9h sáng ngày 9/5/2012, các quan chức của chính phủ Trung Quốc đã có mặt tại trụ sở của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) để chào mừng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào hoạt động, đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi nước sâu được sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Các vị khách được mời tới lễ ra mắt là đại diện của Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc, Tổng công ty đóng tàu Waiqiao tại Thượng Hải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao Thông và Vận tải, Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Lao Động, Cục Quản lý Đại dương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan, Cục Thuế Nhà nước, Cục Quản lý Năng lượng quốc gia và các lực lượng vũ trang. Phó Giám đốc của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản thuộc Quốc vụ viện là người đã đọc phát biểu chúc mừng từ ông Lý Khắc Cường - người khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc (China Offshore Oil News, 11/5/2012).

Sự hiện diện của nhiều quan chức chính phủ trong sự kiện đánh dấu hoạt động đầu tiên của giàn khoan HD-981 2 năm về trước cho thấy tầm quan trọng chính trị của giàn khoan này. Giàn khoan HD-981 là một phần trong Chương trình 863 của Trung Quốc, đây là một sáng kiến được triển khai vào tháng 3/1986 nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật giữa Trung Quốc và các nước có nền kinh tế phát triển của thế giới (Ministry of Science and Technology, 21/9/2010). Các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước, đã có những sự hỗ trợ đáng kể cho chương trình HD-981 (China Radio Network Online, 26/2/2010). Giàn khoan HD-981 cũng giúp Trung Quốc có năng lực độc lập trong việc tiến hành khoan dầu và khí đốt ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông, nơi mà những công ty nước ngoài thường không muốn dính líu tới. Với bước đột phá công nghệ này của Trung Quốc, các nhà phân tích rất muốn kiểm chứng liệu giàn khoan HD-981, bên cạnh ý nghĩa là một khoản đầu tư kinh doanh, có phải là một con bài chính trị của Trung Quốc hay không (ví dụ, xem Reuters, 21/6/2012; Bloomberg, 10/5/2012).

Hai năm sau, chúng ta đã có câu trả lời. Vào ngày 2/5, giàn khoan HD-981 đã được hạ đặt tại khu vực cách đảo Tri Tôn 17 dặm về phía nam. Đảo Tri Tôn là thực thể nằm về phía Tây Nam của Quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Việt Nam 120 dặm. Vị trí này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các nhà phân tích đều diễn giải hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng biển tranh chấp tại Biển Đông là một bước đi gây thêm căng thẳng về vấn đề chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng. Rõ ràng, việc hạ đặt giàn khoan HD-981 là động thái nằm trong chuỗi những hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định sự kiểm soát tại khu vực.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa kinh doanh và chính sách đối ngoại luôn là một mối quan hệ hai chiều, và động thái lần này của Trung Quốc cũng không đi chệch khỏi mục tiêu kinh doanh trong dài hạn của các công ty dầu khí quốc doanh (NOC) của Trung Quốc. Chúng ta không biết giàn khoan HD-981 nằm dưới sự diều hành của NOC nào cũng như vai trò của công ty này đến đâu trong hoạt động của giàn khoan HD-981 tại vùng biển tranh chấp. Giàn khoan HD-981 thuộc về CNOOC và được vận hành bởi công ty con của nó, Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), khách hành của công ty này bao gồm cả các công ty dầu khí khác của Trung Quốc. Ngay cả trong trường hợp NOC thuê giàn khoan HD-981 bị buộc phải hành động như một công cụ của chính sách quốc gia, thì đây cũng vẫn là cơ hội dành cho NOC này cũng như cho cá nhân Giám đốc điều hành (CEO) của họ.

Những động cơ địa chính trị rõ ràng

Chúng ta có lý do để tin rằng việc hạ đặt giàn khoan HD-981 là nhằm mục đích chính trị. Thứ nhất, động thái này phù hợp với một loạt những hành động mà Trung Quốc thực hiện trong những năm qua nhằm khẳng định quyền tại phán của họ đối với các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Những hành động này bao gồm:

·         Một tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của PetroVietnam (5/2011);

·         Sau cuộc đối đầu giữa tàu chiến Philippines và các tàu đánh cá thương mại của Trung Quốc, các tàu Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough, một thực thể đảo không có người ở mà cả Trung Quốc và Philippines đều yêu sách chủ quyền;

·         CNOOC mời thầu các công ty nước ngoài các lô dầu khí mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền;

·         Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thiết lập đơn vị đồn trú quân sự trên cái gọi là “Thành phố Tam Sa” tại Biển Đông (7/2012);

·         Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của mình, ASEAN không thể ra được bản tuyên bố chung bởi sự tác động từ phía Trung Quốc, nước đã tận dụng sự bất đồng giữa các thành viên ASEAN về các vụ việc tại Biển Đông (7/2012);

·         Tỉnh Hải Nam thông qua các quy định mới, cho phép các đơn vị cảnh sát khám xét, lên tàu và trục xuất các tàu nước ngoài tại vùng biển xung quanh các thực thể đảo mà Trung Quốc kiểm soát hoặc yêu sách chủ quyền (12/2012);

·         Bộ Công an phát hành hộ chiếu có bản đồ mô tả Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc (12/2012);

·         Các tàu Trung Quốc tuần tra xung quanh Bãi Cỏ Mây, khu vực mà Philippines tuyên bố nằm trong thềm lục địa của nước này (từ tháng 5/2013);

·         Chính quyền Hải Nam đưa ra các quy định đánh bắt cá bổ sung, trong đó tuyên bố quản lý hơn một nửa Biển Đông (11/2013).

Thứ hai, động thái này cũng phù hợp với những tuyên bố của cơ quan chủ quản và cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng giàn khoan HD-981 – CNOOC – rằng giàn khoan này là một công cụ chính trị. Chủ tịch CNOOC Wang Yilin đã công khai mô tả giàn khoan HD-981 như là “lãnh thổ di động” và là một “vũ khí chiến lược” để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (Securities Times, 9/5/2012). Các phát biểu của ông cũng lặp lại những gì mà người tiền nhiệm, ông Fu Chengyu (hiện nay là Chủ tịch Sinopec), người trước đó đã mô tả công cụ giàn khoan nước sâu như là “lãnh thổ di động” vào năm 2010 (Xinhua, 11/5/2010). Tương tự, Công ty đóng tàu Waigaoqiao tại Thượng Hải cũng nói rằng giàn khoan HD-981 có tầm quan trọng chiến lược trong việc cải thiện vị thế Trung Quốc trong các tranh chấp biển (Economic Observer, 4/6/2011).

Thứ ba, có thể nói cách duy nhất để thu được lợi nhuận từ khu vực khí đốt tự nhiên khổng lồ tại vùng biển nơi giàn khoan HD-981 đang hoạt động đó là đặt ống dẫu dầu khí từ đó về tới đảo Hải Nam, động thái chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phản đối. Cho dù Bắc Kinh có nói đó chỉ là một hoạt động thương mại bình thường đi chăng nữa, tuy nhiên, hành động lắp đặt đường ống dẫn dầu cũng đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện những cơ sở hạ tầng kiên cố của Trung Quốc tại Biển Đông, điều này cũng phù hợp với những động thái đã được đề cập tới ở trên nhằm từng bước tăng cường quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. (Trên lý thuyết, xây dựng một đường ống dẫn dầu tới Việt Nam cũng là một sự lựa chọn, tuy nhiên nhiều khả năng phía Việt Nam sẽ không mua nguồn dầu khí được bơm từ một công ty Trung Quốc trong vùng biển mà họ tuyên bố là của mình).

Thứ tư, chính phủ Trung Quốc chắc chắn đã hỗ trợ việc triển khai giàn khoan HD-981. Các NOC của Trung Quốc cần có sự cho phép của Bộ Ngoại giao – kể cả các lãnh đạo cấp cao – để hoạt động tại vùng biển tranh chấp (Phỏng vấn, Washington D.C., 5/6). Hai báo cáo gần đây của giới truyền thông khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc đã tham gia vào việc quyết định vị trí hạ đặt giàn khoan HD-981. Báo Asahi của Nhật cho biết “vào đầu năm nay, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đưa ra quyết định về việc tiến hành khoan dầu tại Biển Đông, bất chấp các hậu quả ngoại giao có thể có” (Asahi, 30/5). Trong khi đó, tờ International Oil Daily cho biết rằng một quan chức cấp cao của CNOOC đã nói “Bắc Kinh yêu cầu giàn khoan HD-981 phải di chuyển tới khu vực mà cả Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền để khoan dầu cho CNPC [Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia]” (International Oil Daily, 2/6).

Các ưu đãi doanh nghiệp có thể có 

Cho dù chúng ta có thể kết luận rằng chính phủ Trung Quốc đã đứng đằng sau việc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển tranh chấp, tuy nhiên điều chưa rõ ràng ở đây là NOC nào của Trung Quốc đã thuê COSL tiến hành khoan dầu tại đây và động cơ của hành động này là gì. Không thể có chuyện việc triển khai giàn khoan HD-981 được thực hiện hoàn toàn bởi các quan chức chính phủ. CEO của công ty thuê giàn khoan HD-981, xuất phát từ lợi ích cá nhân và lợi ích doanh nghiệp, có khả năng đã chỉ đạo công ty của mình tiến hành hoạt động tại khu vực tranh chấp. Chính phủ Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp dầu khí của nước này chưa chính thức công bố danh tính của NOC đã thuê giàn khoan HD-981 để tiến hành khoan dầu tại Quần đảo Hoàng Sa. Nhiều nhà phân tích đã cho rằng đó chính là CNOOC bởi họ cũng chính là đơn vị sở hữu HD-981 và có vai trò lớn trong việc vận hành giàn khoan này. Tuy nhiên, phát ngôn chính thức của CNOOC cho thấy cũng có khả năng HD-981 hoạt động dưới sự chỉ đạo của CNPC: công ty con của CNPC – PetroChina - có giấy phép thăm dò khu vực có diện tích 42 triệu hécta tại Biển Đông, nơi mà đơn vị này đã bắt đầu khai thác kể từ năm 2010 (PetroChina, Form 20-F, 25/4/2013, 25/6/2010 và 26/5/2009).

Cả hai công ty này đều có lý do để tiến hành hoạt động tại khu vực biển có tranh chấp. Thứ nhất, CNOOC, đơn vị thống lĩnh ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc trong vòng 30 năm qua, từ trước đến nay luôn tham vọng đạt được khả năng độc lập khai thác vùng biển nước sâu tại Biển Đông. Việc phát hiện lô dầu khí thiên nhiên Liwan 3-1 vào năm 2006 bởi công ty con của CNOOC - CNOOC Ltd. - và Husky Energy là sự khởi đầu cho chương trình thăm dò nước sâu của CNOOC (Beijing News, 29/10/2012). Phát hiện này trùng thời điểm với kế hoạch xây dựng các tàu nước sâu của CNOOC, trong đó có giàn khoan HD-981 (Beijing News, 29/10/2012). Điều này chắc chắn cũng giúp Trung Quốc quyết tâm hơn với kế hoạch đầy tham vọng của mình. Một lý do khác đó là tại thời điểm đó chưa có nhiều các giàn khoan nước sâu (Shenzhen Daily, 7/7/2006). Dù cho có gặp một số kết quả đáng thất vọng từ lần thăm dò nước sâu gần đây, tuy nhiên CNOOC Ltd. vẫn coi khu vực nước sâu tại Biển Đông là một mục tiêu quan trọng phục vụ cho việc tăng trưởng trong tương lai (CNOOC Ltd., Annual Report 2012, tr. 8). Tương tự, mối quan tâm của PetroChina dành cho Biển Đông ít nhất đã có từ năm 2004, thời điểm công ty này nộp đơn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường xin thăm dò và xin cấp phép sản xuất tại khu vực phía nam của Biển Đông. (PetroChina, Form 20-F, 28/6/2004). Thứ hai, so với chính phủ Trung Quốc, các NOC của nước này dường như quan tâm hơn tới việc hoạt động tại khu vực biển có tranh chấp. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối yêu cầu thực hiện các hoạt động khảo sát địa vật lý tại khu vực nước sâu tại Biển Đông của CNOOC vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước (Energy of China, 9/2012). Cũng có thông tin nói rằng Bắc Kinh đã gây sức ép lên PetroChina, buộc công ty này phải hủy bỏ kế hoạch thăm dò tại khu vực biển tranh chấp tại Quần đảo Trường Sa nhằm tránh xảy ra sự cố ngoại giao trước thềm Olympic Bắc Kinh (International Oil Daily, 9/5; Economic Observer, 4/6/2011); PetroChina cũng đã ký thỏa thuận thuê một trong số những giàn khoan nước sâu của Transocecanto từ tháng 4 tới tháng 6/2008 (Bloomberg, 6/6/2007; Upstream Online, 4/4/2007).

Thứ ba, CEO của công ty thuê giàn khoan HD-981 có thể đã tính toán rằng việc khoan dầu tại khu vực biển tranh chấp có thể sẽ làm tăng thêm vốn liếng chính trị cho bản thân mình. Sự nghiệp của ông, giống như 52 vị CEO của 108 doanh nghiệp quốc doanh khác, nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương, nằm trong tay của Cục Tổ chức Trung ương Đảng (Kjeld Erik Brødsgaard, “Politics and Business Group Formation in China: The Party in Control?” China Quarterly, 9/2012). Do đó, một vài người trong số này tìm cách sử dụng vị trí của mình như là bàn đạp để thăng tiến tới các vị trí cao hơn trong Đảng cũng như trong chính phủ. Kết hợp giữa việc thúc đẩy lợi ích quốc gia song song với đem lại lợi ích doanh nghiệp, một vài người trong số họ đã thành công với những bước tiến trong sự nghiệp. CEO của công ty đã thuê COSL để hoạt động tại vùng biển tranh chấp có thể đã tính toán rằng việc sử dụng HD-981 nhằm khẳng định quyền tài phán tại khu vực tranh chấp tại Biển Đông sẽ giúp tăng cơ hội thăng tiến của mình. Cụ thể, đúng với những gì mà ông Wang Yilin mô tả về giàn khoan HD-981 như là một công cụ chính trị, hoạt động thương mại ở đây đã được sử dụng để phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Kết luận

Làm thế nào để giàn khoan HD-981 đi vào hoạt động tại vùng biển tranh chấp? Chúng ta biết rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ cho việc triển khai giàn khoan này. Công ty sở hữu các giếng dầu được khoan tại đây chắc chắn phải nhận được sự cho phép từ Bộ Ngoại giao và có thể là của cả các quan chức cấp cao để hoạt động tại vùng biển có tranh chấp với Việt Nam. Không một CEO nào, khi chưa có sự ủng hộ của Bắc Kinh, đủ can đảm thực hiện một hành động như vậy – hành động chắc chắn sẽ đem lại những hệ lụy cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Việc chính phủ Trung Quốc cho phép thăm dò tại khu vực biển tranh chấp cũng đánh dấu sự thay đổi so với hai thập kỉ qua, khoảng thời gian mà có tin cho rằng chính phủ Trung Quốc đã không cho các NOC tiến hành hoạt động tại đây. Sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc cũng phù hợp với một loạt động thái của nước này trong những năm qua nhằm khẳng định quyền tài phán của Trung Quốc tại những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính, NOC đang quản lý hoạt động khai thác dầu của giàn khoan HD-981 có vai trò đến đâu vẫn là điều chưa rõ ràng.  Liệu đây có phải là trường hợp một công ty mong muốn thăm dò dầu khí tại Quần đảo Hoàng Sa đã khôn khéo tận dụng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các bên có yêu sách khác để xin được sự đồng ý tiến hành hoạt động tại vùng biển có tranh chấp hay không? Hay đây là trường hợp Bắc Kinh yêu cầu một NOC nào đó giúp chính phủ khẳng định quyền tài phán tại các vùng biển tranh chấp và công ty này đã chọn khu vực được đánh giá là vị trí hứa hẹn nhất? Trong cả hai trường hợp, CEO của NOC này chắc chắn đều nhận ra được mệnh lệnh chính trị đó là phải hỗ trợ tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh.

Việc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng biển tranh chấp phù hợp với lợi ích lâu dài của các NOC của Trung Quốc đó là mở rộng hoạt động tại Biển Đông, và đây cũng có thể là một thắng lợi chính trị dành cho một vị CEO nào đó. Tuy nhiên, nếu hoạt động hiện nay của giàn khoan HD-981 có những động cơ chính trị, chắc chắn điều này sẽ có ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực của các NOC Trung Quốc nhằm chứng tỏ rằng họ đang hoạt động một cách tương đối độc lập, là các đơn vị hoạt động vì lợi nhuận – điều sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc mở rộng hoạt động ra bên ngoài, đặc biệt là tại Mỹ và Canada, nơi người ta vẫn hay hoài nghi liệu rằng hoạt động đầu tư của các NOC Trung Quốc có thật sự nhằm vào mục tiêu kinh tế hay không, hay vẫn có những có những động cơ chính trị đằng sau. Thật vậy, việc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển tranh chấp rõ ràng là một minh chứng tiêu biểu cho việc NOC đóng vai trò như một công cụ chính trị, hoạt động vì mục tiêu của quốc gia thay vì an ninh năng lượng. Trong các phân tích trước đây về sự tương tác giữa các NOC Trung Quốc và chính phủ (đặc biệt trong hoạt động đầu tư xuyên biên giới), thông thường người ta sẽ kết luận rằng chính các NOC, bằng việc giải thích rằng dự án này sẽ cải thiện an ninh năng lượng của Trung Quốc, sẽ kéo được về một thương vụ béo bở, đem lại lợi ích riêng cho công ty cũng như để nhận được sự hỗ trợ của của chính phủ (xem SAIS Review, 2012 No. 2 (PDF); xem thêm chương 7 của Edward Steinfeld, Playing Our Game, OUP 2012 và China Brief, 1/2/ 2013). Tuy nhiên, không có đủ thông tin công khai cần thiết để đưa ra một kết luận tương tự cho hoạt động của giàn khoan HD-981.

Erica Downs là chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings. Bài viết đăng trên trang “Jamestown

Người dịch: Quang Vũ