương mang tính đối ứng và cùng có lợi. Đó là điều Canada mong muốn. Nhưng còn Trung Quốc thì sao?

Theo Globe and Mail

Văn Cường (gt)