Tin từ Bộ Quốc phòng (Ấn Độ) ngày 14/9 cho biết một phái đoàn quân sự cấp cao Ấn Độ do Thư ký Bộ Quốc phòng Shashi Kant Sharma dẫn đầu đã đến Việt Nam thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Đây là một phần của biện pháp tổng thể mà Việt Nam và Ấn Độ áp dụng để đối phó với hành động chiến lược mà Trung Quốc thực thi trong phạm vi rộng hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nguồn tin trên cho biết kế hoạch huấn luyện cho sĩ quan binh sĩ hải quân Việt Nam trên tàu của trường tàu ngầm hải quân Ấn Độ Visakhapatnam sẽ là một vấn đề quan trọng trong các cuộc thảo luận gặp gỡ ở Hà Nội. Trong một tuyên bố với lời lẽ cứng rắn, Niu Đêlii cho biết “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và quyền tự do đi lại đã được luật quốc tế công nhận trong khu vực biển quốc tế, trong đó có Biển Đông”. 

Theo mạng Nhân dân, tại buổi họp báo ngày 15/9 một phóng viên hỏi “có tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đã không đáp lại khi Trung Quốc đề cập đến việc công ty Ấn Độ hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở Biển Đông, đề nghị phía Trung Quốc chứng thực. Ngoài ra có phải chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết: “Tôi chưa nghe nói tình hình như bạn vừa nói. Tuy nhiên tôi xin nhắc lại, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận của quần đảo này, Trung Quốc cũng có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý trong chủ trương của mình ở Biển Đông. Chúng tôi nhất quán cố gắng thông qua đàm phán và hiệp thương với nước đương sự giải quyết tranh chấp chủ quyền và lợi ích biển ở Biển Đông bằng phương thức hòa bình, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật quốc tế, và đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ hòa bình ổn định, an ninh trật tự ở khu vực Nam Biển Đông. Chúng tôi hy vọng nước hữu quan tôn trọng chủ trương, lập trường và lợi ích của Trung Quốc, không đơn phương áp dụng bất cứ hành động nào làm mở rộng và phức tạp hóa vấn đề. Nước ngoài khu vực cần tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Chúng tôi nhất quán phản đối bất cứ nước nào khác tiến hành thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc, hy vọng công ty nước hữu quan không cuốn vào vòng tranh chấp ở Biển Đông. Tôi muốn nhấn mạnh giải quyết ổn thỏa tranh chấp, thu hẹp bất đồng, tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau, mở rộng hợp tác, bảo vệ hòa bình ổn định khu vực Biển Đông là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực, cũng cần phải là phương hướng nỗ lực chung của các nước khu vực. 

Chủ quyền, quyền lợi và chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, hơn nữa đã luôn được Chính phủ Trung Quốc duy trì. Chủ quyền của chúng tôi đối với các đảo ở Biển Đông được xác lập trên cơ sở phát hiện, chiếm giữ trước và quản lý liên tục, lâu dài và hữu hiệu. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển không quy định cho bất cứ nước nào được mở rộng chủ trương về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình ra đến quyền lợi của nước khác trên lãnh thổ quốc gia của họ, cũng không hạn chế hoặc phủ định quyền lợi của một nước được hình thành và duy trì liên tục trong lịch sử”. 

Báo chí Ấn Độ cho biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ tỏ ra không quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc, tuyên bố “phản ứng của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý”. Trước đây, Việt Nam đã hợp tác với công ty dầu mỏ của nước ngoài khu vực khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng đây hoàn toàn không đơn giản chỉ là khai thác dầu khí mà là sự thách thức nghiêm trọng về chính trị và an ninh. Cả Việt Nam và công ty nước ngoài đều biết rõ như vậy nhưng đều giả bộ ngây thơ trước dư luận. Khi Trung Quốc tăng cường phản đối và áp dụng các biện pháp gây sức ép khác, mức độ thành công của họ đã giảm đi rõ rệt. 

Trước việc Công ty Ấn Độ bước vào “vũng bùn nhơ” ở Biển Đông lần này, Trung Quốc cần ngăn chặn bằng thái độ kiên quyết. Trước hết chúng ta có thể lấy lý đối xử với họ, nếu Ấn Độ chỉ cố ý thừa nhận “lý” của họ, Trung Quốc sẽ phải huy động đến nguồn lực ngoại giao khác, thậm chí cả nguồn lực ngoài ngoại giao để làm cho Ấn Độ tỉnh ngộ. Ấn Độ luôn tự coi mình là nước lớn, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh và sự nhờ cậy chiến lược của phương Tây đối với họ đã khiến cho dã tâm của nước này lớn thêm. Ở trong nước (Ấn Độ) có người đã coi việc “dây máu ăn phần” ở Biển Đông là lá bài trong hành động cân bằng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đây là thứ tư tưởng rất không hữu hảo. Biển Đông là vùng biển bán khép kín, tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng, hoàn toàn khác với tính chất mở của Ấn Độ Dương. Hành động “hợp tác khai thác” của Ấn Độ và Việt Nam có thể xem là một lần thăm dò của Ấn Độ đối với ý chí của Trung Quốc, dường như họ muốn có được ảnh hưởng giống như Mỹ ở khu vực Đông Nam Á và ở Nam Hải. 

Va chạm hiện hữu ở khu vực Biển Đông cần phải do Trung Quốc và nước hữu quan cùng giải quyết cho xong, nhưng đối với nước mới ở ngoài khu vực nhảy vào chen chân, Trung Quốc phải toàn lực đối đầu đẩy nước đó ra. Nếu cách làm như vậy gây nên tổn thất, căng thẳng nào đó, nước liên quan ở trong và ngoài khu vực không rút đi thì họ sẽ đều phải chịu đựng biến cố với Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc kiên trì bình tĩnh lại thì sức chịu đựng của Trung Quốc sẽ cao hơn bất cứ nước nào khác. Trong những phiền phức lớn của Trung Quốc thì Ấn Độ là bên tham gia trực tiếp vào vấn đề Đạtlai Lạtma, xã hội Trung Quốc từ trước đến nay luôn phẫn nộ và bất bình. Nếu Ấn Độ đi quá giới hạn, trái với thông thường trong vấn đề Biển Đông thì Niu Đêli cần phải tính lại cho cẩn thận xem từ Casơmia cho đến bang ở phía Bắc sẽ có bao nhiêu điểm thật tiện lợi cho Trung Quốc thể hiện sự bất bình đối với họ. 

Trung Quốc rất quý trọng quan hệ hữu nghị với Ấn Độ nhưng dư luận Ấn Độ tuyệt đối đừng hiểu lầm cho rằng Trung Quốc coi trọng quan hệ hữu nghị với Ấn Độ là phải bằng mọi giá. Đối với “Liên minh ý thức hệ” giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia mà dư luận báo chí Ấn Độ luôn đề cập đến, Trung Quốc sẽ chỉ dùng đến chút ít trong lợi ích quốc gia để đề phòng chứ sẽ không đem lãnh thổ của mình ở Biển Đông ra để trao đổi. Nguyện vọng của Trung Quốc về trỗi dậy hòa bình là thành thực nhưng như vậy không có nghĩa là từ bỏ vũ khí lợi hại, mà khi cần phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, buộc phải sử dụng các biện pháp khác thì Trung Quốc quyết không từ bỏ quyền được sử dụng những biện pháp đó. Bởi Trung Quốc “hòa bình” đã lâu nên có phải thế giới bên ngoài đã thực sự nghi ngờ về giới hạn cuối cùng của Trung Quốc? Những giới hạn này của Trung Quốc ở đâu, bên ngoài lại càng thường xuyên không thấy rõ. Sự nghi hoặc tương tự như vậy thậm chí ngay ở trong nước Trung Quốc cũng có. Trung Quốc cần phải tô rõ thêm những điểm tới hạn này. 

Các cơ quan quyết sách của Trung Quốc cần phải rõ rằng nếu nghĩ Trung Quốc không xảy ra bất cứ va chạm nào với bên ngoài là có thể phục hưng thì xác xuất như vậy rất thấp. Chúng ta tuyệt đối không thể để cho bên ngoài có ấn tượng là Trung Quốc chỉ chuyên tâm phát triển kinh tế, cũng không nên chạy theo danh tiếng Trung Quốc là “nước lớn hòa bình” mà ngược lại, như vậy là Trung Quốc đã để mất đi môi trường lớn cho phát triển hòa bình. Trung Quốc cần phải là một nước lớn có nguyên tắc, đồng thời cũng phải làm cho bên ngoài thấy rõ được rằng Trung Quốc là một trong các quốc gia có tiềm lực chiến lược lớn nhất thế giới, sau khi đã tạo ra được ý chí chính trị thì khả năng thực hiện ý chí đó của Trung Quốc là hiếm có trên thế giới. 

Trung Quốc cũng cần phải biểu hiện ra rằng làm việc có hạn độ, đối với bất cứ việc gì mức độ phát huy sức mạnh của chúng ta không xuất phát từ suy nghĩ nông nổi nhất thời, cũng không vì chúng ta có “bị chọc giận” hay không? Làm được như vậy không dễ, cả Mỹ và Nga cũng có lúc làm theo cảm tính. Tuy nhiên môi trường chiến lược của Trung Quốc phức tạp hơn các nước đó. Tính chất phức tạp như vậy cần phải tạo nên cho Trung Quốc sự ổn định vững chắc, trong ngoài thống nhất. Ai gây chuyện với Trung Quốc kẻ đó sẽ phải trả giá, nhưng nếu họ thay đổi thái độ, Trung Quốc cũng không từ chối làm bạn trở lại với họ. 

  Theo Báo “Tin tức tham khảo” (ngày 16/9)

 Mỹ Anh (gt)