07012013son6131713522.jpg

Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một cột mốc lịch sử trong diễn biến tranh chấp trên Biển Đông. Là một trong những bên chính trong tranh chấp, Việt Nam đã hoan nghênh phán quyết này, đồng thời cho biết thêm sẽ đưa ra một tuyên bố riêng về nội dung của phán quyết. Một khi được công bố, tuyên bố sẽ làm sáng tỏ cách giải thích về phán quyết này của Việt Nam và cung cấp những manh mối về việc nước này có thể xử lý tranh chấp này như thế nào trong tương lai. Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ phán quyết trên nhưng cũng phải đối mặt với một số tác động tiêu cực đối với các tuyên bố chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa.

Hai điểm trong phán quyết của tòa có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Đầu tiên, tòa bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” dựa trên “đường 9 đoạn”, qua đó khẳng định tuyên bố này không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Thứ hai, tòa cho rằng không có cấu trúc nào ở quần đảo Trường Sa có đủ tiêu chuẩn của một hòn đảo theo Điều 121 (3) của UNCLOS.

Như vậy, các cấu trúc này chỉ được hưởng tối đa quy chế vùng lãnh hải 12 hải lý chứ không phải là một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có thể kéo dài đến 200 hải lý. Những phán quyết này thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hiện không có vùng chồng lấn giữa “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như giữa EEZ trên lý thuyết của một số cấu trúc nhất định ở quần đảo Trường Sa và EEZ của Việt Nam tính từ đất liền.

Phán quyết của tòa cũng đặt ra một tiền lệ pháp lý quan trọng cho Việt Nam trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Vì các cấu trúc trong quần đảo Hoàng Sa cũng tương tự như ở Trường Sa về quy mô và tính chất, chúng không có khả năng có một EEZ. Ngoài ra, phán quyết của tòa rằng quần đảo Trường Sa không thể tạo ra các vùng biển nói chung như là một thực thể thống nhất cũng cần được áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa.

Như vậy, đường cơ sở thẳng Trung Quốc thiết lập vào năm 1996, kết nối 28 điểm ngoài cùng xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc muốn khẳng định quyền lợi biển cho quần đảo, sẽ không còn giá trị nữa. Những vụ va chạm trên biển gần đây giữa hai nước, trong đó có việc Trung Quốc mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí trong EEZ của Việt Nam năm 2012 và việc Trung Quốc triển khai giàn khoan vào EEZ của Việt Nam năm 2014, Trung Quốc biện minh cho các hành động của mình bằng cách đề cập đến các quyền trong phạm vi “đường 9 đoạn” hoặc là vùng được cho là EEZ của hai quần đảo này.

Với hai phán quyết trên, Việt Nam hiện có cơ sở pháp lý mạnh mẽ để ngăn chặn những xâm phạm trong tương lai của Trung Quốc vào EEZ của mình. Đồng thời, các phán quyết cũng tạo ra một số tác động tiêu cực đối với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Đơn cử như khi tòa tuyên bố không cấu trúc nào trong số các thực thể ở quần đảo Trường Sa được hưởng EEZ thì việc tiếp cận của các ngư dân Việt Nam đối với ngư trường quan trọng này có thể bị giảm đi đáng kể. Cụ thể là họ sẽ mất quyền đánh cá trong vùng lãnh hải bên trong EEZ của Philippines và bên ngoài vùng lãnh hải của các cấu trúc có quy chế ở quần đảo Trường Sa.

Việt Nam cũng dự kiến sẽ phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên đảo đá Mischief Reef (Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây). Quan trọng hơn, Việt Nam cũng có thể phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với bãi Alison Reef (Tốc Tan), đảo Cornwallis South Reef (Núi Le) và đảo Tennent Reef (Tiên Nữ) mà quân đội Việt Nam đang đồn trú. Những cấu trúc này nằm trong EEZ của Philippines và ngoài lãnh hải của bất kỳ cấu trúc địa lý nào ở gần đó. Theo UNCLOS, chúng không là đối tường tuyên bố yêu sách và Philippines có chủ quyền đối với những thực thể này. Mặc dù phán quyết không trực tiếp kết luận về những thực thể này thì Việt Nam có thể bị phía Philippines yêu cầu phải từ bỏ.

Vì thế, phán quyết này một mặt tăng cường khả năng thương lượng của Hà Nội đối với Bắc Kinh nhưng mặt khác lại làm yếu đi vị thế của Hà Nội đối với Manila. Tuy nhiên, Việt Nam nhiều khả năng sẽ ủng hộ phán quyết này vì những lợi ích mà nước này đạt được có thể lớn hơn những thua thiệt có thể có. Hơn nữa, Việt Nam vẫn có thể hy vọng đàm phán với Philippines về quyền đánh cá của mình cũng như việc chiếm giữ các đảo nêu trên.

Trong bất kỳ trường hợp nào, vì Manila và Hà Nội trên thực tế là các đồng minh vì sự nghiệp chung đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông nên phán quyết này khó có khả năng làm thay đổi mối quan hệ của hai nước, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Nếu mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trở nên đáng lo ngại, thì thông qua tiền lệ do phán quyết này mang lại, Hà Nội có thể có lý do để mong đợi một chiến thắng nếu họ đệ đơn kiện tương tự đối với Bắc Kinh về quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Việt Nam có thể không muốn khởi xướng việc này vì một hành động như vậy sẽ khiến Trung Quốc có hành động thù địch dữ dội và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương, điều mà Việt Nam có thể chưa sẵn sàng chấp nhận. Thay vào đó, Hà Nội có thể muốn để ngỏ giải pháp pháp lý đối với Trung Quốc và sử dụng nó như là một đòn bẩy trong cách xử lý với Bắc Kinh.

Tóm lại, Việt Nam sẽ đánh giá các phản ứng của mình một cách cẩn thận để tối đa hóa lợi ích của mình từ phán quyết của tòa trên. Đồng thời, sự ủng hộ của Việt Nam đối với Philippines từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng tại tòa cho thấy nước này sẵn sàng chấp nhận những gì không mong muốn có thể xảy ra do phán quyết này có thể mang lại vì những lợi ích của mình. Điều đó cho thấy chính sách Biển Đông trong tương lai của Việt Nam và hành động của nước này sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ tuân thủ của Trung Quốc đối với phán quyết này cũng như tình trạng mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Philippines. Trong khi đó, Hà Nội cũng chưa cần phải vội vã./.

Tác giả Tiến sĩ Lê Hồng Hiệpchuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore. Bài viết đăng trên tờ “Today online (ngày 18/7).

Mỹ Anh (gt)