Theo báo "Sankei", ba nghị sĩ đối lập thuộc “Ủy ban Đặc biệt về Đối sách Bảo vệ quần đảo Dokdo” ngày 24/ 5 đã tới thăm đảo Kunashiri, một trong 4 hòn đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga. Đây là lần đầu tiên các nghị sĩ Hàn Quốc thăm vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đang tranh chấp với Nga.

Ủy ban trên thuộc Quốc hội Hàn Quốc và đang triển khai hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima). Trước khi xuất phát, các nghị sĩ Hàn Quốc cho biết mục đích chuyến thăm là thị sát tình hình quản lý khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu hải dương ở vùng biển xung quanh quần đảo Takeshima, và phản đối mạnh mẽ nội dung sách giáo khoa trung học của Nhật Bản nhằm thể hiện chủ quyền đối với quần đảo này. Với chuyến thăm đảo Kunashiri lần này, các nghị sĩ Hàn Quốc còn nhằm mục đích nhấn mạnh với phía Nhật Bản rằng họ đang kiểm soát trên thực tế quần đảo Takeshima và muốn làm “rung động” Chính phủ Nhật Bản.

Theo các nguồn tin, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Đối sách Bảo vệ quần đảo Dokdo đã kêu gọi các thành viên tích cực tham gia chuyến thăm, nhưng cuối cùng chỉ có ba nghị sĩ hưởng ứng. Như vậy, Chính phủ Hàn Quốc có thể nói rằng đây là hành động của các nghị sĩ đối lập, không liên quan gì đến Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, một khi các nghị sĩ Hàn Quốc đã xin thị thực thăm đảo từ phía Nga, có nghĩa là họ đã công nhận quyền kiểm soát lãnh thổ phương Bắc của Nga. Việc này sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến quan hệ Nhật - Hàn.

Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Masatosshi Muto đã gửi kháng nghị tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng "đây là hành động làm tổn thương tình cảm của người dân Nhật Bản" và "rất lấy làm tiếc" về hành động này.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto ngày 24/5 đã chỉ trích chuyến thăm của các nghị sĩ Hàn Quốc, tuyên bố hành động tuân thủ quyền kiểm soát của Nga đối với hòn đảo này là không thể chấp nhận được. Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc ngày 20/5, ông Matsumoto đã tỏ ý lấy làm tiếc nếu chuyến thăm này được thực hiện. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã trả lời rằng Chính phủ Hàn Quốc không liên quan đến chuyến thăm này.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã nói rõ “muốn áp dụng biện pháp đối phó thích đáng”. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc ngày 22/5, Thủ tướng Kan đã không nhắc tới chuyện này mặc dù ông biết rõ kế hoạch thăm đảo Kunashiri của các nghị sĩ Hàn Quốc.

Sau khi Tổng thống Nga D. Medvedev thăm vùng lãnh thổ phương Bắc hồi tháng 11/2010, Nga đã thể hiện rõ phương châm phối hợp với Trung Quốc và Hàn Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Trong thời gian tới, có thể dự đoán khả năng Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc trong vấn đề này.
Phía Nga dường như coi chuyến thăm đảo Kunashiri của các nghị sĩ Hàn Quốc là thành công nhất định trong việc tạo ấn tượng về sự “hợp tác Nga - Hàn” chống lại Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần, phía Nga đã ngừng các chuyến thăm của các yếu nhân tới vùng lãnh thổ phương bắc, nhưng ngày 15/5, Phó Thủ tướng Nga Ivanov đã thăm đảo Kunashiri và Etorofu và có thể nói đây là dấu hiệu cho thấy Nga tiếp tục chính sách cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G-8 vào ngày 27/5, dự kiến sẽ có cuộc gặp giữa Thủ tướng Kan và Tổng thống Nga Medvedev. Tuy nhiên, ông Matsumoto đã tránh trả lời rõ liệu vấn đề trên có được nêu lên trong cuộc gặp này hay không.

Theo báo "Sankei", kịch bản tồi tệ nhất đối với Nhật Bản là tình trạng các nước láng giềng tăng cường mạng lưới bao vây chống Nhật bằng cách gắn vấn đề lãnh thổ với hợp tác kinh tế.


 

Theo Sankei

Anh Tuấn (gt)