Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái của TQ khiến cho các nước trong khu vực cảm thấy lo ngại, mặc dù chiếc tàu sân bay của TQ không có nhiều tác dụng về mặt chiến đấu. Ngày 12/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu TQ giải thích lý do tại sao họ lại cần có một chiếc tàu sân bay có khả năng thao tác cao và có tính chất tấn công như vậy. Trước đó ngày 10/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng đưa ra một yêu cầu tương tự và một lần nữa bày tỏ sự lo ngại của Mỹ và nhiều nước khác đối với tính chất thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong các hoạt động quân sự và chính sách quốc phòng.

Bên cạnh đó, đúng vào lúc TQ phô trương chiếc tàu sân bay đầu tiên trên biển Hoa Đông, Mỹ lặng lẽ cho hàng không mẫu hạm của mình tỏa ra khu vực quanh Biển Đông từ Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông. Theo giới phân tích, động thái này rõ ràng là nhằm khẳng định thêm quyết tâm của Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện hải quân trong vùng, đồng thời trấn an các nước Đông Nam Á đang lo ngại về tiềm lực quân sự gia tăng của TQ.

Được chú ý nhiều nhất, cho dù không được quảng bá rộng rãi, chính là sự kiện chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân George Washington thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, dừng lại ngoài khơi miền Nam Việt Nam hôm 13/8. Điểm được công luận trong và ngoài nước ghi nhận là một lần nữa, một phái đoàn quan chức VN cùng với nhiều nhà báo đã được ra để tham quan chiếc hàng không mẫu hạm, được mệnh danh là ngôi sao của hạm đội Thái Bình Dương

 Mỹ, tại vùng biển quốc tế tiếp giáp hải phận Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên mà chiếc George Washington được phái đến vùng biển gần hải phận Việt Nam để thực hiện điều có thể gọi là một “công tác giao tế”. Tháng 8/2010, chiếc tàu sân bay này cũng đã đến neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng và phía Mỹ cũng mời quan khách chính phủ và quân đội Việt Nam lên thăm.

RFI nhận định trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng bối cảnh của 2 chuyến “ghé thăm hữu nghị” này khá giống nhau. Đó là vào lúc quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang căng thẳng vì những động thái hung hăng của Bắc Kinh nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Trong bối cảnh Việt Nam, cũng như nhiều nước châu Á khác đang lo ngại trước thái độ ngày càng quyết đoán của TQ, một mối quan ngại đã gia tăng hẳn lên sau khi TQ cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ hôm 10/8, việc mời các giới chức chính quyền và quân đội VN lên tham quan hàng không mẫu hạm Mỹ còn được cho là nhằm mục đích phô trương một cách cụ thể ưu thế của hải quân Mỹ so với TQ, qua đó trấn an được các nước đang muốn Mỹ hiện diện trong vùng để cân bằng uy lực của Bắc Kinh. Điều này thể hiện rõ trong phát biểu hôm 13/8 của ông David A. Lausman, sĩ quan chỉ huy của tàu sân bay USS George Washington, khi ông xác nhận với AP rằng một con tàu trơ trọi không có giá trị gì, nếu không có kinh nghiệm hoạt động và một thủy thủ đoàn lành nghề.

Theo giới quan sát, chuyến ghé Việt Nam chỉ là một phần trong hoạt động của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong thời gian gần đây. Trước lúc đến vùng biển tiếp giáp Việt Nam, chiếc George Washington đã ghé cảng Thái Lan và cũng tiếp đón quan khách Thái Lan lên thăm tàu. Sau Việt Nam, chiếc tàu sẽ trở về căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, nơi hàng không mẫu hạm này đặt bản doanh.

Ngoài chiếc George Washington, từ ngày 12/8, một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ là USS Ronald Reagan với thủy thủ đoàn hơn 5.000 người cũng bắt đầu ghé cảng Hồng Kông trong 4 ngày. Dù chuyến thăm đã được dự tính từ lâu và được TQ chấp thuận nhưng sự kiện này cũng có thể được xem là một phương thức mà hải quân Mỹ sử dụng để khẳng định sự hiện diện của họ trong khu vực. Chiến lược “ngoại giao mẫu hạm” của Mỹ tại vùng Biển Đông sẽ đạt đỉnh cao cuối tháng 8/2011, khi toàn bộ hải đội hàng không mẫu hạm tấn công số ba của Hạm đội 7 Mỹ, với tàu sân bay hạt nhân USS John Stennis cùng tất cả đội tàu và máy bay hộ tống, sẽ đến Manila biểu dương lực lượng, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương Mỹ - Philippines. Cuộc phô trương thanh thế này cũng diễn ra trong bối cảnh Philippines đang bị TQ lấn lướt ở Biển Đông và đã cầu viện đến đồng minh Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Đài Loan xác nhận đang phát triển loại tên lửa chống mẫu hạm. Theo một lãnh đạo cao cấp thuộc Ủy ban Quốc phòng Đài Loan, ngày 14/8, chính quyền Đài Bắc xác nhận đang nghiên cứu việc cải tiến tên lửa Hùng Phong III (Hsiungfeng III), theo hướng mở rộng tầm hoạt động và tăng cường khả năng mang theo một đầu đạn có sức công phá mạnh hơn nhằm đối phó với tàu sân bay. Loại tên lửa này sẽ được đặt trên các dàn phóng di động, để tránh bị phát hiện trong trường hợp bị TQ tấn công. Đây là dạng thức di động của loại tên lửa bay nhanh hơn tốc độ âm thanh sẵn có, vốn được mệnh danh là “ sát thủ tàu sân bay” đ ã được Đài Loan trang bị cho các chiến hạm hộ tống của mình, loại tên lửa này có tốc độ lý thuyết là mach 2, tức là gấp 2 lần vận tốc âm thanh, với tầm hoạt động khoảng 130km.

Theo AFP, trong những ngày qua, báo chí Đài Loan đã có dịp may hiếm hoi là nhìn tận mắt loại tên lửa Hùng Phong III, được trưng bày trong một cuộc triển lãm quân sự tại Đài Bắc, mở cửa đón công chúng từ ngày 11/8 vừa qua. Trước đây, tên lửa này đã từng 2 lần được giới thiệu công khai, nhưng chưa bao giờ được coi là loại vũ khí chống hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, trong cuộc triển lãm lần này, chiếc Hùng Phong 3 đã được chính thức gọi là “ sát thủ hàng không mẫu hạm”./.

Đại Dương (gt)