daniel_hertzberg_us_china_merger_905.png

 

Dư luận có thể sắp biết được câu trả lời khi Ngoại trưởng Tillerson chuẩn bị tới thăm Tokyo, Seoul và Bắc Kinh trong tuần này, vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích cho rằng khu vực Đông Bắc Á đang ở trong một bối cảnh ngoại giao cực kỳ phức tạp, ngày càng bất ổn và nguy hiểm.

Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề Nhật Bản và Hàn Quốc tại Quỹ Di sản ở Washington, nhận xét: “Ở mỗi chặng dừng chân, ông (Tillerson) sẽ thấy hàng "núi" quan ngại về một danh sách dài dằng dặc những thách thức trong việc duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á. Danh sách này bắt đầu với việc Triều Tiên đang ra dốc sức tìm cách chĩa vũ khí hạt nhân vào Mỹ, trong khi các nước đồng minh của Mỹ đang ngày càng lo ngại về năng lực của Washington sau nhiều năm cắt giảm ngân sách quốc phòng. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng James Matttis chọn khu vực này là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình và ngay sau đó đến lượt ông Tillerson”.

Trong khi sự nhạy bén về chính sách ngoại giao của ông Tillerson đang được kiểm chứng thì các nước chủ nhà - đặc biệt là Trung Quốc - có thể còn chú ý tới một điểm mà họ cho là còn quan trọng hơn cả thành công của ông trong vai trò nhà ngoại giao, đó là ông được tân Tổng thống Mỹ lắng nghe tới mức nào? David Lampton, Giám đốc ngành Trung Quốc học thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins tại Washington, nói: “Tại mỗi điểm dừng chân, khi ông Tillerson gặp gỡ các đồng minh hay Trung Quốc, họ sẽ đều đặt câu hỏi liệu những gì ông nói có 'trọng lượng' ở Nhà Trắng hay không”. Đây không phải là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tillerson với tư cách Ngoại trưởng Mỹ. Ông đã có chuyến thăm ngắn (và hầu như không được chú ý) tới Đức và cả Mexico trong tháng trước, song chuyến công du 3 nước châu Á lần này có thể được coi là chuyến "thử lửa" đầu tiên của ông.

Hệ thống phòng thủ tên lửa khiến Trung Quốc tức giận

Vốn lo ngại trước việc Triều Tiên gia tăng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khu vực này càng thêm lo lắng khi Triều Tiên ngày 5/3 đã phóng bốn quả tên lửa tới Biển Nhật Bản nằm trong vùng 200 hải lý của Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng vụ phóng thử này thực chất là một vụ tấn công vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Mỹ có hơn 50.000 quân đóng tại 7 căn cứ khác nhau ở Nhật Bản.

Giống như trước đây, Trung Quốc đã lên án vụ phóng tên lửa này, song đồng thời Bắc Kinh cũng tức giận trước việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Mỹ cho rằng việc triển khai này đơn thuần là nhằm bảo vệ Hàn Quốc và binh lính Mỹ ở nước này trước khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên, song chính phủ Trung Quốc cáo buộc hệ thống này cũng nhằm cả tới việc chống lại các tên lửa của Trung Quốc.

Trung Quốc mới đây đã phát tín hiệu có các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì những hành vi gây hấn, ví dụ như ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên đến hết năm 2017. Tuy nhiên, hiện giờ, Bắc Kinh nói bóng gió rằng nước này có thể sẽ lại cân nhắc tới việc hợp tác với Triều Tiên do Mỹ triển khai THAAD, và hiện đã có những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc.

Ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang gây áp lực để tăng chi tiêu quốc phòng - một động thái khiến cả Bắc Kinh và Seoul không thể ngồi yên bởi cả hai lo ngại trước một Nhật Bản quyết đoán hơn về quân sự.

Còn Hàn Quốc, trong bối cảnh rối loạn chính trị liên quan tới vụ Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất, lo ngại trước các hoạt động của Triều Tiên và rất hoan ngênh việc triển khai THAAD. Tuy nhiên, nước này cũng quan ngại rằng việc triển khai THAAD có thể làm đảo lộn quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của mình.

Ông Tillerton có quan hệ mật thiết với ông Trump?

Ông Tillerson sẽ phải đối mặt với các vấn đề trên trong chuyến thăm ba nước châu Á. Tuy nhiên, một số chuyên gia khu vực cho rằng, theo cách nhìn của các nước chủ nhà, có lẽ câu hỏi lớn nhất không phải về Triều Tiên hay quan hệ khu vực, mà là vấn đề vị tân Ngoại trưởng này đứng ở vị trí nào trong hệ thống chính sách ngoại giao của chính quyền ông Trump. Tiến sĩ Lampton ở trường Johns Hopkins nói: “Họ sẽ đánh giá nhân vật mới này, người không có kinh nghiệm ngoại giao nhiều như một ngoại trưởng Mỹ thường có. Song điều họ muốn đánh giá nhất là: ông Tillerson gần gũi tới mức nào với Tổng thống? Chỗ đứng của ông là ở đâu trong quy trình ra quyết định của một vị lãnh đạo "đồng bóng" mà họ biết là chỉ nghe lời khuyên của một vài người xung quanh chứ không nghe những người khác?”.

Vì lẽ đó, những dấu hiệu ban đầu đã có vẻ không thuận lợi cho ông Tillerson. Có ít bằng chứng cho thấy vị Ngoại trưởng này đã thâm nhập được vào một nhóm nội bộ do nhà chiến lược chính trị Steve Bannon và con rể ông Trump là Jared Kusher chi phối.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ lạc quan hơn về chuyến thăm của ông Tillerson, phần lớn là bởi những phát biểu trấn an mới đây của ông Trump đã xoa dịu những quan ngại rằng Mỹ sẽ giảm bớt sự hỗ trợ. Chuyên gia Klingner nói: “Một vài điều mà ông Trump và ông Tillerson nói về sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các đồng minh châu Á đã xoa dịu những quan ngại sâu sắc về những gì mà ông Trump đã phát biểu khi tranh cử”. Khi là ứng cử viên, ông Trump đã đề nghị các nước đồng minh nơi quân đội Mỹ đóng quân cần phải chi thêm tiền, nếu không sẽ rút bớt quân Mỹ, và ông còn nói rằng đã tới lúc Nhật Bản và Hàn Quốc nên ra khỏi cái ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ và tự kiếm vũ khí hạt nhân của riêng mình. Ông Klingner cho rằng với những phát biểu mới đây của Tổng thống Trump, “tôi có thể nói những quan ngại sâu sắc đã hết, song vẫn còn chút lo lắng”.

Sự cần thiết phải xóa bỏ những nghi ngại

Ông Klingner cho rằng ông Tillerson nên thể hiện một quan điểm kiên định ở cả ba nước ông sẽ tới thăm: Ông nên nói rõ rằng Mỹ dự định tiếp tục đẩy mạnh áp lực về tài chính và các áp lực khác đối với Triều Tiên do nước này liên tục thử vũ khí, và ông nên nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa cho Hàn Quốc không phải là nhằm vào Trung Quốc, và hệ thống này chắc chắn sẽ được triển khai. Ông Tillerson cũng nên giải tỏa các nghi ngại lâu nay của Tokyo và Seoul về sự hỗ trợ của Mỹ, và ông nên đảm bảo với cả hai đồng minh rằng Mỹ sẵn sàng cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Ông Lampton cho rằng Bắc Kinh sẽ không bỏ rơi Triều Tiên, và ông Tillerson không nên kỳ vọng sẽ có bất kỳ đột phá nào từ phía Trung Quốc. Ông Lampton nói: “Bất cứ điều gì làm thay đổi hành vi của Triều Tiên đều có thể nằm ngoài những gì mà Bắc Kinh muốn làm”. Ông nói thêm, bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ muốn đánh giá vị thế quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông Tillerson với ông Trump trước khi họ làm một điều gì đó có ý nghĩa với ông. Ông Lampton nói: “Ở Trung Quốc, chính trị không được thể chế hóa mà là cá nhân hóa, và người Trung Quốc quen đánh giá quan hệ của một lãnh đạo tối cao với các thuộc cấp, xem ai có ảnh hưởng, ai không, để rồi hành động cho phù hợp. Vấn đề với ông Tillerson là thay vì tạo quyền lực cho ông, thì Tổng thống lại phá”.

Theo trang Csmonitor

Vũ Hiền (gt)