Mối quan hệ song phương với Việt Nam đang phát triển thành mối quan hệ đối tác mới nổi quan trọng. Mối quan hệ này dựa trên lợi ích chung về một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng. Các nỗ lực của Mỹ tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế thị trường thuận lợi cho đầu tư và xuất khẩu của Mỹ; thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; tăng cường tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo, quản trị tốt và pháp quyền; thúc đẩy phúc lợi và sức khỏe con người.

Quan hệ song phương đã có những bước đi dài sau khi bình thường hóa năm 1995. 18 năm trước đây, thương mại hai chiều với Việt Nam chỉ là 450 triệu USD; sau khi ký hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ kinh tế hai nước đã cất cánh. Hiện nay thương mại hai chiều là 25 tỷ USD; đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là hơn 10 tỷ USD. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo, đặc biệt là trong 2 thập kỷ qua. Sự can dự kinh tế của Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.

Một trong những trọng tâm trong hợp tác kinh tế là TPP, một hiệp định thương mại tự do khu vực sẽ giúp hội nhập Việt Nam với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc hoàn tất hiệp định này là một thách thức, nhưng lợi ích sẽ rất đáng kể. Các phân tích sơ bộ cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Mỹ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề đầu tư và thương mại trong đàm phán TPP.

Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong các vấn đề khu vực đã đi vào chiều sâu đáng kể. Sau khi đảm nhận rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã củng cố vị thế là một nước lãnh đạo trong khu vực. Mỹ và Việt Nam đã cùng làm việc trong ASEAN và trong các diễn đàn đa phương để khuyến khích các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải, trợ giúp nhân đạo... Mỹ ủng hộ nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN khác trong đàm phán với Trung Quốc về COC và giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển. Mỹ ủng hộ các nỗ lực khu vực quản lý các tranh chấp này mà không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép. Mỹ cũng hợp tác thúc đẩy phát triển hạ nguồn sông Mekong thông qua LMI.

Mỹ và Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam và Mỹ có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đánh giá cao cam kết không phổ biến vũ khí của Việt Nam. Việt Nam nằm trên tuyến đường biển quan trọng, Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để tăng cường khả năng giám sát biển và củng cố lực lượng cảnh sát biển để Việt Nam có thể trở thành đối tác hiệu quả hơn trong việc chống buôn bán ma túy, cướp biển... Mỹ cũng đang tăng cường giao lưu quân sự với Việt Nam và tiến hành đào tạo chung trong lĩnh vực tìm kiếm và cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai. Mỹ hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình lần đầu tiên vào năm 2014. Năm 2007, Mỹ đã sửa đổi lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, cho phép bán trang thiết bị quân sự không sát thương cho Việt Nam theo từng trường hợp.

Mỹ cũng đang hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại. Kể từ 1998, với sự ủng hộ của QH Mỹ, BNG đã hỗ trợ 35 triệu USD để giúp dọn các vật liệu nổ và hỗ trợ cho các chương rình giúp các nạn nhân của bom mìn thông qua đào tạo nghề, cung cấp chân tay giả và các trợ giúp khác. Tháng 8/2012, USAID đã bắt đầu tiến hành dự án tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng, một trong những dự án tẩy độc tốn kém và phức tạp nhất Mỹ từng thực hiện. Mỹ hy vọng là trong tương lai gần, Mỹ có thể hợp tác cùng Việt Nam để đẩy lùi các vấn đề chất độc da cam lại phía sau.

Quan hệ hướng về phía trước với Việt Nam thể hiện rõ nhất trong quan hệ giao lưu nhân dân ngày càng nở rộ. Mỹ tin tưởng việc xây dựng các mối liên hệ này thông qua các cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa và quan hệ giáo dục giúp thúc đẩy quan hệ đối tác mở rộng với Việt Nam. Hiện có hơn 15.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng thứ 8 trong các nước có sinh viên tại Mỹ và tăng rất nhiều so với con số 800 sinh viên năm 1995.

Vấn đề nhân quyền được phản ánh trong mọi khía cạnh tiếp cận chính sách và can dự của Mỹ với Việt Nam. Mỹ tin là sự tôn trọng nhân quyền sẽ giúp bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị và cho phép củng cố hơn quan hệ song phương. Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam và có chương trình nghị sự lớn với Việt Nam bao gồm thúc đẩy tự do thương mại và cải cách kinh tế, xây dựng hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, tiếp tục giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, củng cố các mối liên hệ về giáo dục và văn hóa.

 

Theo House Committee on Foreign Affairs

 Trần Quang (gt)