index(1).jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ đầu năm nay đã liên tục tiến hành các chuyến công du nước ngoài cũng như đón tiếp lãnh đạo các nước đến Trung Quốc, lập ra kỷ lục mới là 4 tháng liên tiếp "xuất ngoại". Giới phân tích cho rằng chiến lược ngoại giao con thoi của ông Tập Cận Bình nhằm phá thế bao vây của Mỹ, đồng thời tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển trong nước của Trung Quốc, tiếp tục giúp Trung Quốc thực hiện chiến lược phát triển mở cửa của mình.

Theo thống kê sơ bộ, tính tới thời điểm này trong năm 2015, ông Tập Cận Bình đã thực hiện 10 chuyến “xuất ngoại”, trong đó có chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, thăm Anh hồi tháng 10, thăm Việt Nam và Singapore đầu tháng 11 (trong chuyến thăm Singapore đã có cuộc gặp lịch sử với người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu), sau đó một tuần lại tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội nghị Thượng định APEC tại Philippines. Trong tháng tới, ông Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi, đồng thời có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Nam Phi.

Tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, ông Tập Cận Bình đã có những cuộc gặp với các lãnh đạo của hơn 40 nước; trong tháng 9, nhân dịp Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng phátxít, ông Tập Cận Bình đã hội đàm với các nhà lãnh đến từ hơn 20 nước. Nhận định về hoạt động ngoại giao bận rộn của ông Tập Cận Bình, giới học giả Trung Quốc có các ý kiến không thống nhất. Có người cho rằng vấn đề cải cách trong nước đang gặp nhiều khó khăn, ông Tập Cận Bình nên dành nhiều thời gian để tập trung vào các công việc trong nước, đặc biệt là các vấn đề cải cách trong Đảng. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng các hoạt động đối ngoại liên tiếp của ông Tập Cận Bình thời gian vừa qua cho thấy rõ mối liên quan giữa sự phát triển của Trung Quốc với thế giới ngày càng mật thiết.

Giáo sư Kim Xán Vinh, Phó trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng việc ông Tập Cận Bình có thể thường xuyên thực hiện các chuyến thăm nước ngoài cho thấy ông đã củng cố vững chắc vị thế của mình ở trong nước, vì vậy mới có thể dành tâm trí nhiều hơn vào các vấn đề đối ngoại. Đặc biệt trong bối cảnh “va chạm” Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, những chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có thể phát huy tác dụng to lớn. Ông Kim Xán Vinh nhấn mạnh: "Trên phương diện ngoại giao, một số rắc rối gần đây mà Trung Quốc gặp phải là do sự tấn công của Mỹ, và một số nước xung quanh có những phản ứng đối với Trung Quốc, do vậy Trung Quốc cần phải xử lý tốt những vấn đề này”. Hồi đầu tháng 11, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam, Singapore, tái khẳng định hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, bày tỏ lập trường ủng hộ sự phát triển trong hòa bình, trên thực tế là bày tỏ thiện ý của Trung Quốc đối với các nước xung quanh. Mặc dù chuyến thăm Mỹ của ông hồi tháng 9 vừa qua không thể làm giảm sự cạnh tranh trong quan hệ hai nước lớn, song cũng phát huy vai trò “duy trì sự ổn định” trong quan hệ Mỹ-Trung.

Nhà nghiên cứu Nghiêm Chấn Sinh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Đài Loan, cho rằng chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ là nhằm bao vây Trung Quốc, song việc nhà lãnh đạo Trung Quốc dồn dập thực hiện các chuyến thăm nước ngoài đã phần nào phá bỏ thế bao vây này. Sự ủng hộ của các nước lớn ở châu Âu đối với sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đưa ra và việc ông Tập Cận Bình được đón tiếp long trọng ở Anh hồi tháng trước là những minh chứng rõ ràng cho điều này. Theo ông Nghiêm Chấn Sinh, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Anh, ông Tập Cận Bình đã lập tức có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hà Lan, Đức, Pháp khi họ viếng thăm Trung Quốc, điều này cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc phá bức tường bao vây của Mỹ, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của ông Tập Cận Bình trong công tác đối ngoại. Việc nhiều nhà lãnh đạo châu Âu liên tiếp đến thăm Trung Quốc quả thực là điều mà Mỹ không hề mong muốn.

 

Theo báo “Liên hợp Buổi sáng”