Trong chiến lược đó, Việt Nam là một trong những ưu tiên của Gazprom với nhiều hợp đồng đã được ký với PetroVietnam từ năm 2006. Gazprom có hơn 50% là vốn sở hữu nhà nước và các chính sách của Tập đoàn này có quan hệ chặt chẽ với các chính sách của Nga. Chính phủ Nga cũng đang nhìn Việt Nam với nhiều lợi ích trong đó. Hà Nội đối với Moscow không chỉ là liên minh trong kỷ nguyên Xô Viết mà còn là cửa ngõ vào ASEAN, một khu vực mà Nga đang tìm cách để thâm nhập vào bởi tính đa dạng về các quan hệ chính trị và thương mại. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga bao gồm cả tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Nga cũng đang cố gắng bán vũ khí cho các nước ASEAN khác trong đó có cả Indonesia trong khi bắt đầu giảm bán vũ khí cho Trung Quốc. Cùng lúc đó, với cương vị chủ tịch APEC năm 2012 và tham gia thượng đỉnh Đông Á năm 2011, Nga đang tăng sự chú ý tới châu Á. Đây không chỉ là về mặt lô-gíc khi xét tới vị trí Châu Á – Thái Bình Dương đối với Nga. Nga cần xem xét quan hệ hiệu quả và ổn định với Trung Quốc như một tài sản lớn. Quan hệ kinh tế năng động giữa hai nước và hợp tác chính trị Nga - Trung về nhiều vấn đề quốc tế cần được đánh giá cao. Không lãnh đạo nào của Nga là không mong muốn quay trở về tình trạng thân thiện với Trung Quốc. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc còn là đối tác trong nhiều lĩnh vực, mặc dù hai nước cũng là đối thủ cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Một số học giả quốc tế thậm chí đã nhìn nhận khu vực này đang là sân sau của Trung Quốc và cho rằng Nga đang tụt hậu. Nga về phần mình tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và Ấn Độ, những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo tác giả, sẽ là sai lầm nếu tập trung vào cạnh tranh, làm giảm lợi ích chung. Các nhà lãnh đạo của Nga, trái ngược với một vài lãnh đạo các nước láng giềng khác của Trung Quốc chưa bao giờ tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua. Công luận Nga cũng chưa bao giờ cảm thấy hoảng hốt về vấn đề này mặc dù cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Nga đang thay đổi nhanh chóng. Hiện quan hệ Nga - Trung đã đủ chín để duy trì thế cân bằng thích hợp giữa lợi ích chung và lợi ích quốc gia. Nga đang thừa nhận biển Đông là khu vực tranh chấp lãnh thổ và Nga hy vọng tranh chấp này sẽ được giải quyết hòa bình. Các dự án năng lượng của Gazprom ngoài khơi bờ biển Việt Nam vẫn nằm ngoài vùng nước tranh chấp do đó Nga sẽ không chọn cách xa Trung Quốc bằng việc đặt lợi ích lên trên an ninh quốc gia. Khi ông Vladimir Putin bước vào điện Kremlin với tư cách Tổng thống Nga lần 3, mục tiêu của ông là duy trì vị thế của Nga như một trong 5 nước quyền lực nhất thế giới. Trọng tâm của Nga sẽ chủ yếu tập trung vào kinh tế và điều này đòi hỏi Nga cần có quan hệ ổn định với Mỹ và Trung Quốc. Trong khái niệm một nước Nga hiện đại, quan điểm của ông Putin về một cường quốc lớn có nghĩa là trên tất cả phải có sự độc lập chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. Liên minh Á - Âu của Putin có nghĩa là thiết lập quan hệ chặt chẽ và cân bằng hơn với châu Âu trong khi sẽ phải phát triển chiến lược châu Á mà trong chiến lược đó, Nga chắc chắn sẽ phải chú ý nhiều tới quan hệ đối tác và hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga sẽ không bỏ qua lợi ích và cơ hội tại một số nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Nga hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hiểu những động cơ đằng sau động thái của Nga.

Tác giả Dmitri Trelin là giám đốc Trung tâm Carnergie Moscow.

Theo Thời báo Hoàn cầu (ngày 17/4)

Lê Sơn (gt)