Vào đầu tháng 5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương HD-981 trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp Hoàng Sa ở Biển Đông. Giàn khoan này thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc và được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ Dầu mỏ Trung Quốc. Việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam đã được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Giàn khoan này được hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách  bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Và sự việc này đã dẫn đến những va chạm giữa tàu của Việt Nam và Trung Quốc, cũng như va chạm giữa công dân hai nước ở Việt Nam.

Ngày 15 tháng 7, Trung Quốc đã rút giàn khoan về vùng biển của mình. Tạp chí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC đưa ra tuyên bố rằng "giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp theo đúng kế hoạch vào ngày 15/7, và đã tìm thấy dầu và khí đốt", ám chỉ rằng việc rút giàn khoan này là theo các kế hoạch thương mại chứ không phải do bất cứ sức ép chính trị bên ngoài nào. Thông cáo báo chí còn nói thêm rằng "giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ phụ thuộc vào đánh giá tổng thể các nguồn tài nguyên... dựa trên các dữ liệu địa chất và phân tích thu thập được từ các hoạt động khoan thăm dò". Vì vậy,  mặc dù giàn khoan đã được rút về vùng biển của Trung Quốc sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu, thì vẫn có khả năng cao rằng giàn khoan sẽ quay trở lại vùng biển tranh chấp một lần nữa.

Vụ giàn khoan HD981 đã gợi lên không chỉ các câu hỏi pháp lý về an ninh khu vực và chủ quyền lãnh thổ, mà còn các vấn đề kinh tế chính trị liên quan đến vai trò của các tập đoàn nhà nước trong việc thực thi quyền tài phán quốc gia. Vấn đề này có vẻ ít được thảo luận cho tới thời điểm này.

Do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng về kinh tế, những câu hỏi liên quan đến động cơ chính trị - thay vì là chiến lược kinh doanh - của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đã nảy sinh ở các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Ví dụ, năm 2005, Trung Quốc đã vấp phải "những phản đối chính trị gay gắt" khi cố gắng mua lại công ty dầu khí Unocal của Mỹ, khiến căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai nước. Gần đây tại Úc, trên các phương tiện truyền thông cũng thể hiện sự khó chịu tương tự qua các bài báo có tiêu đề như "Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lén lút đi cửa sau với Hội đồng xét duyệt đầu tư nước ngoài (FIRB)" và "Đừng nhập nhằng động cơ chính trị với các hợp đồng thương mại: FIRB cảnh báo các nhà đầu tư vốn nhà nước của Trung Quốc".

Thêm vào đó, năm 2012 Chính phủ Canada đã điều chỉnh Luật Đầu tư Canada nêu rõ rằng "yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài trình bày rõ trong kế hoạch và công việc của mình, những đặc thù của Tập đoàn vốn nhà nước, cụ thể là những vấn đề mà họ chịu sự chi phối từ quốc gia chủ quản. Các tập đoàn dưới sự sở hữu, kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi chính phủ nước ngoài phải đảm bảo rằng dự án đầu tư của họ hoàn toàn vì mục đích thương mại và không bị ảnh hưởng bởi các động cơ chính trị.

Bằng nhiều cách, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc dường như đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại ở nước ngoài giống như cách mà các công ty phương Tây đã và đang làm. Tuy nhiên, với việc các lãnh đạo điều hành 53 doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất của Trung Quốc, có chức vụ ngang Bộ trưởng và cấp bậc tương đương chủ tịch tỉnh, thì rõ ràng một cổ đông lớn của doanh nghiệp nhà nước sẽ có khả năng chi phối cả chính trị cũng như kinh tế. Sự bất mãn đối với các doanh nghiệp nhà nước không chỉ tồn tại ở nước ngoài mà còn ngay trong nội bộ Trung Quốc, nơi người dân ngày càng quan tâm đến việc các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái đã gây thiệt hại cho khối doanh nghiệp tư nhân. Điều này một phần là do các chính sách cho vay và các khoản vay ưu đãi hầu như chỉ dành ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước.

Cuối tháng 11 năm ngoái trong Đại hội Đảng lần thứ III, Trung Quốc bắn tín hiệu sẽ giảm bớt can thiệp với các tập đoàn vốn nhà nước khi họ tuyên bố thực hiện "cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo hướng thị trường". Tuy nhiên, việc triển khai giàn khoan HD-981 vừa qua dường như đã phản pháo tuyên bố này. Vụ việc này gợi lại nghi ngại rằng có phải Trung Quốc đang sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy chiến lược chính trị của mình, và để đạt được ưu thế trong tranh chấp lãnh thổ.

Một mặt, các hành động của CNOOC và CNPC có thể đã nằm trong kế hoạch theo đuổi các mục tiêu thương mại ở một khu vực giàu tài nguyên (như Biển Đông). Thường thì các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, các tiện ích công cộng, dịch vụ viễn thông và quốc phòng. 

Mặt khác, chắc chắn việc đặt giàn khoan là một sự khẳng định chiến lược, một bước đi mang tính chính trị trong yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay sau khi HD-981 được triển khai, tờ South China Morning Post đưa tin rằng doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã nhận được thông báo tạm thời dừng bất kỳ kế hoạch kinh doanh mới nào tại Việt Nam. Điều này trái với cam kết trước đây của Trung Quốc, và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sử dụng doanh nghiệp nhà nước như những quân cờ chính trị. Giáo sư Michel Henry Bouchet, Trường Kinh doanh Skema ở Pháp, cho rằng Trung Quốc đã chấp nhận rủi ro sẽ phải chịu chỉ trích của khu vực và quốc tế để thử phản ứng của ASEAN và phương Tây về tham vọng địa chính trị của mình. Xét ở góc độ này, “hành vi khiêu khích” của Trung Quốc thách thức không chỉ Việt Nam mà cả các lợi ích địa chính trị của ASEAN và phương Tây.

Tuy nhiên, nếu mục tiêu của Trung Quốc là nhằm kích động các nước láng giềng trong khu vực, thì Úc, quốc gia có lợi ích ở khu vực lại tỏ ra khá rụt rè. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Truyền thông Úc Malcolm Turnbull, nhận định rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc là “thực sự phản tác dụng” khiến các nước Châu Á gần gũi hơn với Mỹ, thì Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Úc đã đưa ra một thông cáo báo chí với ngôn từ khá thận trọng về vụ việc. Tuy bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng", nhưng Chính phủ Úc lại nêu rõ rằng "Úc đứng trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, dẫu cho họ có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải”. Bất chấp sức ép của Mỹ yêu cầu Úc can dự nhiều hơn, tuy nhiên có vẻ như Úc sẽ không làm tổn hại đối tác thương mại 2 chiều rất quan trọng của mình.

Hiện nay Úc đang theo đuổi các hiệp định thương mại song phương trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Việc xoay xở giữa các mối quan hệ này càng trở nên khó khăn hơn kể từ vụ CNOOC. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Úc được cho là thông điệp gửi tới Trung Quốc rằng đừng để các tranh chấp lãnh thổ đe dọa tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực. Thủ tướng Chính phủ Abbott sau đó đã phải cố gắng trấn an Trung Quốc rằng, việc tăng cường quan hệ giữa Úc với Nhật Bản không phải nhằm làm hại Trung Quốc. Nhưng điều này có thể sẽ không thuyết phục được Bắc Kinh. Một bài báo đăng trên Tân Hoa Xã - tờ báo của chính phủ Trung Quốc - đã mô tả Thủ tướng Abbott với những từ như là "kinh khủng và vô cảm" khi ông ca ngợi chiến tranh xâm lược của Nhật Bản.

Cho dù các hành động gần đây của CNPC là do động cơ thương mại hay chính trị, thì những hành động này chắc chắn đã làm trầm trọng những căng thẳng kinh tế và chính trị của khu vực, gây đe dọa không chỉ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo EastAsiaForum

Thu Hương (dịch và gt)