Theo AP, ngày 7/6, Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario cho biết vụ chạm tráng gần đây nhất giữa Philippine và Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng nhất cho nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ôn hòa kể từ năm 1995, khi Trung Quốc dùng vũ lực kiểm soát đảo Vành Khăn (Mischief Reef) mà Philippine xem là có chủ quyền.

Chính phủ Manila tuyên bố là có đủ tài liệu cho thấy từ tháng 2/2011 đến nay, Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào vùng chủ quyền của Philippine. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 25/2, khi một hải thuyền Trung Quốc rượt đuổi ngư dân Philippine ra khỏi vùng đảo san hô Jackson.

Theo tường thuật của báo chí Philippine, Ngoại trưởng Philippine thúc giục các quốc gia trong vùng đang tranh chấp khu vực giàu tài nguyên dầu khí này, hãy gia nhập Bộ luật quốc tế ngăn ngừa xung đột vũ trang và thúc đẩy các giải pháp giải quyết tranh chấp.

Theo Manila thì cần một Bộ luật quốc tế bảo đảm cho mỗi quốc gia liên quan một tiếng nói bình đẳng, bất kể sức mạnh kinh tế và quân sự đến đâu và ngăn cấm mọi hành động vô luật pháp, ỷ mạnh hiếp yếu, lấn chiếm biển đảo bằng vũ lực. Hiện nay các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có một thỏa thuận không trói buộc gọi là Quy tắc ứng xử tại Biển Đông được các bên ký kết vào năm 2002. Văn kiện này kêu gọi các nước đang tranh chấp biển đảo phải tự kềm chế và không đánh chiếm thêm mục tiêu. Philippine lên án Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận này.

Cũng trong ngày 7/6, báo chí Philippine trích lời quan chức nước này nói rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ “là đảm bảo an toàn” cho vùng biển có tranh chấp. Bộ trưởng quốc phòng Philipine, ông Voltaire Gazmin nói Mỹ “có quyền lợi trong việc duy trì ổn định, an ninh và tự do tại tuyến hằng hải bận rộn thứ nhì thế giới”. Ông cũng cho rằng sự có mặt của Mỹ có tác dụng răn đe mọi hành động bất hợp pháp ở vùng biển này.

Trong khi đó, mạng Hoàn cầu ngày 7/6 dẫn lại bài viết của Nhật báo Philippine ngày 6/6, cho rằng nhà cầm quyền Philippine cần nghe theo ý kiến của cựu Tổng thống Philipine về việc nước này cần có cách nhìn nhận thực tế hơn, “nếu Philipine không thể thắng nổi Trung Quốc về mặt quân sự thì nên đứng về phía Trung Quốc”. Đây là chủ trương của cựu Tổng thống Philipine Ramos theo đó Philippine không nên “đối kháng” lại với Trung Quốc và cho rằng thời đại của chiến tranh lạnh đã qua, không nên coi Trung Quốc là đối thủ mà nên coi là đối tác kinh tế. Bài báo cũng phản đối việc Philippine mua vũ khí của Mỹ để “ứng phó” với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông, cho rằng thay vì như vậy chính phủ Philippine cần tập trung cải thiện các vấn đề về giáo dục và y tế, hoặc nếu có mua vũ khí thì cũng chỉ nhằm đối phó với các phần tử phản loạn, khủng bố.

Nguyễn Tiến (Tổng Hợp)