20110611_asd000.jpg

Cách đây 75 năm, khi vị tướng nổi tiếng của Mỹ Douglas MacArthur trốn thoát khỏi pháo đài trên đảo Corregidor thuộc Philippines, ông đã có tuyên bố nổi tiếng: "Tôi sống sót và tôi sẽ quay trở lại". Tất nhiên là ông đã quay lại, quân đội Mỹ đã duy trì hiện diện tại Philippines kể từ khi hai nước hình thành quan hệ đồng minh đến nay.

Sự kiện MacArthur nằm trong hàng loạt lễ kỷ niệm đen tối ở châu Á, gợi nhớ về vai trò trung tâm địa chiến lược của khu vực Đông Nam Á. Ngày 15/2 đánh dấu lễ kỷ niệm 75 năm sự thất thủ của Singapore trước Nhật Bản. Chỉ 4 ngày sau đó, ngày 19/2, Nhật Bản bắt đầu trận đột kích vào cảng Darwin thuộc Úc. Sự thất thủ của Singapore có ý nghĩa bởi một số lý do. Mặc dù chưa nắm giữ được Java và Sumatra nhưng sự đầu hàng của Anh tại Malaysia cho thấy sự thành công của "Chiến lược phía Nam" của Nhật Bản. Tokyo có quyền tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này, bởi vậy, họ có thể cung cấp vật liệu cho các vũ khí chiến tranh. Trong khi đó, nỗ lực chiến đấu của Anh ở châu Âu lại thiếu những nguồn tài nguyên này.

Hơn nữa, với việc chiếm giữ được Singapore, sau đó là Java và Sumatra, Nhật Bản đã nắm được những cửa ngõ chính để vào Ấn Độ Dương. Hải quân Nhật Bản đã khám xét tất cả các tàu vận chuyển hàng qua Ấn Độ Dương và Vịnh Bengal. Sau đó, Nhật Bản tấn công cảng Darwin vào tháng 2 và đảo Christmas vào tháng 3. Tháng 4, Nhật Bản tấn công cảng Colombo và cảng Trincomalee thuộc Ceylon (nay là Sri Lanka), đánh chìm tàu sân bay HMS Hermes cùng một số tàu của Anh và Úc.

Mặc dù Anh, Pháp và Hà Lan đã quay trở lại khu vực nhưng sự thất thủ của Singapore vẫn đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân ở châu Á. Việc Nhật Bản càn quét khu vực Đông Nam Á đã làm sống dậy nhiều phong trào đòi độc lập mà những người theo chủ nghĩa thực dân không thể ngăn cản nổi. Hậu quả về địa chính trị của biến cố lịch sử này vẫn còn sáng rõ đến hôm nay.

Những sự kiện cách đây 75 năm có mối liên hệ thế nào với châu Á ngày nay? Sự xâm lược Philippines, Đông Ấn Hà Lan (thuộc địa cũ của Hà Lan, tiền thân của nước Indonesia ngày nay) và chiến dịch Malaya, những điều dẫn tới sự thất thủ của Singapore nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng địa chiến lược của Đông Nam Á. Tất nhiên, trong suốt Chiến tranh Thế giới II, mối lo ngại chính của London là "Mặt trận phía Tây". Những nỗ lực của Mỹ cũng chủ yếu tập trung ở châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Nhưng Anh lại mất các thuộc địa ở Đông Nam Á. Chính tại Đông Nam Á, Nhật Bản đã tìm ra nguồn tài nguyên họ cần để triển khai cuộc chiến tranh trên bộ ở Trung Quốc và chiến tranh hàng hải trên Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng đã có được bàn đạp để triển khai lực lượng vào khu vực Ấn Độ Dương và đánh bom Úc.

Đông Nam Á có thể không ở trung tâm của trận chiến, nhưng không phải vì thế mà không có tầm quan trọng chiến lược. Khu vực này quan trọng bởi những đường vận chuyển biển đi qua đây, bởi nó gần với Trung Quốc, Ấn Độ và bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Điều này vẫn rất quan trọng cho đến ngày nay. Các tuyến đường biển đi qua khu vực biển Đông Nam Á là đường vận chuyển quan trọng của kinh tế toàn cầu và cũng là tuyến huyết mạch để Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác triển khai sức mạnh quân sự. Khu vực này là cầu nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như giữa Úc và các nước lớn ở châu Á. Khu vực này cũng rất giàu tài nguyên - những thứ mà các quốc gia phải dựa vào để phát triển kinh tế. Chính những đặc điểm này tiếp tục định hình chính sách can dự của các nước lớn bên ngoài khu vực đối với châu Á trong thế kỷ 21.

Chính vì điều đó mà Mỹ và các đồng minh có lợi ích khi các quốc gia Đông Nam Á có ổn định và an ninh. Nhiều người còn cho rằng an ninh của Úc gắn liền với an ninh của khu vực láng giềng này. Úc có thể thoải mái khi có một khoảng cách khá xa với Trung Quốc - khoảng 2.600 dặm từ cảng Darwin tới căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Sanya. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp khoảng cách này. Đá Vành Khăn chỉ cách Úc 1.800 dặm. Nếu Trung Quốc bắt đầu tuần tra chống cướp biển ở biển Sulu như Tổng thống Philippines đã đề nghị thì quân đội Trung Quốc có thể tiến gần Úc thêm 400 dặm nữa.

Mối quan hệ gần gũi của Chính quyền Obama với Đông Nam Á và sự can dự của Mỹ đối với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc thúc đẩy sự tập hợp lực lượng trong khu vực và ảnh hưởng của Mỹ cũng gia tăng. Tuy nhiên, sự đắc cử của Tổng thống Rodrigo Duterte tại Philippines làm dấy lên câu hỏi về tương lai của mối quan hệ đồng minh này. Việc Donald Trump rút khỏi TPP dẫn tới những mối lo ngại về tính đáng tin cậy của Mỹ ở Malaysia, Singapore và Việt Nam. Bê bối tham nhũng tại Kuala Lumpur dẫn tới sự vào cuộc của Bộ Tư pháp Mỹ trong điều tra về Tổng thống Najib Razak đã dẫn tới căng thẳng trong quan hệ song phương. Tổng thống Indonesia có vẻ mặn mà hơn trong việc đảm bảo các khoản đầu tư của Trung Quốc hơn là thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á không nhất thiết là trò chơi giữa một bên thắng với một bên thua, nhưng Mỹ vẫn có thể thua. Xem xét lại về chính sách đối ngoại, trong đó có chính sách đối với Đông Nam Á, nên được coi là trọng tâm của Chính quyền Trump trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ. Bỏ qua khu vực này sẽ dẫn tới cán cân sức mạnh khu vực lệch về phía có lợi cho Trung Quốc.

Sự chạy trốn của MacArthur, sự thất thủ của Singapore và vụ đánh bom ở Darwin cho thấy những sự kiện ở Đông Nam Á có tác động tới cả khu vực, thậm chí toàn cầu. Từ sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ nhận ra rằng Đông Nam Á đóng vai trò quyết định cán cân sức mạnh giữa Mỹ với các đồng minh Thái Bình Dương cũng như giữa Mỹ với các kẻ thù ở châu Âu và châu Á. Hiện nay, Chính quyền Trump dành ít sự chú ý tới khu vực này. Đây là một sai lầm và Mỹ cần ưu tiên phát triển một chiến lược đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tác giả là ông Michael Mazza, chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ tại khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Bài viết đăng trên Tạp chí “National Interest”.

Vũ Hiền (gt)