70 năm sau khi quân đội Nhật bị trục xuất khỏi Biển Đông, Nhật Bản đang lặng lẽ trở lai khu vực này, gây dựng liên hệ với Philippines, Việt Nam, hai nước đang tìm cách đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ. Cơ sở hợp tác an ninh của Tokyo là rất rộng: cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam, đồng thời trong mấy tháng tới, Nhật Bản sẽ có cuộc diễn tập quân sự đầu tiên với Philippines. Quân y Nhật thậm chí sẽ tư vấn cho nhân viên tàu ngầm Việt Nam về cách đối phó bệnh giảm áp.

Các quan chức cung cấp thông tin hỗ trợ trên của Nhật Bản cho biết thêm, Nhật Bản thực hiện hỗ trợ theo cách nâng cấp từng bước. Manila và Hà nội là hai bên dễ nảy sinh tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong khi đó Nhật Bản cũng đang có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về vấn đề quyền sở hữu một số hòn đảo không người tại Hoa Đông. Thủ tướng Abe hy vọng nới lỏng ràng buộc hiến pháp hòa bình, phối hợp với chiến lược “tái cân bằng Châu Á” của Washington. Chuyên gia an ninh khu vực Ian Storey cho rằng “Xu thế này ngày càng rõ rệt, cho dù Trung Quốc theo dõi sát, nhưng Nhật Bản sẽ không lùi bước”.

Trong Thế chiến II, Hải quân Nhật đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với vị trí trung tâm Biển Đông để làm căn cứ cho các tàu ngầm. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh quá trình xây dựng các hòn đảo nhân tạo từ các rạn san hô và đảo ngầm ở quần đảo Trường Sa là nhằm để mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng hải quân và không quân trong tương lai. Một số chuyên gia tin rằng những hòn đảo mới này còn sẽ giúp Trung Quốc tạo ra Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Đông, tuy nhiên Chính phủ Bắc Kinh từ chối xác nhận thông tin trên.

Trung Quốc từng bị các nước Nhật, Mỹ và Australia lên án về việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông năm 2013, tuy nhiên sự việc lại không đơn giản như vậy đối với các nước nhỏ tại khu vực Đông Nam Á. Theo một chuyên gia hoạch định chính sách cao cấp của Nhật: “Một ADIZ tại Biển Đông sẽ là một thảm họa. Nó sẽ hạn chế nghiêm trọng các hoạt động hàng không và hàng hải tại khu vực”.

Đối với Philippines, Nhật Bản cung cấp và sẽ giao 10 tàu tuần tra cho nước này vào cuối năm 2015 và có thể còn hỗ trợ tài chính cho dự án cải tạo cơ sở hạ tầng căn cứ quân sự Philippines tại đảo Palawan, đây là đảo chính gần Trường Sa nhất. Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines Patila đã bày tỏ hoan nghên Nhật Bản tham gia và cho rằng “Nhật Bản và Philippines liên hợp hỗ trợ bảo vệ đường hàng hải là lẽ tự nhiên”.

Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani cho biết Nhật Bản có thể cần “đánh giá lại” chính sách không cử máy bay tuần tra tại Biển Đông. Tuy nói vậy nhưng ít ra về mặt hành động, Nhật Bản vẫn chưa đi quá xa. Đến nay, Chính phủ Việt Nam chưa có bình luận đối với sự trợ giúp của Nhật Bản, bao gồm việc cung cấp 6 tàu tuần tra cũ, tư vấn về đối phó với giảm áp cho nhân viên tàu ngầm.

TheoThe Canberra Times

Trần Quang (gt)