Ngày 17/12, Nhật Bản đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới và kế hoạch phát triển quân sự trong 5 năm tới, chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn các bước đi hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam và Philippines (16,17/12) tuyên bố hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á này 156 triệu USD trong vòng hai năm tới để bảo vệ lãnh hải của mình.

Các tài liệu mới công bố của Nhật Bản cho thấy một bước chuyển về nguồn lực nhằm bảo vệ sườn phía Nam của nước này trước mối đe dọa Trung Quốc. Mặc dù không tăng quân số nhưng phần lớn lực lượng sẽ được huấn luyện, trang bị và bố trí để có thể đối phó với các thách thức xung quanh Okinawa và quần đảo Senkaku đang tranh chấp. Nhật Bản sẽ thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ giống như Thủy quân Lục chiến Mỹ, được trang bị máy bay không người lái, xe lội nước và máy bay lên thẳng. 

Tokyo cũng sẽ tăng 5% chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới, tương đương 12 tỷ USD. Đây chỉ là con số nhỏ so với chi tiêu quân sự hàng năm của Trung Quốc, có thể lên tới 200 tỷ USD. Ngân sách quân sự chính thức của Bắc Kinh, ước tính chỉ bằng 1/2 tới 2/3 chi tiêu thực, đã tăng hơn 10% kể từ năm 2010. Trong cùng giai đoạn, chi tiêu quân sự của Nhật Bản không thay đổi, ở mức 46 tỷ USD. Nhật Bản có đủ khả năng để chi tiêu thêm nếu nước này muốn. Trung Quốc có thể đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Tokyo có lợi thế hơn về năng lực sản xuất và công nghệ. 

Theo "Nhật báo phố Wall", thay vì cố gắng bảo đảm với Nhật Bản rằng Trung Quốc không phải là kẻ thù của nước này thì Bắc Kinh lại đe dọa Tokyo tại vùng lãnh thổ tranh chấp. Việc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới đây bao trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã kích động công chúng Nhật Bản ủng hộ việc tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/12 vẫn chỉ trích chủ nghĩa quân sự hóa đang hồi sinh của Nhật Bản khi nói rằng "các quốc gia châu Á và cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, không thể làm gì khác ngoài việc theo dõi sát sao và đề cao cảnh giác trước các động thái của Nhật Bản". 

Các quốc gia còn lại ở châu Á có vẻ như đang đồng lòng với Nhật Bản bất chấp những ký ức về Thế chiến II. Kể cả Hàn Quốc cũng tham gia tập trận chung với Nhật Bản hồi tuần trước ở trong vùng phòng không mới của Trung Quốc. Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra một tuyên bố chung hôm 14/12 khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải. 

Bắc Kinh đã tiếp tục cho thấy ý đồ hạn chế tự do hàng hải của mình khi một tàu hải quân của nước này đã dừng đột ngột trước mũi tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ hồi tuần trước, suýt gây ra một vụ va chạm. Sự việc xảy ra tại Biển Đông, nơi mà các tàu quân sự của Trung Quốc đã từng khiêu khích tàu USNS Impeccable của Mỹ năm 2009 và một máy bay phản lực của Trung Quốc đã va chạm với máy bay do thám không vũ trang của Mỹ năm 2001. 

Sự trỗi dậy của một cường quốc thường ẩn chứa nhiều nguy hiểm, giống như những gì mà thế giới đã học được từ sự trỗi dậy của Đức những năm trước Thế chiến I. "Nhật báo phố Wall" kết luận rằng thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc có vẻ như chưa nhận thức rõ về vấn đề lịch sử này và thiếu nhận thức về việc các hành động hiếu chiến của họ có thể khiến các nước láng giềng đoàn kết lại với nhau để đối phó. Họ nên sớm nhận thức được vấn đề. 

Theo Wall Street Journal

Thùy Anh (gt)