Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, phản ứng của phương Tây đối với việc Trung Quốc áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông là yếu ớt và do dự. Trước chuyến công du chính thức Nhật Bản và Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng Mỹ "quan ngại sâu sắc" về các hành động của Trung Quốc, nhưng lại không yêu cầu Bắc Kinh tự thay đổi quyết định của họ.

Trước sự thất vọng của Nhật Bản, quốc gia đang tuyên bố kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp, các hãng hàng không của Mỹ cũng nhanh chóng thừa nhận yêu cầu của Trung Quốc về việc phải thông báo với Bắc Kinh trước khi bay qua không phận đang tranh chấp. Mỹ rõ ràng đang tìm cách tháo gỡ căng thẳng, nhưng từ một thế yếu, bởi vì một chính quyền đang bị bao vây từ tất cả các mặt trận trong nước khó có thể phô trương sức mạnh ở nước ngoài. 

Tương tự, tận chín ngày sau khi cuộc khủng hoảng trên bắt đầu, Ngoại trưởng Canada John Baird mới lên tiếng bày tỏ sự "quan ngại" của ông đối với vấn đề này và kêu gọi cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản kiềm chế. Giống như hầu hết các nước phương Tây khác, trong đó nhiều nước đã chọn cách im lặng, Canada đang có những khoản đặt cược kinh tế lớn trong quan hệ với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, phát biểu của ông Baird còn mạnh hơn phản ứng của Anh, khi Thủ tướng David Cameron thậm chí còn không chính thức nêu vấn đề này ra trong chuyến công du tuần trước của ông tới Bắc Kinh. Mục tiêu của ông Cameron là huy động thương mại và đầu tư của Trung Quốc cho nền kinh tế yếu kém của Anh và thúc đẩy cho một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU). Sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Cameron đã tuyên bố Trung Quốc là người bạn tốt nhất của Anh và thúc giục các trường học Anh nên bắt đầu dạy tiếng Hoa.

Việc Paris, Berlin hay Brussels bắt chước London là không có gì đáng ngạc nhiên. Thực tế là không có quốc gia nào thực sự muốn gây sự với Trung Quốc trong những ngày này. Trung Quốc đang một lần nữa chứng tỏ các hành động của họ khó lường một cách nguy hiểm. Trái với những hy vọng ban đầu rằng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tránh được những sai lầm của những người tiền nhiệm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đang "nhe nanh, múa vuốt". Bắc Kinh không chỉ khẳng định chủ quyền đối với các không phận, mà còn sử dụng hải quân và các đội tàu đánh cá để khẳng định quyền kiểm soát đối với các đảo san hô và đảo đá tại những vùng biển mà họ đang muốn tuyên bố là của họ.

Điều mỉa mai là Trung Quốc đang mong muốn trở thành một thành viên nghiêm túc và xây dựng của nền kinh tế toàn cầu thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quan hệ thương mại và đầu tư với các nước khác. Trung Quốc cũng rất mong muốn giành được sự tôn trọng mà họ xứng đáng được hưởng như một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tôn trọng xuất phát từ việc "chơi theo luật" chứ không phải vi phạm chúng.

Hiện không phải là lúc cho phương Tây dao động. Phương Tây nên đưa ra một thông điệp chắc chắn và rõ ràng với Bắc Kinh rằng chỉ có một cách để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ thông qua các cơ cấu luật pháp và tư pháp quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc đang hành động ngang ngược như hiện nay bởi vì họ cho rằng phương Tây đang như "rắn mất đầu" và chia rẽ.

Theo iPolitics

Trần Quang (gt)