Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã so sánh các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Crimea giống như hành động của Đức Quốc xã thôn tính Tiệp Khắc trước đây vào năm 1938. Đầu tháng 3/2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng có sự tương đồng giữa việc Đức Quốc xã thôn tính các vùng lãnh thổ hồi thập niên 1930 với tình hình ở Crimea. Rõ ràng năm 2014 là một năm quan trọng khi đúng 100 năm trước, một trong những trải nghiệm đau thương nhất lịch sử nhân loại - Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đã nổ ra. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 9 triệu binh lính, và là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Nó làm nảy sinh các cuộc cách mạng chính trị, đặt nền tảng cho sự sụp đổ thực sự của hệ thống đế quốc châu Âu.

Tuy nhiên, năm 2014 thậm chí còn đáng chú ý hơn, bởi có thể lịch sử sẽ lặp lại trong năm nay. Hồi đầu năm, một số học giả đã đặt câu hỏi rằng liệu căng thẳng hiện nay ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật trên biển Hoa Đông, có thể tương đồng với những cuộc khủng hoảng khác nhau nổi lên hồi năm 1914 và dẫn đến chiến tranh thế giới đầu tiên hay không. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng dẫn sự tương đồng giữa quan hệ Trung-Nhật hiện nay với quan hệ Anh-Đức vốn dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Ai cũng đoán được người mà ông Abe cho rằng sẽ đóng vai trò của Kaiser Wilhem và Đế chế Đức.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài quan hệ Trung-Nhật và biển Hoa Đông, việc sử dụng (hoặc lạm dụng) phép loại suy lịch sử đã lan sang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chẳng hạn như Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hồi đầu năm đã so sánh hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông với việc Đức Quốc xã thôn tính Tiệp Khắc trước đây. "Thời báo New York" ngày 4/2 dẫn lời Tổng thống Aquino nói: "Nếu chúng ta giờ đây nói 'Có' với thứ mà chúng ta tin là sai, điều gì đảm bảo rằng cái sai đó sẽ không tiếp tục trầm trọng hơn... Ở thời điểm nào bạn sẽ nói: ‘Đã đủ rồi?’ Vâng, thế giới cần phải lên tiếng. Hãy nhớ lại chuyện Sudetenland đã bị ‘thí’ nhằm làm hài lòng Hitler để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra".

Phép loại suy dĩ nhiên không phải mới mẻ, bởi các nhà hoạch định chính sách thường xuyên đưa ra phép loại suy, dù có ý thức hay không. Họ thường xuyên nhắc đến Munich, Triều Tiên, hay Việt Nam, để giúp họ vừa hiểu được cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vừa sử dụng chúng để thu hút dư luận.

Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo sử dụng phép loại suy lịch sử để hiểu một tình huống đang diễn ra tiềm ẩn một số nguy cơ. Như nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng Robert Kaplan đã viết trên báo "Bưu điện Washington", "Loại suy lịch sử là hữu ích cho việc phác thảo định hướng. Song, sẽ là nguy hiểm khi đi quá xa; bởi mỗi tình huống đều có đặc điểm riêng, hoàn toàn độc đáo... các chính khách lớn ... sẽ tận dụng những cơ hội độc đáo đó, ngay cả khi họ nhận thức được sự tương đồng mơ hồ với quá khứ". 

Đây chính là nguy cơ tiềm tàng của phép loại suy lịch sử. Mỗi tình huống thực sự là vô cùng riêng biệt, chứa trong nó một tập hợp các điều kiện, cả gần lẫn xa, mà không thể được tái lặp hoàn toàn trong không gian và thời gian địa chính trị. Chẳng hạn như có một số điểm tương đồng giữa hành động của Nga ở Crimea và việc Hitler thôn tính Sudetenland năm 1938. Tổng thống Putin đã nói về các cộng đồng thiểu số người Nga ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Song, Hitler có một tầm nhìn địa chính trị - sự thống trị châu Âu - và tái thống nhất các dân tộc nói tiếng Đức chỉ đơn thuần là phương tiện để ông ta có thể có được lễ mixa cần thiết nhằm đạt các mục tiêu địa chính trị cuối cùng. 

Tổng thống Putin dường như muốn đưa nước Nga trở lại vị thế trung tâm trong chính trường quốc tế, điều Liên Xô trước đây đã có trong phần lớn thời đại hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, nó không có nghĩa Putin tìm cách khôi phục "đế chế" Liên Xô trước đây. Nó cũng không có nghĩa Putin tìm cách thiết lập một nước Nga thống trị vùng đất Á-Âu rộng lớn, ngay cả khi một trong những nhà sáng lập thuyết địa chính trị và địa chiến lược, Halford Mackinder, thừa nhận luận điểm rằng bất cứ ai thống trị vùng đất Á-Âu, sẽ thống trị thế giới - trong bài viết "Xoay trục địa chính trị của lịch sử" năm 1904.

Vậy ý nghĩa của việc sử dụng (thậm chí là lạm dụng) phép loại suy lịch sử là gì? Trong các trường hợp kể trên, các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng dùng phép loại suy lịch sử để thu hút dư luận, cả trong và ngoài nước. Như khi Tổng thống Aquino nói: "Vâng, thế giới phải lên tiếng", rõ ràng ông tìm cách thu hút dư luận khu vực ủng hộ quan điểm của Philippines, bất kể đúng sai, về tranh chấp đang diễn ra. Thủ tướng Abe cũng gần như chắc chắn muốn tìm cách nhận được sự ủng hộ dư luận khu vực, dù đúng hay sai. Khi các nhà hoạch định chính sách sử dụng phép loại suy lịch sử để hiểu về các vấn đề đang diễn ra, họ cần nhận thức về những hạn chế cố hữu của nó. Tuy nhiên, khi họ dùng phép loại suy hòng thu hút sự ủng hộ của dư luận, người dân cần phải ý thức rằng những hành động như vậy sẽ dễ gây bất hòa và bị lạm dụng.

Phó Giáo sư Bernard Fook Weng Loo thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Singapore

Thuỳ Anh (gt)