Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh phân tích hai đặc điểm lớn là công tác triển khai đối phó của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong công tác cứu trợ-khắc phục hậu quả của thảm họa động đất-sóng thần vừa qua tại miền Đông Bắc Nhật Bản và sự gia tăng hoạt động trên biển của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và một số nước láng giềng xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. 

Sách trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết SDF đã huy động trên 100.000 binh lính, 540 máy bay và 60 tàu chiến, đồng thời lần đầu tiên tiến hành triệu tập quân dự bị kể từ khi Luật Phòng vệ được thông qua để tham công tác cứu hộ. SDF đã đóng góp tích cực vào công cuộc khắc phục và tái thiết vùng thảm họa bằng các hoạt động làm mát lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cung cấp thực phẩm, nước uống, dược phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa và sự cố hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ của quân đội các nước, đặc biệt là quân đội Mỹ, đã giúp Nhật Bản giảm bớt gánh nặng khó khăn khi liên tiếp phải đối phó với các sự cố nghiêm trọng. 

Trong phần đánh giá môi trường an ninh quốc tế, Nhật Bản đánh giá cao sự tham gia của quân đội Trung Quốc trong các hoạt động quốc tế như gìn giữ hòa bình và chống hải tặc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gây mâu thuẫn với một số nước láng giềng xung quanh các vấn đề như chênh lệch cán cân thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ và vấn đề nhân quyền. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc có một số tuyên bố và hành động cứng rắn làm các nước có liên quan lo ngại. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự trên biển Đông - nơi có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa với một số nước ASEAN - và làm gia tăng mâu thuẫn trong khu vực. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng và hoạt động quân sự của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại. Sách trắng cũng đề cập tới chương trình chế tạo tàu sân bay và sản xuất máy bay chiến đấu của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tới các hoạt động thăm dò và thu thập thông tin tình hình Nhật Bản bằng máy bay chiến đấu và tàu chiến. Vào tháng 3/2011, máy bay trinh sát Y8 đã vượt qua đường ranh giới trên không giữa Nhật- Trung và tiếp cận gần quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) của Nhật Bản. Tiếp đó, 11 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc hồi tháng 6/2011 cũng đã đi ngang qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản để tiến ra Thái Bình Dương, diễn tập bắn đạn thật, huấn luyện máy bay không người lái và máy bay trực thăng, và công tác hậu cần trên biển. Từ những nhận định trên, Nhật Bản cho rằng cần theo dõi chặt động thái của Trung Quốc vì nước này trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng khu vực hoạt động trên biển Đông, biển Hoa Đông, và một số vùng biển trên Thái Bình Dương gần với lãnh hải Nhật Bản. Nhật Bản cũng kêu gọi Trung Quốc nhận thức vai trò nước lớn của mình để tham gia một cách tích cực và đóng vai trò điều chỉnh trong các vấn đề toàn cầu hiện nay. 

Đề cập tới tình hình bán đảo Triều Tiên, Sách trắng cho rằng các động thái quân sự của Bắc Triều Tiên đã gây căng thẳng trên bán đảo này và là một nguyên nhân lớn gây mất ổn định tình hình khu vực Đông Á. Nhật Bản cho rằng không thể loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới. Việc Bình Nhưỡng công khai một số cơ sở hạt nhân và đề cập tới việc khởi động một số nhà máy hạt nhân được lắp đặt lò ly tâm để làm giàu urani cũng có thể là một tuyên bố cho thấy khả năng nước này sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Nhật Bản cũng đề cập tới tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Musudan của Bắc Triều Tiên có tầm bắn lên tới 2.500-4.000 km có thể vươn tới tận đảo Guam. Sách trắng cũng đề cập tới tiến trình chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng và không loại trừ sẽ có sự mất ổn định tại quốc gia này trong giai đoạn kế nhiệm. 

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cũng nhắc đến nguy cơ các cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng máy tính của chính phủ và quân đội cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, coi đây là nguy cơ có thể gây ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia.

Lê Quang (gt)