19135_5280a3627324f-386x290.jpg

Tổng thống Phillippines Rodrigo Duterte có vẻ không giống một nhà ngoại giao châu Á thông thường. Với những phát biểu mang tính công kích, ông Duterte thường đi ngược lại các quy tắc ngoại giao mà ông cho là cứng nhắc, nông cạn. Phong cách khó đoán của ông Duterte khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu ASEAN, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Phillippines, đã chuẩn bị tâm thế cho một "chuyến đi bão táp" hay chưa?

Khi trao lại quyền chủ tịch ASEAN cho Singapore vào năm tới, ông Duterte hy vọng sẽ đạt được điều mà ASEAN đã cố gắng rất lâu trong hơn một thập kỷ qua: một thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc gìn giữ hòa bình ở Biển Đông. Tháng 1/2017, ông Duterte bày tỏ dự định xây dựng một nền tảng hợp tác chung giữa các nước ASEAN. Sáu vấn đề trọng tâm được ông đề cập tới là: hòa bình và ổn định; hợp tác an ninh biển; phát triển bền vững dựa vào sự đổi mới; sức bật của ASEAN; trọng tâm hướng tới con người của ASEAN; và ASEAN như một hình mẫu trong khu vực và một nhân tố trong bức tranh toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Phillippines Delfin Lorenzana cho biết ông Duterte, đúng theo phong thái cứng rắn của mình, tuyên bố ASEAN không nên trở thành một "lá bài" trong sự đối đầu của các cường quốc trên thế giới. Theo ông Lorenzana, ông Duterte tin tưởng rằng ASEAN có lợi thế rất lớn khi hợp sức thành một khối - với một nền kinh tế có giá trị tới 2,3 nghìn tỷ USD và một thị trường tới 624 triệu dân.

Đã có những lo ngại cho rằng ông Duterte có thể sẽ đưa ASEAN hướng về Trung Quốc và Nga, từ đó gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ của ASEAN với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, hai cuộc gặp quan trọng dưới sự chủ trì của Phillippines cho thấy việc xây dựng sự đồng thuận đã được ưu tiên, và là cơ sở để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể "cất cánh".

Các bộ trưởng ngoại giao của khu vực đang cố đạt được thỏa thuận khung cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hướng tới sẽ là một cơ chế để kiểm soát các xung đột tại Biển Đông. Quyền Ngoại trưởng Phillippines Enrique Manalo cũng hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt thỏa thuận tại các cuộc gặp dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng 5 này, và khung thỏa thuận sẽ được ký vào tháng 6. Khung thỏa thuận này có khả năng sẽ bao gồm các cam kết chung dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được đưa ra cách đây 14 năm.

Điều đáng nói, đây là bước tiến quan trọng đầu tiên kể từ khi ASEAN bắt đầu nỗ lực thông qua COC vào năm 2002. Theo lời Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, điều này sẽ tạo nên một nền tảng và sự tự tin cho ASEAN khi tiến tới mục tiêu thực sự là đạt thỏa thuận về một COC mang tính ràng buộc pháp lý trong tương lai. Ông Balakrishnan nói: “Chúng ta không thể thay đổi chương trình nghị sự của các cường quốc, nhưng chúng ta cần đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này”.

Theo các tính toán của ông Duterte, Biển Đông là chìa khóa để ASEAN đạt được tiềm năng lớn mạnh về kinh tế. Theo các nguồn tin trong chính phủ Phillippines, ông Duterte đang cố gắng xích lại gần hơn với Bắc Kinh để đạt được thoả thuận hợp lý hơn cho COC. Việc không đưa quyết định của Tòa trọng tài quốc tế, theo đó bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, vào chương trình nghị sự của ASEAN được cho là cách để giảm bớt căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc quyết định COC sẽ bao gồm các điều khoản gì.

Mục tiêu của ông Duterte, theo một số chuyên gia, là có thể hiện thực hóa việc đưa ASEAN thực sự trở thành một khối đoàn kết. Từ khi được thành lập vào tháng 12/2015, AEC đạt được rất ít tiến triển. Một nghiên cứu của ngân hàng HSBC cho thấy thương mại giữa các nước ASEAN thậm chí còn giảm tương đương với tổng lượng xuất khẩu từ các nước ASEAN tới phần còn lại của thế giới. Thương mại giữa các nước ASEAN giảm 3,5% trong 9 tháng đầu sau khi AEC được thành lập, tương đương với lượng sụt giảm 3,9% xuất khẩu từ khu vực này đi các nước khác. Liên kết ngân hàng cũng diễn ra rất chậm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Phillippines Carlos Dominguez cho rằng ASEAN đang đạt độ chín muồi để có thể hưởng lợi từ một cuộc bùng nổ về đầu tư. AEC cung cấp một thị trường với hơn 600 triệu khách hàng tiềm năng, một thị trường lao động tới 300 triệu nhân công, đa số là trẻ, có kỹ năng và năng động. Theo ông Dominguez, các nền kinh tế trong khu vực vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng, và việc đầu tư cơ sở hạ tầng dồi dào sẽ làm tăng độ hiệu quả trong liên kết khu vực.

Mặc dù vậy, ASEAN vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Phó Tổng thư ký ASEAN Lim Hong Hin cho rằng các hy vọng về sự tăng trưởng của Đông Nam Á phải đặt trong bối cảnh tình hình thế giới trở nên rất khó lường, khi chủ nghĩa dân túy và tình trạng bảo hộ đang có xu hướng gia tăng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cho là một thách thức của ASEAN. Ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó ASEAN chỉ còn lại thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. Ông Duterte cũng từng chỉ trích TPP là “hạn chế” những nước như Philippines và do đó chuyển sang ủng hộ RCEP, mặc dù điều này được cho là không có lợi cho ASEAN.

Những chia rẽ về vấn đề TPP-RCEP, chính sách bảo hộ của ông Trump, hay việc ASEAN nên có động thái ra sao... sẽ kéo dài sang năm chủ tịch ASEAN của Singapore. Theo nhà phân tích chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle (Phillipines), ông Duterte sẽ không dễ dàng đạt được những thỏa thuận về khung COC, chống khủng bố hay tội phạm xuyên quốc gia, hay tìm giải pháp cho các mục tiêu kinh tế lâu dài. Chuyên gia Heydarian cho rằng ông Duterte phải nhận ra rằng không thể giấu nhẹm đi việc Trung Quốc đang có những chiến dịch bồi đắp quy mô lớn tại Biển Đông. Thay vào đó, ông Duterte nên đưa ra một cơ chế hai tầng, tức là một số quyết định của ASEAN có thể được thông qua dựa trên đa số nếu vấn đề đó không trực tiếp ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong khu vực.

Tác giả Raul Dencel là trưởng đại diện tờ Straitstimes tại Philippines. Bài viết đăng trên “Straitstimes”.

Vũ Hiền (gt)