Ngoại giao thông thường có lẽ không thể đem lại các kết quả về mặt địa chính trị như cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã làm được trong năm qua. Giá dầu giảm hơn một nửa, lại thêm sự sụp đổ của đồng rúp bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ucraina, đã đi được một bước dài hướng tới vô hiệu hóa nền kinh tế Nga. Dầu giá rẻ cũng đã làm suy yếu nền kinh tế của Iran, theo đó, tăng thêm cơ hội tiến tới một thỏa thuận hạt nhân thực tế. Cuối cùng, Venezuela giàu dầu mỏ đứng bên bờ vỡ nợ thậm chí trước khi giá dầu sụt giảm. Điều này đưa đến một sự thay đổi lớn trong cục diện kinh tế và địa chính trị, trong đó chủ yếu Mỹ và các đồng minh là những người hưởng lợi.

Gốc rễ của việc sụt giảm giá dầu là do tiến bộ trong kỹ thuật khai thác dầu của Mỹ, chủ yếu từ các mỏ dầu đá phiến, bằng phương pháp khoan ngang và bơm thủy lực. Điều này đã làm đảo ngược sự suy giảm trong sản xuất dầu của Mỹ, tăng thêm 3 triệu thùng mỗi ngày kể từ năm 2012. Kết quả là khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ toàn cầu trở lên lớn hơn, làm tăng mạnh lượng dự trữ dầu của Mỹ và thế giới và làm giảm giá dầu. Đối mặt với dư thừa nguồn cung dầu mỏ, Saudi Arabia, không muốn mất thị phần, đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là quốc gia sản xuất cân bằng của thế giới, quyết định không giảm sản lượng để hỗ trợ giá.

Sau cuộc cấm vận dầu mỏ trong thập niên 1970, OPEC đã giành được quyền định giá dầu từ Mỹ. Nhưng đột phá công nghệ trong khai thác dầu đá phiến có thể là một nhân tố ổn định giá dầu hiệu quả hơn nhiều so với OPEC. OPEC hiện đang từ bỏ quyền năng định giá dầu của mình. OPEC có thể không bao giờ lấy lại được quyền này.

Lý do là công nghệ khai thác dầu đá phiến linh hoạt hơn rất nhiều. Các giếng dầu đá phiến có thể đi vào khai thác sớm hơn so với hầu hết các giếng dầu thông thường và cũng cạn kiệt nhanh hơn rất nhiều. Hơn một nửa lượng dầu của các giếng dầu đá phiến sẽ cạn sau hai năm đầu khai thác, trong khi các mỏ dầu thông thường có thể tiếp tục sản xuất tới 20 năm hoặc lâu hơn. Do đó, sản lượng dầu đá phiến có thể tăng và giảm nhanh hơn so với sản lượng của các giếng dầu thông thường. Khác với các quyết định sản xuất của một OPEC độc quyền, những biến động về giá cả thị trường sẽ tự động điều chỉnh sản xuất nhiều hay ít của dầu đá phiến.

Tất nhiên, những đợt giảm giá dầu gần đây đã làm tăng sức mua đáng kể cho những nước tiêu thụ. Chi tiêu tiêu dùng toàn cầu tăng đáng kể trong quý hiện tại, nhưng số tăng này phần nào bị triệt tiêu bởi đầu tư vốn chậm lại ở các nước sản xuất dầu năm nay và năm sau. Tóm lại, tác động tích cực của việc giảm giá dầu đến tổng sản phẩm nội địa toàn cầu có vẻ không lớn.

Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn, là một trong những nước được lợi nhiều nhất từ việc ​​giá dầu giảm. Cũng được lợi nhiều là Nhật Bản - nước đang phải nhập khẩu thêm dầu sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima do thảm họa sóng thần tháng 3/2011. Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu cũng được hưởng lợi, nhưng ở mức độ ít hơn.

Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn 45 USD/thùng vào cuối tháng 1, so với mức 115 USD hồi tháng 6 năm ngoái, mặc dù gần đây có tăng trở lại lên đến gần 60 USD/thùng. Liệu đây có phải là một sự tăng giá tạm thời khi các thương gia phải mua dầu để trả cho các khoản đầu cơ ngắn hạn trước đó, sau đó giá sẽ lại tiếp tục giảm? Câu trả lời có thể thấy được qua các số liệu thống kê về lượng dầu dự trữ. Để giá có thể tăng lên, khoảng cách giữa tiêu thụ và sản xuất hiện nay phải được xóa bỏ.

Một năm trước, khi giá dầu đang cao, người ta cho rằng dầu đá phiến không thể có lợi nhuận với giá 60 USD/thùng. Vào thời điểm đó, các biện pháp khuyến khích cắt giảm chi phí sản xuất là một ưu tiên thấp; khi mỗi thùng trị giá hơn 100 USD, điều quan trọng nhất là lôi nó lên khỏi mặt đất. Với mức giá hiện nay, cắt giảm chi phí là bắt buộc. Chúng ta sẽ thấy liệu những nhà sản xuất dầu đá phiến, trong bước đường cùng, có thể tiếp tục đầu tư một cách sáng tạo và có lợi nhuận hay không.

Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ 1987 đến 2006. Bài viết được đăng trên Financial Times.

Văn Cường (gt)