20120519231031_tau.jpg

 

Trong thời đại của chúng ta, Đông Nam Á đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc. Các tòa nhà chọc trời và hợp tác ASEAN sâu rộng hiện nay là những hình ảnh của một khu vực từng bị bao vây bởi xung đột. Trong khi phần lớn thế giới đang nỗ lực phát triển kinh tế, khu vực Đông Nam Á vẫn đóng vai trò là một động lực, được thúc đẩy bởi dân số trẻ, được giáo dục tốt hơn, kết nối tốt hơn và can dự mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những tiến bộ bền vững và đáng chú ý này không thể có nếu sự ổn định khu vực không được được bảo đảm bởi một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Các quy tắc áp dụng công bằng đối với tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, không chỉ là vấn đề về sự công bằng. Các nguyên tắc còn tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư bằng cách đảm bảo một sân chơi bình đẳng và hấp dẫn các nhà đầu tư. Các quy tắc giúp giải quyết các xung đột tiềm tàng.

Hiện nay, những nguyên tắc và sự ổn định khu vực đang phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng về tranh chấp trên Biển Đông, châm ngòi cho những căng thẳng gia tăng không có lợi cho bất cứ bên nào. Trong bối cảnh đó, cách thức cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức này sẽ có những tác động kể đến hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á.

Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi yêu sách của họ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng quốc gia yêu sách nên giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các cơ chế pháp lý có sẵn, và từ bỏ những hành động đơn phương và gây bất ổn.

Trong thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến hoạt động đơn phương bồi đắp ​​ quy mô lớn ở Biển Đông chưa từng có tiền lệ. Kết quả của các hoạt động này là thiệt hại rất lớn về môi trường cũng như đối với các rạn san hô. Ngoài ra cũng có các cơ sở quân sự được xây dựng, và một quốc gia đang áp đặt quyền kiểm soát đối với các vùng biển và không phận quốc tế. Các nước trong khu vực đang ngày càng quan ngại hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng có thể biến các nỗ lực ngoại giao trở thành vô nghĩa.

Tại sao Mỹ quan tâm? Giống như Thái Lan, chúng tôi không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và muốn duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các bên tranh chấp. Nhưng cũng giống Thái Lan, chúng tôi cũng có lợi ích lớn về kinh tế trong việc duy trì tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia. Một nửa hoạt động thương mại của thế giới, khoảng 5,3 nghìn tỷ USD, đi qua Biển Đông hàng năm. Là một nước xuất khẩu gạo, xe hơi, và nhiều sản phẩm khác, và quốc gia biển với một đội tàu đánh cá lớn, Thái Lan có lợi ích lớn trong vùng biển này.

Về cơ bản, như Thái Lan, chúng tôi có sự quan tâm sâu sắc đến việc giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một hệ thống dựa trên các hiệp định quốc tế, tự nguyện tuân thủ, đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có cho tất cả các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bảy thập kỷ qua. Luật pháp phải là nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ quốc tế. Một trật tự dựa trên các quy tắc đặt ra giới hạn cho những quốc gia mạnh và tạo không gian cho những quốc gia nhỏ hơn. Nó bảo đảm sự công bằng và khả năng có thể đoán biết, hai điều kiện tiên quyết cho sự ổn định. Duy trì một hệ thống như vậy là lợi ích của tất cả chúng ta.

Trong thời gian ngắn sắp tới, Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Công ước Luật Biển, mà cả Philippines và Trung Quốc tham gia ký kết, tuyên bố rõ ràng rằng quyết định tòa án là "cuối cùng và phải được tuân thủ bởi tất cả các bên tranh chấp". Điều này đúng cho dù một bên tẩy chay thủ tục tố tụng. Tòa án đã xem xét vấn đề thẩm quyền, xem xét lập luận của hai bên, và nhất trí xác định rằng phát quyết - bất cứ như thế nào - sẽ mang tính ràng buộc cả hai bên. Các vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ kiện không ảnh hưởng đến khả năng tuyên bố yêu sách các thực thể, song có thể làm rõ các quyền hợp pháp của các nước yêu sách đối với vùng biển xung quanh những thực thể đó. Do đó, phán quyết có thể thu hẹp đáng kể khu vực địa lý vùng biển đang có tranh chấp, có thể giúp giảm căng thẳng leo thang.

Phán quyết sắp tới của Tòa đưa ra cho tất cả chúng ta một sự lựa chọn: Lên tiếng ủng hộ các nguyên tắc của pháp luật, hoặc giữ im lặng và chứng kiến khu vực này chuyển từ một hệ thống đã đem lại nhiều lợi ích cho các nước thành một nơi mà "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Thất bại trong việc hỗ trợ các cơ chế pháp lý quốc tế có thể khuyến khích các hành vi tiếp tục gây bất ổn hơn nữa, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các khu vực khác. Vấn đề quản lý sông Mekong là một ví dụ. Việc giải quyết bất đồng dựa trên các thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả những thỏa thuận điều chỉnh thương mại và đầu tư, cũng có thể bị tác động. Khi luật pháp quốc tế suy yếu, rủi ro gia tăng, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và xung đột có nguy cơ gia tăng.

Chúng ta đều có trách nhiệm hỗ trợ hệ thống các quy tắc đã mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Hiện nay, sự ổn định và thịnh vượng đó đang bị đe dọa ở Biển Đông./.

Bài viết của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Glyn T Davies đăng trên tờ “The Nation”.

Anh Thư (gt)