Một số nước lớn ở Đông Nam Á đã mua sắm thêm trang thiết bị quân sự, đặc biệt là tàu ngầm, để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Số nước khác lại âm thầm tiến gần hơn với Mỹ. Đổi lại, Trung Quốc lặng lẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao quân sự, nhấn mạnh dự định hòa bình của họ.


Tuy nhiên, sự thật là Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự với quy mô lớn. Bắc Kinh đã phát triển mạng lưới rađa trong toàn khu vực vì muốn chứng tỏ họ đã sẵn sàng cho việc thể hiện sự hiện diện của mình; biểu dương lực lượng qua các cuộc tập trận của hải quân và không quân tại Đông Á. Các hạm đội Đông Hải và Bắc Hải đã vượt qua ranh giới các đảo ngoài khơi của Nhật Bản, tiến hành tập trận tại phía Đông Đài Loan - vốn là vùng hoạt động mạnh của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc trong hàng thập kỷ qua. Hạm đội Bắc Hải trong một hành động triển khai hiếm thấy đã xuống phía
Nam, vào khu vực đang tranh chấp ở Trường Sa thuộc biển Đông (biển Nam Trung Hoa).


Các cuộc tập trận của Bắc Kinh, với qui mô ngày càng lớn, đã thể hiện rằng ít nhất là PLA đã từ “phòng ngự bờ biển chủ động”, lên khả năng tác chiến ở đại dương rộng lớn. Trong khi hải quân PLA thể hiện mức độ tiến xa của họ, như cách thức triển khai tàu chiến, tàu ngầm và trình diễn các loại máy bay, trong đó có máy bay gây nhiễu sóng rađa,... nó cũng bộc lộ những việc họ cần phải học hỏi thêm. Một tùy viên quân sự châu Á cho rằng các cuộc tập trận này là rất ấn tượng, nhưng đối với PLA, đây vẫn là giai đoạn thử nghiệm và vấn đề chỉ huy-điều khiển trong việc triển khai qui mô lớn là một vấn đề hết sức phức tạp.


Theo học giả chuyên về an ninh khu vực, Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Xinhgapo, tuyên bố về hành vi ứng xử ở biển Đông được ký giữa Trung Quốc và ASEAN đã kêu gọi các nước tự nguyện phác thảo các kế hoạch tập trận trước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hoặc các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở khu vực này thực hiện cam kết này và rằng chúng ta có thể còn chứng kiến nhiều cuộc tập trận qui mô lớn hơn ở khu vực trong tương lai. Đối với Trung Quốc, các cuộc tập trận được sử dụng để đáp ứng một số nhu cầu. Đó không phải là sự cần thiết phải tiến hành tập trận, mà là việc thực hiện chủ quyền và sự hiện diện của họ trên toàn khu vực Đông Á.