Theo hãng tin Kyodo, Philíppin đã từng có kế hoạch hiện đại hóa vũ khí và các thiết bị quân sự của mình vào năm 1988 nhưng mãi cho đến năm 1995, khi Manila phát hiện Trung Quốc tiến hành xây dựng trên Bãi đá ngầm Mischief Reef mà Philíppin tuyên bố chủ quyền, quân đội Philíppin mới bắt tay thực hiện kế hoạch này. Mặc dù vậy, gần hai thập kỷ đã trôi qua, Philíppin vẫn chưa mua được trang thiết bị chiến tranh mới và hiện đại. Điều này buộc PAF phải tiếp tục dựa vào nguồn vũ khí “dư thừa” của Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Luân Đôn, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và Việt Nam “tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng và tất cả các nước này đều có các chương trình mua sắm vũ khí lớn”. Philíppin theo dõi một cách đầy thèm muốn việc các nước láng giềng, trong đó có các nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa như Brunây, Ma-lai-xi-a và Việt Nam, đang chi tiền để tăng cường sức mạnh không quân và hải quân. Cũng giống như các nước láng giềng này, Philíppin đang theo dõi các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông với tâm trạng đầy âu lo.

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đã buộc quân đội Philíppin phải vạch ra kế hoạch mới mua thêm các thiết bị và vũ khí tinh vi và hiện đại hơn. Tổng thống Philíppin Benigno Aquino cho biết Philíppin sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội gần đây, Tổng thống Aquino nói: “Chúng tôi không muốn làm gia tăng tình trạng căng thẳng với bất cứ nước nào nhưng chúng tôi phải để thế giới biết rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những thứ thuộc về chúng tôi”. Bất chấp các tuyên bố này của Tổng thống Aquino, Philíppin vẫn chưa có máy bay chiến đấu kể từ khi loại bỏ các chiến đấu cơ lỗi thời F-5E. Mặc dù có hơn 1.700 đảo nhỏ, song Philíppin không có bất cứ chiếc tàu ngầm hay tàu chống tàu ngầm, tàu phá mìn hoặc tàu được trang bị tên lửa nào. Đại úy Rommel Rodriguez, phát ngôn viên của Lực lượng Hải quân Philíppin nói trên thực tế, Hải quân Philíppin đang “tụt hậu ngày càng xa” so với hải quân các nước láng giềng. Lực lượng hải quân nước này chỉ có khoảng 100 tàu, trong đó có nhiều tàu đã sử dụng hơn 50 năm. Ông nhấn mạnh: “Hải quân Philíppin không có tàu ngầm, không có tên lửa đối không, không có trang thiết bị chống tàu ngầm, không có trang thiết bị phá mìn và các biện pháp chống chiến tranh điện tử”.

Trong khi đó, Xinhgapo có các máy bay chiến đấu F16, 4 tàu ngầm, các tàu được trang bị tên lửa và tàu khu trục nhỏ tàng hình. Việt Nam cũng có các máy bay chiến đấu và tàu được trang bị tên lửa. Inđônêxia đã có một hạm đội tàu ngầm kể từ những năm 1960 và có các tàu chiến lớn chở máy bay trực thăng. Thậm chí, nước nhỏ như Brunây cũng có các chiến hạm được trang bị tên lửa.

Quân đội Philíppin hiện có một bản danh sách dài các vũ khí mong muốn: các máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra tầm xa, các rađa giám sát bảo vệ đường không, các trực thăng chiến đấu, các máy bay huấn luyện và các camera không gian, các tàu chiến hiện đại, và các thiết bị quân sự cần thiết để bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn và nguồn tài nguyên biển khổng lồ của nước này. Mặc dù danh sách này rất dài nhưng nguồn lực tài chính lại rất hạn chế. Cho đến nay, Chính phủ Philíppin mới phân bổ 40 tỷ peso (952 triệu USD) cho chương trình hiện đại hóa quốc phòng trong vòng 5 năm tới của nước này./.

  Theo Kyodonews

Trần Sơn (gt)