Tân Hoa xã ngày 23/7 đưa tin, trả lời câu hỏi Trung Quốc có phản ứng gì về việc Ngoại trưởng Philippines tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ngày 23/7 đã chỉ trích Trung Quốc về vấn đề “Biển Đông”, NFN của Đoàn Trung Quốc tại Bali, Indonesia trả lời: “NT Dương Khiết Trì tại Hội nghị đã nêu rõ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Sự thực đã chứng minh, những lời lẽ liên quan của phía Philippines hoàn toàn không có đạo lý, chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm. Được biết, rất nhiều đại biểu tại Hội nghị cho rằng, những lời lẽ như vậy không mang tính xây dựng, không có lợi cho giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Theo Tân Hoa xã, NT Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tham dự Hội nghị ARF-18 và phát biểu bày tỏ, mấy chục năm qua, khu vực CA - TBD về tổng thể luôn giữ tình hình hoà bình, ổn định, kinh tế khu vực liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, hợp tác khu vực phát triển nhộn nhịp, các cơ chế ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh lẫn nhau cùng tiến bước; nhưng đồng thời cũng tồn tại các nhân tố bất ổn định, bao gồm tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Thông qua đối thoại và đàm phán giải quyết bất đồng, thông qua hợp tác ứng phó với thách thức chung là nhận thức chung của các quốc gia trong khu vực. Chương trình nghị sự quan trọng nhất của khu vực CA - TBD hiện nay vẫn là phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Các bên cần lấy việc duy trì hoà bình, ổn định khu vực làm xuất phát điểm, đưa vào thực tiễn quan điểm an ninh mới, tin tưởng lẫn nhau chứ không phải nghi ngờ nhau, cùng hợp tác chứ không đối kháng nhau, giải quyết tranh chấp giữa các nước bằng phương thức hoà bình, cùng duy trì hoà bình và ổn định khu vực CA - TBD. Trung Quốc sẽ kiên trì đi con đường phát triển hoà bình, thực hiện chiến lược mở cửa cùng có lợi và cùng thắng; kiên trì chính sách láng giềng hữu nghị, thân thiện với láng giềng, lấy láng giềng làm bạn; triển khai hợp tác với tất cả các nước trong khu vực CA - TBD trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, cùng xây dựng môi trường khu vực hoà bình ổn định, bình đẳng tin tưởng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng.

Đối với việc một số nước nêu vấn đề “Biển Đông” tại Hội nghị, Dương Khiết Trì bày tỏ, “Biển Đông” tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo và tranh chấp phân định một số vùng biển, đây là sự thực. Tranh chấp cần do các nước liên quan trực tiếp thông qua bàn bạc hữu nghị, hoà bình giải quyết. Các kênh đối thoại và hiệp thương giữa các nước liên quan trực tiếp vẫn thông suốt. Tình hình “Biển Đông” về tổng thể là hoà bình và ổn định, đây cũng là sự thực. Xử lý thoả đáng tranh chấp, nỗ lực thu hẹp bất đồng, không ngừng tăng cường lòng tin, tích cực mở rộng hợp tác, duy trì đại cục hoà bình, ổn định là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực, cũng là phương hướng mà các nước cần cùng nỗ lực. “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC” mà Trung Quốc và ASEAN vừa thông qua là thành quả tích cực và nỗ lực chung của các bên. Tầm quan trọng của tự do và an toàn hàng hải ở “Biển Đông” không nói cũng rõ. Tranh chấp và tự do hàng hải ở “Biển Đông” là hai vấn đề thuộc phạm trù khác nhau. Là tuyến đường biển quốc tế, hàng hải ở “Biển Đông” là tự do và an toàn, các nước trong và ngoài khu vực đều được hưởng lợi. Tự do và an toàn hàng hải ở “Biển Đông” đối với châu Á và các nước xung quanh là rất quan trọng. Phía Trung Quốc và các bên liên quan đã không ngừng nỗ lực vì điều đó. Tự do hàng hải ở “Biển Đông” hiện nay không và tương lai cũng sẽ không cho phép bị cản trở.

Tin tức tham khảo dẫn nguồn Thời báo tự do của ĐL ngày 21/7 đăng bài Quân đội cho biết sẽ không cùng Đại lục hợp tác bảo vệ Trường Sa với nội dung chính sau: Chính quyền Trung Quốc khi bàn về vấn đề Biển Đông đã nhiều lần kêu gọi hai bờ cùng hợp tác đối ngoại, thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng trợ giúp khi quân đội ĐL trên đảo Thái Bình yêu cầu. Thứ trưởng “Bộ Quốc Phòng” ĐL Dương Niệm Tổ ngày 19/7 bày tỏ quyết tâm của ĐL về việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa không hề lung lay, song sẽ không hợp tác cùng với ĐCS về vấn đề này. Ông cũng cho biết đơn vị tuần tra trên biển đã thay quân đội lục chiến nắm giữ đảo Thái Bình; đồng thời nhấn mạnh ĐL tuy không có những hành động khuếch trương nhưng sẽ thông qua sức mạnh mềm và sức mạnh cứng bảo vệ môi trường sinh thái quần đảo Trường Sa và an ning xung quanh và tin rằng các nước láng giềng đều có thể thấy quyết tâm này của ĐL. Ngoài ra, trong Sách trắng Quốc phòng ĐL 2011 cũng bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền Trường Sa.

Nhân dân nhật báo ngày 22/7 đăng bài: “Hướng gió trên đảo Bali còn phải đợi quan sát” của phóng viên bản báo Đinh Cương và Kí Bồi Quyên. Nội dung như sau: Tổng Thư ký ASEAN Surin trong trả lời phỏng vấn của phóng viên Nhân dân nhật báo cho biết, ngày 21/7 tại Bali, Inđônêsia, Hội nghị NT ASEAN - Trung Quốc đã thông qua “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC” (Quy tắc) đạt được tại Hội nghị SOM, điều này có ý nghĩa to lớn. Bản hướng dẫn đã thể hiện tinh thần hợp tác, đồng thời thể hiện ước muốn chung giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, đặt nền tảng hợp tác cho 2 bên trong 10 năm tới. Surin bày tỏ, tranh chấp lãnh thổ phải thông qua trao đổi song phương và hiệp thương giải quyết, bản thân ASEAN không phải một bên trong tranh chấp, song ASEAN vô cùng mong muốn chứng kiến tranh chấp được giải quyết hòa bình.

Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn từ BNG Trung Quốc cho rằng, nội dung cốt lõi của “Quy tắc” là thúc đẩy hợp tác thực chất, trong đó nội dung mới đạt được đã mở rộng từ 3 lĩnh vực hợp tác lên 6 lĩnh vực.

Giới phân tích cho rằng, giải quyết hòa bình vấn đề “Biển Đông” chỉ có thể dễ trước khó sau. Trong môi trường lớn hiện nay, đạt được một “Bộ quy tắc ứng xử” mang tính quy phạm hay tính ràng buộc mà thiếu cơ sở hiện thực, nếu vội vàng thúc đẩy thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử” này, tất sẽ dẫn đến mâu thuẫn mới, thậm chí gây bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ ASEAN. Vì vậy, phía Trung Quốc không muốn nhấn mạnh “Bộ quy tắc ứng xử” gì đó, mà mong muốn cùng với các bên thảo luận thúc đẩy hợp tác như thế nào, trước hết phải xây dựng một khung hợp tác sơ bộ, phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực.

Việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về “Quy tắc” lần này đã cho thấy mong muốn tốt đẹp trong nội bộ ASEAN về hy vọng thúc đẩy hợp tác khu vực, đây là bước mở đầu rất tốt. Đại đa số các nước ASEAN đều mong muốn giải quyết vấn đề, không hy vọng một số nước thành viên nào đưa vấn đề “Biển Đông” tồn tại với Trung Quốc trói buộc với toàn bộ ASEAN. Một quan chức tham dự Hội nghị khi trả lời Nhân dân Nhật báo cảm thấy rất hài lòng về tiến triển đàm phán.

Theo Nhân dân nhật báo, thời gian vừa qua, sở dĩ tiến trình đàm phán liên quan bị chậm lại, có một nguyên nhân chính là một số nước luôn muốn quốc tế hóa vấn đề “Biển Đông”, hoặc hy vọng lôi kéo Mỹ, Nhật Bản cùng tham gia, hoặc mong muốn ASEAN là một khối đàm phán với Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Nhân dân nhật báo, trong kiến nghị ban đầu mà ASEAN đưa ra, có phương án nội bộ ASEAN sẽ tiến hành thảo luận trước cuộc gặp giữa ASEAN với Trung Quốc, nội dung này cuối cũng đã bị loại bỏ. Được biết, phương án này cũng là do một số nước ra sức thúc đẩy đề nghị kể từ sau khởi động cuộc họp của Nhóm công tác. Trong khi đó, chủ trương của Trung Quốc về vấn đề “Biển Đông” luôn rõ ràng, tức là các bên tranh chấp thông qua đàm phán song phương hiệp thương hòa bình giải quyết tranh chấp “Biển Đông”, không cần can thiệp của nước khác.

NT Philippine ngày 19/7 phát biểu sau phiên họp kín của NT các nước ASEAN, cho rằng ASEAN phải đoàn kết lại, cùng nhau chất vấn lý do Trung Quốc đưa ra yêu cầu về lãnh thổ. Phía Philippines đã đưa ra một Thỏa thuận gồm 10 điểm kiến nghị, nói rằng “Các nước ASEAN có chủ quyền đối với một số đảo ở Biển Đông cần bắt tay nhau để biến Biển Đông đầy tranh chấp thành vùng biển hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác”.

Văn kiện được đưa ra sau Hội nghị NT ASEAN ngày 19/7 nói rằng, ASEAN đồng ý tháng 9 tới sẽ cử các chuyên gia luật biển đến Philippines để nghiên cứu vấn đề liên quan, căn cứ tình hình sẽ trình báo cáo lên Hội nghị NT ASEAN tổ chức vào cuối năm nay.

Giới phân tích cho rằng, Philippines làm như vậy có hai mục đích: một là có ý đồ biến vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN thành vấn đề giữa Trung Quốc và toàn khối ASEAN; hai là lấy danh nghĩa hòa bình để thực hiện chiếm đóng hợp pháp các đảo tranh chấp ở “Biển Đông”.

Mặc dù “Quy tắc” đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng theo tin tức các bên tiết lộ cho biết, văn bản này không đề cập đến các vấn đề gai góc như khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp. Có thể thấy, việc đạt được “Quy tắc” vừa có lợi cho thúc đẩy hợp tác, nhưng đồng thời cũng không thể lạc quan về tính phức tạp của đàm phán tiếp theo.


Hoàng Minh (Tổng Hợp)